[links()]
(Tiếp theo)
Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng và Nghị quyết kỳ họp thứ 6 Quốc hội khoá I, nhiệm vụ xây dựng và củng cố quốc phòng - an ninh được chú trọng. Trong các ngày 27, 28 và 29-10-1958, Tỉnh uỷ Nam Định họp nghiên cứu, triển khai thực hiện Luật nghĩa vụ quân sự và đề ra nhiệm vụ công tác quân sự năm 1959. Đến ngày 24-11-1959, Tỉnh uỷ ra Nghị quyết về công tác trị an, quốc phòng.
Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh uỷ, từ cuối năm 1958, Hội đồng nghĩa vụ quân sự tỉnh và các huyện, thành phố được thành lập; nhiều cán bộ được cử đi học tập kinh nghiệm thực hiện Luật nghĩa vụ quân sự của Vĩnh Phúc và Hà Nam. Hai xã Liên Phương (Vụ Bản) và Xuân Tiến (Xuân Trường) được tỉnh chọn làm thí điểm thực hiện Luật nghĩa vụ quân sự, sau đó tiến hành ra diện rộng. Từ tháng 11-1958 đến tháng 4-1959, công tác đăng ký khám tuyển nghĩa vụ quân sự đã được hoàn thành ở 113 xã; nhiệm vụ tuyển quân đạt kết quả tốt, trong đó Vụ Bản là huyện thí điểm có 568 người đi khám đã trúng tuyển 466 người, vượt chỉ tiêu trên giao là 90 người; toàn tỉnh đã giao 3.176 thanh niên đủ tiêu chuẩn cho các đơn vị chủ lực; Ban Chỉ huy quân sự từ tỉnh đến xã và lực lượng dân quân tự vệ được củng cố, tăng cường cả về số lượng và chất lượng.
Ngày 2-3-1959, Tiểu đoàn 1 bộ binh của tỉnh được thành lập, gồm 415 chiến sĩ là những thanh niên vừa trúng tuyển nghĩa vụ quân sự. Tháng 9-1960, cơ quan quân sự tỉnh tổ chức thành bốn ban: Tham mưu, Chính trị, Hậu cần và Dân quân; các Ban quân sự huyện, thành phố có ba sĩ quan chỉ huy (trong đó hai đồng chí phụ trách quân sự, một đồng chí phụ trách chính trị) và từ sáu đến tám cán bộ. Cuối năm 1960, một số đơn vị lực lượng vũ trang được biên chế thường trực huấn luyện sẵn sàng chiến đấu.
Đến cuối năm 1960, toàn tỉnh đã có 73.000 dân quân tự vệ, so với năm 1958 tăng 46.300 người; hầu hết các xã đã hoàn thành việc biên chế dân quân loại 1 và 2, bảo đảm kế hoạch huấn luyện quân sự cho cán bộ, chiến sĩ. Phong trào thi đua giành "ba mục tiêu" trong các đơn vị dân quân tự vệ diễn ra sôi nổi, hàng trăm xã ký giao ước thi đua với lực lượng vũ trang xã Gia Hưng (huyện Gia Khánh - Ninh Bình), đồng thời thực hiện Chỉ thị số 42/BTM của Bộ Tổng tham mưu về xây dựng dân quân tự vệ và lực lượng hậu bị năm 1960. Với phương châm "xây dựng dân quân tự vệ song song với phát triển kinh tế, cải tạo xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội, từng bước tiến tới quân sự hoá toàn dân, vũ trang toàn dân", nhiều đơn vị cờ đỏ xuất hiện trong bộ đội địa phương và dân quân xã; 100% đội viên dân quân vào hợp tác xã nông nghiệp, hợp tác xã mua bán và hợp tác xã tín dụng; trên 30% đội viên dân quân đạt lao động tiên tiến, trong đó hơn 50% đạt danh hiệu "Kiện tướng làm phân", "Kiện tướng thuỷ lợi", 100% quân số tham gia sinh hoạt, học tập quân sự, chính trị và văn hoá. Năm 1959, xã Giao Lâm (Giao Thuỷ) là lá cờ đầu trong phong trào thi đua, được Chính phủ tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhì. Đến năm 1960, dân quân các xã Xuân Bắc (Xuân Trường), Yên Vượng (Ý Yên), Hải Hưng (Hải Hậu), Trực Thắng (Trực Ninh), Nghĩa Phú (Nghĩa Hưng), Mỹ Thuận và Lộc Hạ (Mỹ Lộc), Trùng Khánh (Vụ Bản), tự vệ Khu phố 4, tự vệ Nhà máy dệt Nam Định đã giành danh hiệu lá cờ đầu trong phong trào thi đua của lực lượng dân quân tự vệ toàn tỉnh.
Trong ba năm (1958 - 1960), tình hình trật tự trị an trên địa bàn tỉnh có những diễn biến phức tạp, bọn phản động tập trung chống đối các chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước như: nghĩa vụ quân sự, thuế, thu mua lương thực, điều tra dân số, bầu cử Quốc hội, phong trào hợp tác hoá... So với ba năm (1955- 1957), số vụ việc do bọn phản động gây ra tuy đã giảm đi nhiều, song tính chất lại nguy hiểm hơn, mang đậm màu sắc chính trị và thái độ chống đối ngoan cố, xảo quyệt hơn. Chỉ riêng năm 1960, bọn phản động đội lốt Thiên Chúa giáo đã có hành động chống đối cuộc bầu cử Quốc hội khoá II (8-5-1960) bằng cách không bỏ phiếu hoặc bỏ phiếu trắng, chúng gây ra vụ "Đức Mẹ hiện hình" ở Nghĩa Hải (Nghĩa Hưng) tập trung hơn 300 quần chúng trước ngày bỏ phiếu. Ngày 2-9-1960, kỷ niệm 15 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Toà Giám mục Bùi Chu ra thông cáo buộc các giáo hữu phải ăn chay, tổ chức lễ Thánh tử vì đạo để kích động và gây không khí buồn thảm trong giáo dân. Dựa vào bọn nữ đệ tử, tu sĩ và một số phụ nữ cuồng tín ở các thôn Phú Nhai, Quần Cống, Kiên Lao, Lạc Thuỷ thuộc huyện Xuân Trường và thôn Quần Liêu xã Nghĩa Sơn (Nghĩa Hưng) đấu tranh chống dạy văn hoá ở trường chủng viện Trung Linh; đe doạ rút phép thông công nếu ai vào hợp tác xã.
Trước tình hình phức tạp trên, công tác bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nhất là công tác bảo vệ bờ biển, thành phố và các cơ quan, xí nghiệp được tăng cường. Thực hiện Nghị định số 182/NĐ, ngày 25-4-1959 của Bộ Công an và Chỉ thị của Ban chỉ huy Công an nhân dân vũ trang Trung ương (sau là Bộ Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang), Nam Định tiến hành thành lập các đơn vị Công an nhân dân vũ trang của tỉnh. Lực lượng chủ yếu là sĩ quan, chiến sĩ các đơn vị bộ đội địa phương tỉnh, cơ quan Tỉnh, Thành đội và từ Quân khu chuyển về; các lực lượng cảnh sát vũ trang, công an biên phòng thuộc Ty Công an và lực lượng công an bảo vệ bờ biển, nội địa hợp lại thành Tiểu đoàn 2 Công an nhân dân vũ trang tỉnh (khoảng bốn đại đội), đến tháng 5-1959 đổi thành Ban chỉ huy Công an nhân dân vũ trang tỉnh Nam Định. Giữa năm 1959, hệ thống tổ chức của lực lượng vũ trang nhân dân được kiện toàn hoàn chỉnh từ trung ương đến khu, thành, tỉnh và các đơn vị cơ sở (đồn, đội). Cuối năm 1960, Ban chỉ huy Công an nhân dân vũ trang tỉnh gồm các bộ phận: Tham mưu, Trinh sát, Chính trị, Hậu cần và các đơn vị trực thuộc gồm năm đồn (Ba Lạt, Quất Lâm, Văn Lý, Gót Chàng, Ngọc Lâm), Phân đội 39, Trung đội cơ động số 41, Tổ thuyền công tác trên biển và Tiểu đội bảo vệ Huyện uỷ, uỷ ban hành chính các huyện Nghĩa Hưng, Hải Hậu, Giao Thuỷ, Xuân Trường. Đảng bộ (lúc đầu là Chi bộ) Công an nhân dân vũ trang tỉnh trực thuộc Tỉnh uỷ. Việc khoanh vùng trấn phản và cải tạo tề nguỵ được tiến hành ở trên 80 xã, thu được kết quả và kinh nghiệm tốt. Đến tháng 9-1960, toàn tỉnh đã gọi tập trung cải tạo 625 tên phản động cũ, bắt 17 tên, xử tù 11 tên; cải tạo tại chỗ 4.461 tề nguỵ ở 21 xã. Số vụ phạm pháp giảm xuống rõ rệt, từ 2.108 vụ (1958) xuống còn 1.354 vụ (1960). Trong ba năm (1958- 1960), một số vụ án điển hình đã được đưa ra xét xử công khai, có tác dụng răn đe và giáo dục tốt. Bằng nhiều biện pháp tích cực, công tác quốc phòng an ninh được tăng cường, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh được giữ vững và ổn định.
(Còn nữa)