Phố Đỗ Quang thuộc Khu đô thị Hòa Vượng, phường Lộc Vượng (TP Nam Định) rộng 7m, dài 65m địa giới từ phố Nguyễn Viết Xuân đến phố Nguyễn Thực.
Đỗ Quang (1807-1866) sinh ra trong một gia đình có truyền thống khoa bảng ở Văn Lư, Gia Lộc, Hải Dương (nay là Thị trấn Gia Lộc, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương). Năm 1827, Đỗ Quang được xung chức Hành tẩu bộ Binh. Khoa thi năm Nhâm Thìn (1832), ông thi đỗ Tam giáp đồng Tiến sĩ, được bổ làm quan và lần lượt trải qua các chức: Tri phủ Diễn Châu, Án sát Quảng Trị, Công bộ Thị lang, Lang trung, Thự Tham tri Bộ Lễ... Ngoài ra, có lúc ông còn làm Toản tu Quốc sử quán, Giảng quan, Giám khảo trường thi Hương và duyệt quyển thi Đình… Tháng 2-1859, thành Gia Định thất thủ. Trước tình hình rối ren, năm 1860, triều đình cử Đỗ Quang vào Nam giữ chức Thự Tuần phủ Gia Định để hiệp cùng quan quân đối phó với thực dân Pháp. Năm 1862 triều đình Huế triệu Đỗ Quang về kinh, xung chức Tuần phủ Nam Định nhưng ông dâng sớ xin được cáo quan. Về quê nhà không lâu, năm 1883, ông lại được lệnh triệu vào kinh làm Tham tri Bộ Hộ, nhưng ông cũng viện cớ xin thôi. Năm 1864, miền Hải Dương, Quảng Yên bị giặc biển quấy nhiễu, dân tình hết sức khổ cực ông mới ra nhậm chức Tham tán Hải An. Khi tình hình trong vùng ổn định, ông lại trả ấn trở về. Năm 1866, Đỗ Quang lại có lệnh triệu làm Tuần phủ Bắc Ninh. Ra giúp dân được ít lâu, vào tháng 7 (âm lịch) cùng năm, ông bị ốm nặng, phải xin vua cho nghỉ. Vào tháng 9 (âm lịch) năm đó ông mất, hưởng 59 tuổi. Sau khi ông mất, được nhà vua truy tặng chức Tư Thiện đại phu, Lễ Bộ Thượng thư, ban tên Thuỵ là Trang Lược và cho thờ ông trong đền Hiền Lương nơi Kinh đô Huế./.
Hồng Minh