Khôi phục sản xuất, tiến hành cải cách ruộng đất (1955-1957) - Kỳ 5

07:08, 06/08/2015

[links()]

    Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cuối năm 1957, công nhân Nhà máy dệt Nam Định đã tích cực hưởng ứng phong trào thi đua "Nam Định - Bình Nhưỡng" do Người khởi xướng. Ban thi đua của Nhà máy được thành lập và phát hành tờ tin Hữu nghị để kịp thời phản ánh phong trào thi đua, biểu dương thành tích của đơn vị và cá nhân đạt năng suất, chất lượng cao. Các phong trào thi đua diễn ra sôi nổi trong các phân xưởng, các tổ đội, các tổ chức đoàn thể ở nhà máy; trong đó nổi bật là phong trào "ba nhanh, ba tìm" của Đoàn Thanh niên, "xây dựng và phá kỷ lục đột xuất" của Công đoàn. Kết quả, nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật được áp dụng, năng suất lao động tăng nhanh, điển hình là phân xưởng dệt tự động đưa năng suất từ 25m/ca lên 27m/ca, tổ máy dệt Trung Quốc từ 17 lên 27m/ca. Quý IV năm 1957, các phân xưởng đều đạt từ 104% đến 134% kế hoạch, tổng sản lượng vượt 10,2% cao nhất từ trước tới nay, góp phần hoàn thành kế hoạch cả năm của nhà máy trước thời hạn bảy ngày. Trong đó Phân xưởng tơ hoàn thành vượt mức kế hoạch năm 123,6%, về trước thời hạn 20 ngày.

    Trên mặt trận nông nghiệp, trong hai năm (1956-1957) thiên tai diễn ra gay gắt: từ tháng 3 đến giữa tháng 8, nắng hạn làm cho 5 vạn mẫu lúa bị khô cháy và 1.176 mẫu chính vụ không có nước cày cấy; sau đó nhiều trận mưa lớn kéo dài gây ngập úng hầu khắp các huyện phía bắc tỉnh. Để chủ động phòng chống thiên tai, với quyết tâm "vắt đất ra nước, thay trời làm mưa" và "nghiêng đồng đổ nước ra sông" toàn tỉnh đã huy động trên một triệu ngày công lao động làm thuỷ lợi, khơi vét 136 con mương với tổng chiều dài 56.207 m, đào hàng ngàn giếng lấy nước tưới lúa; huy động hàng ngàn gầu guồng tát nước, tổ chức gánh nước cứu 40.989 mẫu lúa bị khô hạn và 4.677 ha lúa bị ngập úng, rửa mặn cho 32.101 ha ruộng. Các xã có phong trào chống hạn khá là Giao Yến (Giao Thuỷ), Trực Cường (Trực Ninh) và chống úng giỏi là Trung Nghĩa, Nghĩa Phương, Văn Phú, Bình Thọ (thuộc huyện Ý Yên).

    Cùng với chống hạn, chống úng, công tác kiểm tra, tu bổ các tuyến đê sông, đê biển, đắp bờ khuyến nông đã được thực hiện. Các biện pháp kỹ thuật sản xuất thâm canh được áp dụng; phong trào trừ sâu, diệt chuột và chim sít bảo vệ lúa, màu được đẩy mạnh. Nhờ vậy, đến cuối năm 1957 diện tích gieo trồng cây lương thực (lúa + màu) được bảo đảm, sản lượng lương thực quy thóc đạt 331.392 tấn, bình quân lương thực 320 kg/người/năm, tăng 18,5kg/người so với năm 1955. Diện tích cây công nghiệp như đay, gai, cói tăng nhanh, sản lượng đạt khá.

    Qua ba năm khôi phục kinh tế (1955-1957), sản xuất công, thương nghiệp có tiến bộ. Năm 1957, giá trị tổng sản lượng công nghiệp, thủ công nghiệp đạt 24.562 triệu đồng, bằng 92,16% kế hoạch, so với năm 1955 đạt 121,97%. Trong số 13 ngành nghề, có một số ngành phát triển khá, giá trị sản lượng đạt cao như chế biến kim loại, vật liệu xây dựng, dệt kéo sợi, thuộc da, chế phẩm cói, mỹ nghệ phẩm và thuỷ tinh.

    Doanh thu trong hoạt động thương nghiệp quốc doanh mỗi năm một tăng. Năm 1956 đạt 22.136 triệu đồng, năm 1957 tăng lên 28.639 triệu đồng (kể cả bán buôn, bán lẻ). Đến cuối năm 1957, toàn tỉnh đã có 8 công ty với 86 cửa hàng mậu dịch quốc doanh. Từ tháng 4-1957, thương nghiệp quốc doanh bắt đầu quản lý các mặt hàng vải, thịt, thuốc tây, thuốc bắc. Các biện pháp quản lý, ổn định thị trường được thực hiện, nhờ đó tỷ giá hàng hóa lưu thông trên thị trường (tháng 5 và tháng 6) từ 121% xuống 93% vào tháng 7 và đến tháng 11-1957 so với cùng kỳ năm 1956 đã thấp hơn 6,3%. Số lượng và chất lượng hàng hoá đã chiếm ưu thế trên thị trường, giá cả ổn định, nhiều mặt hàng chính và công nghệ phẩm chủ yếu ở thành phố Nam Định và các thị trấn vẫn giữ được giá.

    Hoạt động của các hợp tác xã mua bán đã có kết quả khả quan. Sau bốn tháng thành lập, hợp tác xã mua bán đã cung cấp cho sản xuất nông nghiệp 546 chiếc bừa, 306 chiếc cày và 2.412 lưỡi cày, 1.882 chiếc cuốc và nhiều loại nông cụ thô sơ khác. Ngoài ra còn cung cấp các mặt hàng thiết yếu, thực phẩm và các loại tạp phẩm khác. Doanh số bán ra đạt khá, trong đó hợp tác xã mua bán Giao Thuỷ trung bình mỗi ngày đạt từ 50 - 60 vạn đồng, các huyện khác cũng đạt từ 30-40 vạn đồng. Nhiệm vụ thu mua nắm nguồn hàng của các hợp tác xã mua bán bước đầu được chú trọng. Năm 1957, doanh thu đạt 1.954.576.109 đồng, tăng 10% so với năm 1956, chiếm 6% tổng số bán lẻ của ngành thương nghiệp trong tỉnh. Trong hai năm (1956-1957), hợp tác xã mua bán đã làm lợi cho xã viên 100 triệu đồng, tương đương 750 tấn thóc.

    Từ khi thành lập, các hợp tác xã tín dụng đã thực hiện việc huy động nguồn vốn và cho vay vốn phát triển sản xuất. Hợp tác xã tín dụng Hải Cát (Hải Hậu) cho 10 hộ vay 3.012.700 đồng để phát triển nghề phụ. Chỉ trong tháng 10- 1956 hợp tác xã tín dụng Xuân Nghĩa (Xuân Trường) đã cho 99 hộ vay 1.405.000 đồng mua nông cụ, lợn giống, cá giống và nguyên liệu làm võng, dệt chiếu. Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh uỷ, năm 1957 các hợp tác xã tín dụng đã huy động được 9.622.760 đồng vốn, trong đó có 5.653.920 đồng của các đoàn thể và 3.968.840 đồng của tư nhân. Đã cho vay 26.061.000 đồng để nông dân mua nông cụ, giống phục vụ sản xuất nông nghiệp, phát triển nghề phụ và phục vụ sinh hoạt.

(Còn nữa)

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com