Cải tạo xã hội chủ nghĩa và phát triển kinh tế - văn hoá (1958-1960) - Kỳ 6

09:09, 03/09/2015

[links()]

(Tiếp theo)

    Sự nghiệp văn hoá, giáo dục, y tế tiếp tục được đẩy mạnh. Ngày 31-10-1958, Tỉnh uỷ Nam Định ra Nghị quyết số 31/NQ-TU về tổ chức "tháng phát hành sách báo xã hội chủ nghĩa" từ ngày 15-11 đến ngày 15-12-1958. Các loại sách báo phát hành trong tháng được mở rộng từ thành thị đến nông thôn, cung cấp tài liệu phục vụ yêu cầu học tập, nghiên cứu của công nhân, nông dân, bộ đội, trí thức, cán bộ, đảng viên và các đối tượng khác. Để kiểm điểm công tác lãnh đạo văn hoá, giáo dục hai năm 1958-1959, ngày 16 và 17-11-1959 Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã họp và quyết định nhiệm vụ phát triển văn hoá, giáo dục năm 1960 của tỉnh. Dưới sự chỉ đạo của các cấp uỷ, đến cuối năm 1960 hầu hết các xã và khu phố đều có đội văn nghệ gồm 6.750 ngươi tham gia, 9 đội chiếu bóng lưu động. Sách phát hành 1.127.678 cuốn, các loại báo, tạp chí 2.511.000 bản, trong đó báo Nhân dân là 1.275.500 tờ và 246.000 tờ Tin Nam Định, 150/263 xã, khu phố, thị trấn có nhà văn hoá, nhiều cơ quan, xí nghiệp đã có tủ sách.

Người dân đứng ngay tại bến đò, bến sông để học chữ. Ảnh tư liệu.
Người dân đứng ngay tại bến đò, bến sông để học chữ. Ảnh tư liệu.

    Thực hiện khẩu hiệu "Làm mùa cho tốt, diệt dốt cho mạnh", năm 1958 Nam Định đã thanh toán mù chữ cho 6800 người (đạt 38,5% tổng số người mù chữ). Các huyện Ý Yên, Mỹ Lộc, Xuân Trường, thành phố Nam Định và Nhà máy dệt Nam Định đã căn bản hoàn thành xoá nạn mù chữ. Tại Đại hội chiến sĩ thi đua diệt dốt tổ chức ngày 29-4-1959 đã có 321 chiến sĩ thi đua đại diện cho phong trào diệt dốt của tỉnh tham dự. Các xã Kim Thái và Cốc Thành (Vụ Bản), Mỹ Thành (Mỹ Lộc), Trực Chính (Trực Ninh), Hải Phúc (Hải Hậu), khu phố 3 và 4 (thành phố Nam Định) và Nhà máy dệt Nam Định được Chính phủ tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba về thành tích xuất sắc trong phong trào diệt dốt năm 1958.

    Trong ba năm (1958-1960), toàn tỉnh đã căn bản hoàn thành xoá mù chữ trong nhân dân (đạt 93,8%)  có hơn  100.000  người mãn khoá bổ túc văn hoá cấp I và cấp II. Riêng năm 1960, số học viên dự học các lớp bổ túc văn hoá đạt 106.445 người, có 81.172 người mãn khoá, vượt 19,88% kế hoạch. Các lớp bổ túc văn hoá cho cán bộ xã, các trường phổ thông lao động, bổ túc công nông đều hoàn thành tốt nhiệm vụ.

    Năm học 1960- 1961, hệ giáo dục phổ thông cả ba cấp lên tới 124.580 học sinh, tăng 28% so với năm học 1959-1960. Trong đó có 110.000 học sinh cấp I, 13.400 học sinh cấp II, có ba trường cấp III với 1.180 học sinh; ngoài ra còn 71.000 học sinh vỡ lòng. Mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng vẫn còn 4000 học sinh phổ thông cấp II chưa đủ chỗ học.

    Thời kỳ này Nam Định còn mở được hai trường sư phạm (sơ cấp và trung cấp), mỗi khoá đào tạo hơn 600 giáo viên, đồng thời tiến hành xây dựng thí điểm ở hai xã và thành phố ba trường phổ thông chuyên nghiệp nông nghiệp và công nghiệp.

    Hệ thống y tế được mở rộng. Đến cuối năm 1960, toàn tỉnh đã có 3 bệnh viện, 4 bệnh xá, 1 viện điều dưõng với tổng số 942 giường bệnh và 6 phòng hộ sinh gồm 45 giường. Cấp huyện có 10 phòng y tế, 174 trạm y tế xã, phường và 325 ban phòng bệnh. Cán bộ y tế đã có 10 bác sĩ, 75 dược sĩ, 78 y sĩ, bảo đảm mỗi phòng y tế huyện, thành phố có từ 1 đến 3 y sĩ. Việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ y tế cơ sở được chú trọng. Trong ba năm (1958- 1960), tỉnh đã đào tạo, bồi dưỡng được 9.494 cán bộ y tế bổ sung cho địa bàn xã, xóm, khu phố. Đặc biệt thời kỳ này phong trào xây dựng trạm y tế dân lập phát triển mạnh. Đến tháng 12-1960, toàn tỉnh đã thành lập được 159 trạm (đạt 75% kế hoạch); trong đó 33 trạm có quỹ y tế dân lập, đài thọ cho 104 cán bộ y tế trạm.

    Đến năm 1960, trung bình cứ 580 người có 1 giường bệnh, 12.000 người có 1 y bác sĩ, 17.000 người có 1 trạm y tế; mỗi xã, khu phố có gần 3 cán bộ y tế, 2 nữ hộ sinh và 21 vệ sinh viên. Phong trào vệ sinh phòng bệnh có nhiều tiến bộ, toàn tỉnh đã xây dựng được 79.546 hố xí hợp vệ sinh, trong đó có 7.399 hố kiểu mẫu; làm 3.661 giếng nước ăn, trong đó có 853 giếng xây; thành lập 2.240 túi thuốc ở hầu khắp các xã, xóm và hợp tác với tổng số vốn là 42.868 đồng. Cuộc vận động "ba sạch" (ăn sạch, uống sạch và ở sạch) được thực hiện, khu phố 6 thành phố Nam Định trở thành điểm xuất sắc của miền Bắc về phong trào vệ sinh phòng bệnh. Điển hình cho công tác phòng, chống, chữa bệnh là các xã Nghĩa Hồng, Nghĩa Phú (Nghĩa Hưng); Trực Thuận (Trực Ninh); Xuân Lạc, Hoà Thượng (Xuân Trường); Giao Lâm (Giao Thuỷ); Hải Bắc (Hải Hậu); Yên Tiến, Yên Khang (Ý Yên)... Công tác y tế góp phần tăng tuổi thọ trung bình của nhân dân trong tỉnh từ 20,4 tuổi (năm 1957) lên 26,6 tuổi (năm 1959).

    Phong trào thể dục thể thao phát triển đều khắp từ thành phố đến nông thôn, các trường học. Tỉnh đã xây dựng được 2 sân vận động lớn và 9 sân ở các huyện; 85 đội bóng đá, 550 đội bóng chuyền và 12 đội bóng rổ. Thông qua các hoạt động thi đấu, chất lượng chuyên môn và đạo đức thể dục thể thao xã hội chủ nghĩa được nâng cao, phong trào được duy trì thường xuyên.

(Còn nữa)

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com