"Đồng Nguyên bất khuất"

10:09, 01/09/2015
Xã Nghĩa Đồng (trước kia là xã Đồng Nguyên, huyện Nghĩa Hưng) là vùng quê giàu truyền thống cách mạng. Trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, xã Đồng Nguyên là địa phương đầu tiên trong huyện tiến hành cuộc khởi nghĩa lật đổ chế độ thực dân nửa phong kiến, giành chính quyền về tay nhân dân. Trong những năm kháng chiến chống Pháp, dưới sự lãnh đạo của chi bộ Đảng, nhân dân xã Đồng Nguyên đã rào làng kháng chiến, kiên cường bám trụ tiêu diệt địch, được Tỉnh uỷ Nam Định tặng danh hiệu “Đồng Nguyên bất khuất”. 
Truyền thống cách mạng tự hào của quê hương Nghĩa Đồng luôn được cán bộ, nhân dân xã giữ gìn, phát huy.
Truyền thống cách mạng tự hào của quê hương Nghĩa Đồng luôn được cán bộ, nhân dân xã giữ gìn, phát huy.
Theo lời kể của một số cụ cao tuổi trong xã, trước Cách mạng Tháng Tám, dưới chính sách bóc lột tàn bạo của Nhật và Pháp, đời sống người dân trong xã rất khổ cực. Trong nạn đói khủng khiếp năm 1945, xã có 879 người, bằng 1/3 dân số bị chết đói. Lòng dân trong xã vô cùng căm phẫn giặc, quyết tâm đi theo con đường cách mạng của Đảng. Năm 1945, sau khi Tỉnh uỷ họp nghiên cứu Chỉ thị “Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” và chỉ đạo các địa phương chờ đợi thời cơ hành động; một số thanh niên trong xã đã thành lập hội tập võ, tập vật, mua sắm dao găm, kiếm, giáo, mác để tập luyện chờ thời cơ. Ngày 21-8-1945, theo sự chỉ đạo của Việt Minh, nhân dân trong xã đã vùng dậy cướp chính quyền. Trước khí thế sôi sục của quần chúng nhân dân, bọn cường hào, lý dịch trong xã run sợ, mang triện, sổ sách ra nộp cho cách mạng. Ngay sau đó, chính quyền cách mạng lâm thời xã được thành lập và công bố 10 chính sách của Việt Minh, phát động toàn dân hăng hái tăng gia sản xuất để giải quyết nạn đói, đồng thời đẩy mạnh phong trào bình dân học vụ tiến tới xoá mù chữ cho nhân dân. Thực hiện lời kêu gọi “Toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tháng 10-1947, chi bộ Đảng của xã đã họp và ra nghị quyết toàn dân tham gia kháng chiến. Nhân dân đã góp rơm, gậy tre đưa lên Thành phố Nam Định thực hiện việc tiêu thổ kháng chiến, đắp ụ đất ngăn chặn xe cơ giới địch trên tỉnh lộ 56, đê sông Đào, góp vàng cho quỹ kháng chiến, góp đồng để đúc súng đạn. Khi giặc Pháp lập hệ thống đồn bốt khắp nơi, bao bọc 4 phía của xã, tháng 3-1950, trên sân nhà thờ họ Hà ở thôn Trang Túc, dưới sự lãnh đạo của chi bộ Đảng, nhân dân trong xã đã đồng thuận quyết tâm rào làng kháng chiến, quyết chiến đấu hy sinh để bảo vệ làng xóm, thề không theo giặc, không hàng giặc. Nhà nào cũng rào kín, có lối thông từ nhà nọ sang nhà kia. Các đường ngõ, dong xóm đều được rào, phát triển theo thôn, tiến tới rào vòng quanh xã thành thế liên hoàn, khép kín. Song song với rào làng, hệ thống giao thông hào, hầm cũng được triển khai nối liền thôn nọ với thôn kia. Với vị trí quan trọng, làng chiến đấu Đồng Nguyên trở thành căn cứ kháng chiến của huyện và ban chỉ đạo kháng chiến phía nam của tỉnh, là nơi đóng quân của Đại đội 33, Đại đội 91 của tỉnh, Trung đội 45, Trung đội 90 của huyện; cơ quan thông tin liên lạc và đường dây 90 của tỉnh vận chuyển, tiếp tế hàng hoá, vũ khí đạn dược cho các huyện phía nam... Căn cứ địa Đồng Nguyên là mối đe dọa lớn của giặc vùng phía nam tỉnh và cũng là trọng điểm đánh phá của giặc. Với tinh thần bất khuất, kiên cường, từ năm 1950 đến năm 1954, quân và dân trong xã đã phối hợp với các lực lượng chủ lực của huyện, của tỉnh chiến đấu và giành nhiều trận thắng vang dội. Tiêu biểu là ngày 10-12-1950, quân và dân trong xã đã phối hợp với bộ đội địa phương chống địch càn phá làng kháng chiến, diệt 140 tên. Từ ngày 15 đến ngày 20-2-1951, quân dân trong xã đã phối hợp với bộ đội địa phương đánh trả quyết liệt cuộc tấn công của giặc, diệt hơn 400 tên địch. Ngày 19-1-1954, phối hợp với bộ đội chủ lực đánh chìm 4 tàu chiến, diệt 400 tên địch, làm chủ toàn bộ đoạn sông Đào thuộc địa phận xã... Với thành tích đạt được trong rào làng kháng chiến, bảo vệ làng xóm, bảo vệ cơ sở cách mạng của tỉnh, của huyện, xã Đồng Nguyên đã được Tỉnh uỷ trao tặng danh hiệu “Đồng Nguyên bất khuất”. Năm 2010, Đảng bộ, quân và dân xã Nghĩa Đồng được Nhà nước tặng thưởng danh hiệu Anh hùng LLVTND thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. 
 
Trở về Nghĩa Đồng trong không khí cả nước náo nức kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, chúng tôi cảm nhận được làng chiến đấu xưa, nay đã vươn mình, vững vàng trong công cuộc xây dựng NTM. Đồng chí Trần Văn Thợn, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch HĐND xã cho biết: Phát huy những thành tích đáng tự hào của quê hương, Đảng ủy xã đã lãnh đạo cán bộ, đảng viên và nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, đường lối đổi mới của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, thực hiện chuyển đổi cơ cấu kinh tế, phát triển mạnh các ngành sản xuất và dịch vụ, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống cho nhân dân. Qua 5 năm thực hiện nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ xã lần thứ XXV (nhiệm kỳ 2010-2015), xã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Giá trị thu nhập trên 1ha canh tác đạt 105 triệu đồng/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực với tỷ trọng nông nghiệp đạt 41,6%, CN-TTCN và xây dựng đạt 15,6%, dịch vụ - thương mại đạt 42,7%. Tỷ lệ hộ nghèo còn 5%. Cả 8 thôn của xã đều đạt danh hiệu Làng văn hoá. Mặc dù không phải là đơn vị được chọn xây dựng NTM giai đoạn 2010-2015 nhưng đến nay qua khảo sát, xã đã đạt 10/19 tiêu chí NTM. Đổi thay rõ nét nhất ở Nghĩa Đồng trong 5 năm qua là đã triển khai các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn. Trục đường xã dài 1,3km được đầu tư xây dựng với tổng kinh phí 5,5 tỷ đồng, trong đó huyện đầu tư 4,3 tỷ đồng, nhân dân đóng góp kinh phí xây dựng hệ thống thoát nước 1,2 tỷ đồng. Trụ sở Đảng uỷ, UBND xã được xây dựng mới năm 2014 với kinh phí 2,5 tỷ đồng. Xã đã triển khai xây dựng 2 phòng học Trường mầm non xã trị giá 1,1 tỷ đồng do các tổ chức xã hội tài trợ; đầu tháng 8-2015 khởi công xây dựng 10 phòng học và công trình phụ trợ Trường mầm non xã trị giá 3,7 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn của huyện 2 tỷ đồng…
 
Với phương châm “Xưa thắng giặc, nay thắng đói nghèo” thời gian tới, xã tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 7-8%/năm trở lên, bình quân thu nhập đầu người đến năm 2020 đạt 30 triệu đồng/năm trở lên; giá trị sản xuất nông nghiệp tăng trưởng 3%/năm; giảm tỷ lệ hộ nghèo đến năm 2020 dưới 3%. Với tinh thần đoàn kết, quyết tâm vượt qua khó khăn, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Nghĩa Đồng quyết tâm phấn đấu đến năm 2020 cơ bản trở thành xã NTM, xứng đáng với truyền thống anh dũng của quê hương./.
 
Bài và ảnh: Đức Thiện


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com