GS.VS Trần Huy Liệu - Người viết bản "Quân lệnh số 1"

09:09, 01/09/2015

GS.VS Trần Huy Liệu, quê xã Liên Minh (Vụ Bản) là nhà sử học, nhà báo có nhiều đóng góp cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam; là một trong 13 tác giả người Nam Định được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về VHNT; được Đảng, Nhà nước truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh.

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, đồng chí Trần Huy Liệu từ một thanh niên yêu nước đến với Chủ nghĩa Cộng sản; là người kiên trung, bất khuất, trải mọi lao tù đế quốc từ Côn Đảo, đến Sơn La; giữ nhiều trọng trách Bí thư (Thư ký) Tổng bộ Việt Minh, Phó Chủ tịch Ủy ban Dân tộc giải phóng trong Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, người viết bản Quân lệnh số 1, là Bộ trưởng Tuyên truyền đầu tiên của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Trưởng đoàn của Chính phủ đi nhận ấn kiếm và sự thoái vị của Vua Bảo Đại. Về bản "Quân lệnh số 1", trong cuốn "Hồi ký Trần Huy Liệu", đồng chí viết: "Đêm 13-8-1945, trong một căn nhà lợp lá, tôi được đồng chí Văn (đồng chí Võ Nguyên Giáp) ủy quyền cho thảo bản Quân lệnh số 1 của Ủy ban Khởi nghĩa. Mặc dù ngồi dưới ngọn đèn tù mù, những con tầm xuân, con thiêu thân bay quanh tới tấp, muỗi và dĩn thi nhau đốt làm tôi nhiều lúc nẩy người lên hay đập chân bành bạch, tôi vẫn say sưa nghĩ đến cảnh nước mất, dân nhục từ hơn tám mươi năm, nghĩ đến sự nghiệp cách mạng của mấy thế kỷ qua; những cuộc khởi nghĩa của Văn thân, của Việt Nam Quốc dân Đảng cho đến ngày nay dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương”. Vì vậy bản “Quân lệnh số 1” lúc ấy tôi thảo một mạch, đọc đi đọc lại vẫn không sửa chữa một chữ nào. Viết xong tôi trao cho anh Văn… Thế là cuộc tổng khởi nghĩa đã phát động”. Nội dung "Quân lệnh số 1":

"Hỡi quân dân toàn quốc!

12 giờ trưa ngày 13-8-1945, phát xít Nhật đã đầu hàng đồng minh, quân đội Nhật đã bị tan rã tại khắp các mặt trận. Kẻ thù chúng ta đã ngã gục.

Giờ tổng khởi nghĩa đã đến!

Cơ hội có một cho quân dân Việt Nam vùng dậy giành lấy quyền độc lập của nước nhà!

Mang nhiệm vụ lãnh đạo cuộc khởi nghĩa toàn quốc cho đến toàn thắng, Ủy ban Khởi nghĩa đã thành lập.

Hỡi các tướng sĩ và đội viên Quân giải phóng Việt Nam!

Dưới mệnh lệnh của Ủy ban Khởi nghĩa, các bạn hãy tập trung lực lượng, kíp đánh vào các đô thị và trong trận của quân địch; đánh chẹn các đường rút lui của chúng, tước võ khí của chúng! Đạp qua muôn trùng trở lực, các bạn hãy kiên quyết tiến!

Hỡi nhân dân toàn quốc! 

Dưới mệnh lệnh của Ủy ban Khởi nghĩa, đồng bào hãy đem hết tâm lực ủng hộ đạo Quân giải phóng, sung vào bộ đội, xông ra mặt trận đánh đuổi quân thù.

Chúng ta phải hành động cho nhanh, với một tinh thần vô cùng quả cảm, vô cùng thận trọng!

Tổ quốc đang đòi hỏi những hy sinh lớn lao của các bạn!

Cuộc thắng lợi hoàn toàn nhất định sẽ về ta!".

Ngày 27-8-1945, đồng chí Trần Huy Liệu được cử làm Trưởng đoàn đại biểu thay mặt Chính phủ lâm thời cùng với các đồng chí: Nguyễn Lương Bằng, Cù Huy Cận vào Huế chấp nhận sự thoái vị của Vua Bảo Đại. Trong thời điểm lịch sử ấy, chính ông là người thay mặt Đoàn đại biểu đã viết bức điện lịch sử từ Huế gửi về Hà Nội: "Chính phủ lâm thời Hà Nội - thượng khẩn. Từ Hà Tĩnh vào Huế. Mấy chục vạn người chờ đón gội mưa giãi nắng suốt cả ngày đêm. Những cuộc biểu tình mít tinh liên tiếp. Diễn thuyết mỏi miệng, đêm ít ngủ. Sáng 29 tới Huế, mấy chục vạn người họp ở sân vận động, nghe diễn thuyết và hoan hô dân chủ cộng hoà. Chiều 29 đã gặp Bảo Đại. Chiều 30 sẽ làm lễ trao quốc quyền tại Ngọ Môn. Sáng 31 sẽ về Bắc mang theo quốc ấn, quốc kiếm, và quốc bảo. Dân chúng nhiệt liệt ủng hộ Chính phủ lâm thời. Đoàn đại biểu”.

Trong sự nghiệp hoạt động cách mạng, đồng chí Trần Huy Liệu là một người viết báo rất sớm. Từ năm 1924 ông vào làm với Báo Nông Cổ Mín Đàm, Rạng Đông. Cuối năm 1924, mến mộ ngòi bút của Trần Huy Liệu, Chủ nhiệm tờ Đông Pháp thời báo mời ông về làm chủ bút. Với bút hiệu Đẩu Nam, Côi Vị, ông lại tiếp tục công kích chính sách bóp nghẹt quyền tự do dân chủ, tự do báo chí của thực dân Pháp, góp phần biến Đông Pháp thời báo thành trung tâm của phong trào yêu nước, đòi tự do dân chủ ở Nam Kỳ. Chính Trần Huy Liệu cùng tờ báo này đã cổ động tích cực cho phong trào để tang Phan Chu Trinh, đón rước Bùi Quang Chiêu, đòi thả Nguyễn An Ninh... rầm rộ trong những năm 1925-1926. Cuối năm 1926, khi người chủ tờ Đông Pháp thời báo ngả sang xu hướng thân Pháp, ông đã từ chức chủ bút. Đầu năm 1927, đồng chí Trần Huy Liệu sáng lập tờ Pháp Việt nhất gia do chính ông làm chủ bút. Tờ Pháp Việt nhất gia đã góp phần tích cực chống chủ nghĩa “Pháp Việt đề huề” của Đảng lập hiến do Bùi Quang Chiêu cầm đầu. Tờ báo ra được 27 số thì bị đình bản. Với tư cách chủ bút, ông bị bắt và bị kết án 6 tháng tù tại khám lớn Sài Gòn. Đầu năm 1928, ra khỏi tù, Trần Huy Liệu lại sáng lập “Cường học thư xã”, chuyên xuất bản những sách mang nội dung yêu nước, góp phần giúp cho nhiều thanh niên được giác ngộ cách mạng, thổi luồng gió mới vào phong trào yêu nước đầu thế kỷ XX.

Năm 1929, đồng chí Trần Huy Liệu bị giặc Pháp bắt, kết án 5 năm tù đày đi Côn Đảo. Trong tù, đồng chí vẫn viết báo với bút danh Hải Khách; làm chủ bút tờ Hòn CauTiếng sóng bể. Trong những năm bị tù ở Côn Đảo, đồng chí đã tiếp thu Chủ nghĩa Cộng sản, tuyên bố ly khai Quốc dân Đảng, tự nguyện đứng vào hàng ngũ những người Cộng sản. Từ đây, đồng chí có nhiều đóng góp cho cách mạng, cho sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam cũng như cho nền sử học nước nhà. Ra tù năm 1934, bất chấp lệnh quản thúc, bất chấp mọi thủ đoạn mua chuộc, dụ dỗ, đe dọa của thực dân Pháp, đồng chí Trần Huy Liệu lao ngay vào mặt trận báo chí, lập Nhà xuất bản Đông Dương để tuyên truyền truyền thống dân tộc và khích lệ lòng yêu nước. Bằng ngòi bút lão luyện, đồng chí lần lượt làm cho các tờ: Đời mới, Bắc Hà, Tiếng vang, Kiến văn, Hồn trẻ, Tiếng trẻ, Le travail, Rassemblement, En avant, Hà Thành thời báo, Thời thế, Bạn dân... Cũng không khác thời kỳ làm báo ở Sài Gòn, cũng bởi không khí yêu nước, đòi tự do, dân chủ hòa bình hừng hực trên các trang báo, nên tờ báo nào Trần Huy Liệu làm chủ bút, cứ được một thời gian, xuất bản được 10, 15 số, thực dân Pháp “tức mắt” không chịu nổi lại ra lệnh đình bản. Năm 1936, đồng chí Trần Huy Liệu được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Năm 1939, đồng chí một lần nữa bị giặc Pháp bắt đày đi Sơn La, Nghĩa Lộ. Đến tháng 3-1945, đồng chí tham gia phá trại giam Nghĩa Lộ, vượt ngục về Hà Nội hoạt động. Ngày 17-8-1945, đồng chí được Đại hội Quốc dân Tân Trào bầu làm Phó Chủ tịch Ủy ban Dân tộc giải phóng, rồi làm Bộ trưởng Bộ Tuyên truyền của Chính phủ lâm thời.

Sau Cách mạng Tháng Tám đồng chí Trần Huy Liệu lần lượt giữ các chức vụ: Cục trưởng Chính trị, Bí thư Tổng bộ Việt Minh, Chủ tịch Hội Văn hoá cứu quốc. Từ 1953, đồng chí làm Trưởng Ban Nghiên cứu Văn Sử Địa thuộc Trung ương Đảng, Viện trưởng Viện Sử học, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam. Năm 1963, đồng chí được bầu làm Viện sĩ Thông tấn Viện Hàn Lâm khoa học CHDC Đức./.

Việt Thắng

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com