Khôi phục sản xuất, tiến hành cải cách ruộng đất (1955-1957) - Kỳ 6

07:08, 11/08/2015

[links()]

(Tiếp theo)

    Năng lực vận tải không ngừng được cải thiện. Năm 1957, phương tiện vận tải thuỷ, bộ được tăng thêm; khối lượng vận tải (tấn/km) đạt xấp xỉ kế hoạch và bằng 144,11% so với năm 1956.

    Sự nghiệp văn hoá - xã hội, giáo dục, y tế có bước phát triển. Ở thành phố Nam Định, việc thanh toán nạn thất nghiệp cho nhân dân có nhiều chuyển biến. Phần lớn người không có việc làm và tiểu thương được chuyển sang sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, các công trường. Chỉ riêng năm 1956, thành phố đã giải quyết cho 15.674 người có việc làm, trong đó có 891 người được đưa vào biên chế; 5.943 người làm hợp đồng ngắn hạn và dài hạn trong các cơ quan xí nghiệp nhà nước... Nạn thất nghiệp đã căn bản được giải quyết, toàn thành phố chỉ còn trên 1.000 người đa số là phụ nữ, người già, mất sức lao động.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm bộ đội tỉnh Nam Định, ngày 24-4-1957.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm bộ đội tỉnh Nam Định, ngày 24-4-1957.

    Mặc dù còn nhiều khó khăn về đời sống, cơ sở trường lớp và đội ngũ giáo viên, nhưng Đảng bộ và nhân dân Nam Định vẫn quan tâm tới việc học tập của con em. Hưởng ứng đợt vận động "nhân dân xây dựng giáo dục" của tỉnh phát động, nhân dân các xã Hải Xuân, Hải Triều, Hải Hà (Hải Hậu), Đồng Tâm (Vụ Bản) đã đóng góp hàng triệu đồng để tu sửa trường lớp, mua sắm bàn ghế. Trong thời gian ngắn, xã Nghĩa Hưng (huyện Nghĩa Hưng) xây dựng xong ngôi trường 13 gian. Một số  xã của huyện Trực Ninh đóng góp 2 triệu đồng và 2 ngôi nhà ngói để làm trường học. Nhờ những cố gắng của toàn dân, đến cuối năm 1957 tỉnh đã xây dựng được 240 trường, gồm 1.461 lớp học, trong đó có 1.311 lớp cấp I, 121 lớp cấp II và 29 lớp cấp III. Số học sinh các cấp có 67.085 em (đạt 158,4% kế hoạch, bằng 112,86% so với năm 1956); trong đó cấp I có 59.207 em, cấp II có 6.028 em và cấp III có 1.850 em. Toàn tỉnh có 1.540 giáo viên các cấp mới được đào tạo, đưa đội ngũ cán bộ giảng dạy năm học 1957-1958 lên 2.085 giáo viên cấp I, II và 262 giáo viên vỡ lòng.

    Thời kỳ này hệ giáo dục phổ thông phát triển đều ở các nơi. Trường quốc lập có ở hầu khắp các huyện và thành phố  Nam Định. Riêng các huyện Hải Hậu, Trực Ninh, Vụ Bản, Ý Yên, Nam Trực, Xuân Trường có thêm trường cấp II dân lập, thành phố Nam Định có thêm 3 trường tư thục. Chất lượng học tập của học sinh thi cuối khoá 1957- 1958 đạt từ 85-90%. Có 4.766 em được tuyển từ lớp 4 lên cấp II (đạt 87%), có 33 lớp số học sinh trúng tuyển vào cấp II đạt 100%. Nam Định là tỉnh có số lượng học sinh trúng tuyển vào cấp II cao nhất trong toàn Liên khu.

    Từ năm 1955 đến năm 1957, hệ bình dân học vụ đã mở được nhiều khoá học ở hầu khắp trong tỉnh. Chỉ riêng hai khoá (mùa xuân, mùa thu) năm 1955, toàn tỉnh mở được 2.473 lớp sơ cấp và dự bị với 48.430 người học; ở những nơi đông giáo dân cũng mở được 117 lớp với 3.235 người học. Ngày 28-8-1955, Tỉnh uỷ đã mở Hội nghị bình dân học vụ gồm 116 cán bộ của những nơi có phong trào khá để trao đổi kinh nghiệm xây dựng phong trào, tổ chức lớp và phương pháp dạy học cho người lớn tuổi. Từ Hội nghị này, phong trào bình dân học vụ và bổ túc văn hoá.có chuyển biến tích cực. Ban vận động diệt dốt, khuyến học được thành lập ở tất cả các xã. Trong ba năm, toàn tỉnh đã thanh toán được 55.357 người thoát nạn mù chữ, trong đó thành phố Nam Định dẫn đầu miền Bắc về thanh toán mù chữ cho 9.094 người. Tuy nhiên, thời kỳ này vẫn còn 13 vạn người mù chữ, đông nhất là vùng đồng bào công giáo.

    Công tác xây dựng và củng cố mạng lưới y tế được coi trọng. Đến cuối năm 1957, toàn tỉnh đã xây dựng được 5 bệnh viện, bệnh xá gồm 625 giường bệnh, 33 trạm hộ sinh xã, 5 đội y tế lưu động (2 đội chữa mắt hột và 3 đội phòng dịch), 1.568 tủ thuốc ở các thôn xóm. Hầu hết các xã đã thành lập Ban y tế và trạm xá. Trang bị dụng cụ y tế trong các bệnh viện, trạm xá ngày một tăng cường. Đội ngũ cán bộ y tế đã có 3 bác sĩ, 21 y dược sĩ, 75 y tá, 18 nữ hộ sinh (trong đó có hai trung cấp) và 60 hộ lý. Ở thành phố Nam Định có 20 cán bộ y tế và 577 vệ sinh viên. Ở tuyến xã đã có 717 y tế xã, 320 nữ hộ sinh và 3.374 vệ sinh viên. Phong trào vận động "ba sạch" (ăn sạch, uống sạch, ở sạch) được thực hiện sôi nổi, rộng khắp trong nhân dân; toàn tỉnh đã tu sửa và làm mới 3.402 giếng nước ăn, 74.457 hố xí hợp vệ sinh. Số người được khám và điều trị bệnh mỗi năm một tăng, một số bệnh xã hội như đậu mùa, tả, lỵ, hoa liễu từng bước được khắc phục.

    Hoạt động văn hoá, văn nghệ có nhiều tiến bộ. Năm 1957, toàn tỉnh đã xây dựng được 1 thư viện công cộng, 2 câu lạc bộ và 10 nhà văn hoá thị xã, thị trấn, số sách thư viện trên có 10.000 cuốn; sách báo, tạp chí phát hành trong toàn tỉnh lên tới 1.706.103 bản, so với năm 1956 tăng 1.019.082 bản. Ngoài 3 rạp và 1 bãi chiếu bóng cố định, trong tỉnh còn có 5 đội chiếu bóng lưu động và 11 đội nghệ thuật phục vụ nhân dân; hơn 1.250.000 lượt người được xem triển lãm. Hệ thống truyền thanh bước đầu đã xây dựng được 34km đường dây với 180 loa phát. Phong trào thể dục, thể thao phát triển mạnh, năm 1957 Nam Định đã xây dựng được 1 sân vận động và 12 bài thể dục; 52 đội bóng đá, 289 đội bóng chuyền, 3 đội bóng bàn và 6 đội bóng rổ. Đội ngũ hưóng dẫn viên thể dục lên tới 500 người và 10 huấn luyện viên thể thao. Số người tham gia thể dục, thể thao ngày càng đông, nhất là trong các trường học và các cơ quan, đơn vị sản xuất.

    Nhằm tăng cường và phát huy tiềm năng đất đai, tài nguyên, cơ sở vật chất kỹ thuật và lao động đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội ở Nam Định trong giai đoạn cách mạng mới, tháng 4-1956, sau ba năm sáp nhập với tỉnh Hà Nam, các huyện Vụ Bản, Mỹ Lộc, Ý Yên được Chính phủ quyết định nhập trở lại tỉnh Nam Định. Ngày 1-7-1957, quyết định hợp nhất tỉnh Nam Định và thành phố Nam Định thành một đơn vị hành chính mới: tỉnh Nam Định. Từ đây, tỉnh Nam Định có chín huyện và một thành phố thuộc tỉnh là: Nam Trực, Trực Ninh, Giao Thuỷ, Xuân Trường, Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Vụ Bản, Mỹ Lộc, Ý Yên và thành phố Nam Định.

(Còn nữa)

 



xe nâng điện chính hãng Hangcha

BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com