Khôi phục sản xuất, tiến hành cải cách ruộng đất (1955-1957) - Kỳ 7

07:08, 13/08/2015

[links()]

(Tiếp theo)

    Đi đôi với công tác lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, Đảng bộ Nam Định luôn coi trọng công tác củng cố tổ chức Đảng và chính quyền. Bên cạnh việc tổ chức học tập chính trị, Nghị quyết 7, 8, 10 và 11 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá II), huấn thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhằm nâng cao trình độ chính trị, quan điểm lập trường tư tưởng, nhận thức về tình hình nhiệm vụ và nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trước yêu cầu nhiệm vụ của cách mạng trong giai đoạn mới, việc củng cố kiện toàn tổ chức cơ sở Đảng, nhất là cơ sở Đảng ở nông thôn được thực hiện. Đến tháng 1-1957, có 245 trong số 249 ban chi uỷ đã được kiện toàn, 202 trong tổng số 955 cấp uỷ viên cũ thôi không tham gia cấp uỷ, bổ sung 215 đồng chí cấp uỷ mới; so với năm 1956, số cấp uỷ viên tăng 307 đồng chí; 94 trong số 122 bí thư chi bộ cũ nay vẫn làm bí thư.

Hồ Chủ Tịch về thăm và nói chuyện với nhân dân, công nhân thành phố Nam Định, tháng 4-1957.
Hồ Chủ Tịch về thăm và nói chuyện với nhân dân,
công nhân thành phố Nam Định, tháng 4-1957.

    Các ban chi uỷ được kiện toàn, các chi bộ được củng cố, nhiều đảng viên bị xử lý oan sai trong cải cách ruộng đất đã tích cực hoạt động trở lại, đoàn kết nội bộ được bảo đảm, ý thức trách nhiệm của đảng viên được nâng lên, sức mạnh chiến đấu của tổ chức Đảng ở cơ sở được tăng cường.

    Trong ba tháng đầu năm 1957, Nam Định đã kiện toàn xong 249 Uỷ ban hành chính xã với tổng số 2.242 uỷ viên, chính quyền tám khu phố thuộc thành phố Nam Định gồm 33 uỷ viên. Ở cấp tỉnh đã nhanh chóng kiện toàn bộ máy lãnh đạo cho các ty, chi, sở và thành lập năm cơ quan chuyên môn là thương binh, giao thông vận tải, kiến trúc, bông vải sợi và thực phẩm, 66 cán bộ được đề bạt bổ sung giữ các chức vụ trưởng, phó ty, chi sở, chánh phó chủ nhiệm các công ty và trưởng, phó phòng.

    Cùng với việc kiện toàn bộ máy chính quyền, Tỉnh uỷ đã chỉ đạo củng cố kiện toàn các tổ chức đoàn thể quần chúng. Sau Hội nghị cán bộ Công đoàn toàn miền Bắc năm 1956, Liên hiệp Công đoàn Nam Định đã chuyển dần toàn bộ hoạt động vào nhiệm vụ trung tâm là vận động đoàn viên hăng hái thi đua lao động sản xuất, thực hành tiết kiệm, chăm lo đời sống cho đoàn viên... Hoạt động của các tổ chức Công đoàn giáo dục, y tế, tuyên truyền (nay là văn hoá thông tin thể thao), thuế vụ, tài chính, công đoàn sở muối, công chính và công trường, các công đoàn cơ quan, v.v. đều đạt kết quả. Tháng 5-1956, thành lập công đoàn vận tải muối Văn Lý và tăng cường phát triển đoàn viên mới.

    Ngày 14-9-1957, Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá I đã nhất trí thông qua Luật Công đoàn, xác định rõ vai trò, vị trí của tổ chức Công đoàn trong giai đoạn cách mạng mới. Tháng 11 và 12-1957, Nam Định mở đợt học tập Luật Công đoàn cho cán bộ, công nhân viên chức, trong đó có 3.738 cán bộ lãnh đạo các cơ quan, xí nghiệp, Công đoàn và Ban Chấp hành các đoàn thể.

    Ngày 19-10-1955, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra Nghị quyết đổi tên Đoàn Thanh niên Cứu quốc Việt Nam thành Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam. Ở Nam Định, phát triển thêm 9.000 đoàn viên, đưa tổng số đoàn viên toàn tỉnh lên 26.125 người vào đầu năm 1956. Đến cuối năm 1957, toàn tỉnh đã kiện toàn được 239 Ban Chấp hành Đoàn Thanh niên Lao động, 190 Ban Chấp hành Hội Phụ nữ và 240 Ban Chấp hành Nông hội. Huyện Mỹ Lộc đã củng cố xong các tổ chức đoàn thể ở thôn xóm.

    Thực hiện chủ trương của Đảng về xây dựng lực lượng vũ trang địa phương vững mạnh, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh. Trong ba năm (1955-1957), nhiều đợt chỉnh huấn cho cán bộ, chiến sĩ các đơn vị bộ đội tỉnh, huyện và dân quân du kích được tổ chức. Thông qua các đợt chỉnh huấn đã làm chuyển biến và giải quyết căn bản những tư tưởng lệch lạc như công thần, hoà bình xả hơi, xin giải ngũ, chuyển ngành, làm cho ý thức tổ chức kỷ luật được nâng lên, mọi hoạt động dần dần đi vào nền nếp. Đến cuối năm 1957, cơ quan quân sự tỉnh có 37 cán bộ, chiến sĩ, trong đó ban chỉ huy có 4 đồng chí, số cán bộ chiến sĩ còn lại được biên chế thành ba ban là tham mưu, chính trị và hậu cần. Bên cạnh việc kiện toàn ban chỉ huy tỉnh đội, huyện đội, toàn tỉnh đã củng cố 241 ban chỉ huy xã đội và 235 ban công an xã; các đơn vị bộ đội địa phương, dân quân du kích cũng được củng cố tăng cường. Qua rèn luyện thử thách đã đào tạo bồi dưỡng được 108 cán bộ, bổ sung cho các đơn vị từ cấp đại đội đến tiểu đoàn; số cán bộ là đảng viên trong các lực lượng vũ trang cũng tăng lên. Tháng 4-1955, bộ đội địa phương Nam Định đạt thành tích xuất sắc, dẫn đầu Quân khu về bắn đạn thật.

    Năm 1956, thực hiện Chỉ thị số 30/CT-TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, lực lượng cảnh vệ thuộc Ty Công an tỉnh và Ty Công an thành phố Nam Định được giải thể để lập lực lượng cảnh sát vũ trang, làm nhiệm vụ cơ động bảo vệ tuyến biển và nội địa. Tháng 12-1956, Ban Công an biên phòng trực thuộc Ty Công an được thành lập, gồm 11 cán bộ, nhân viên, do đồng chí Việt Hà (tức Nguyễn Hữu Lợi) làm Trưởng ban, đồng chí Nguyễn Ngọc Am làm Phó ban. Dọc tuyến biển Nam Định hình thành một hệ thống gồm năm đồn công an bờ biển (sau gọi là đồn công an biên phòng) trực thuộc Ban Công an biên phòng tỉnh, gồm các đồn Ba Lạt, Quất Lâm, Văn Lý, Gót Chàng và Ngọc Lâm; mỗi đồn có từ 6-7 cán bộ, chiến sĩ... Ngoài các đồn biên phòng, Ty Công an cũng đã thành lập Trung đội tuần tra vũ trang ven biển trực thuộc Ban Công an biên phòng.

    Nhiều đơn vị bộ đội của Quân khu, bộ đội tỉnh và công an được giao nhiệm vụ chuyên trách bảo vệ biên giới vùng biển, nội địa, bảo vệ các cơ quan Đảng, chính quyền và cán bộ lãnh đạo chủ chốt của tỉnh, huyện, bảo vệ các mục tiêu trọng yếu khác.

    Công tác quốc phòng an ninh bước đầu được đẩy mạnh đã góp phần vào việc giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, làm thất bại mọi âm mưu chống phá của địch, đóng góp tích cực vào việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh.

    Đi đôi với xây dựng và củng cố lực lượng vũ trang, chính sách hậu phương quân đội được chú trọng thực hiện. Từ 1955-1957, nhân dân trong tỉnh đã đón nhận 8.852 thương, bệnh binh, bộ đội phục viên, giải ngũ và 320 thương binh miền Nam ra tập kết, cùng với 249 người là vợ con cán bộ tập kết. Vào những dịp kỷ niệm ngày thương binh, liệt sĩ (27-7), với truyền thống "uống nước nhớ nguồn", nhân dân Nam Định đã đóng góp công sức xây dựng 120 nghĩa trang liệt sĩ, cất bốc quy tụ 5.949 mộ liệt sĩ vào nghĩa trang và xây dựng trại thương binh miền Nam. Đảng bộ và các cấp chính quyền chăm lo chu đáo, bố trí việc làm và giao công tác thích hợp để thương, bệnh binh, bộ đội hoàn thành nhiệm vụ phát huy được bản chất "Bộ đội Cụ Hồ" tích cực đóng góp xây dựng quê hương; nhiều đồng chí được giao cương vị trọng trách ở các cơ quan Đảng và chính quyền trong tỉnh. Các chế độ, chính sách đối với liệt sĩ, thương binh, gia đình bộ đội từng bước được giải quyết.

 

 

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com