Khôi phục sản xuất, tiến hành cải cách ruộng đất (1955-1957) - Kỳ 4

07:08, 04/08/2015

[links()]

(Tiếp theo)

    Để hỗ trợ cho sản xuất nông nghiệp phát triển, ngày 15- 3-1955, Trung ương Đảng đã ban hành chỉ thị về tổ chức xây dựng và phát triển hợp tác xã mua bán và Chỉ thị số 15/CT-TW ngày 27-3-1956 về tổ chức hợp tác xã tín dụng ở nông thôn. Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng, Tỉnh uỷ quyết định thành lập Ban vận động hợp tác xã mua bán tỉnh nhằm hướng dẫn về chuyên môn, kế hoạch kinh doanh và xây dựng phong trào. Ngày 16-5-1956, Nam Định tiến hành xây dựng hợp tác xã mua bán thí điểm ở Xuân Trường và từ tháng 6- 1955 các huyện Xuân Trường, Giao Thuỷ, Hải Hậu đã phát triển được 6 hợp tác xã mua bán gồm 3.883 xã viên, vốn cổ phần là 7.851.500 đồng, mở đầu cho phong trào hợp tác xã mua bán của tỉnh. Sau một tháng, số xã viên hợp tác xã mua bán của ba huyện lên 13.183 người.

Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm Nhà máy Dệt Nam Định, ngày 24-4-1957.
Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm Nhà máy Dệt Nam Định, ngày 24-4-1957.

    Năm 1956, sau hai đợt phát triển, cơ sở hợp tác xã mua bán đã có ở hầu khắp 9 huyện, tổ chức được 22 cửa hàng, thu hút 34.749 xã viên với tổng số 39.903 cổ phần. Đến cuối năm 1957, toàn tỉnh đã xây dựng được 34 cửa hàng, 22 tổ bán lưu động và cố định, 15 tổ thu mua thóc và hàng nông sản khác.

    Tháng 7-1956, Tỉnh uỷ quyết định xây dựng thí điểm hợp tác xã tín dụng đợt 1 tại 12 xã thuộc huyện Hải Hậu và Xuân Trường. Sau thời gian nghiên cứu tình hình, tuyên truyền, vận động sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và quần chúng về chủ trương xây dựng hợp tác xã tín dụng của Đảng. Kết quả kết nạp được 4.050 xã viên (đạt 37,2% tổng số dân của 12 xã); huy động được 7.843.000 đồng cổ phần và vận động gửi 1.309.000 đồng tiền tiết kiệm. Xã Hải Cát (Hải Hậu) có số xã viên vào hợp tác xã tín dụng đông nhất là 631 người. Đến đầu tháng 10-1956, cơ sở hợp tác xã tín dụng đã có ở 14 xã trong tỉnh với 5.057 xã viên. Năm 1957, do tình hình nông thôn chưa thật ổn định, phong trào hợp tác xã tín dụng phát triển chậm (cả năm kết nạp được 214 xã viên), việc huy động vốn gặp nhiều khó khăn trở ngại, một số nơi đã có người xin ra hợp tác xã tín dụng.

    Những năm đầu của thời kỳ mới, Đảng bộ và nhân dân Nam Định luôn nhận được sự quan tâm của Trung ương Đảng và Chính phủ, đặc biệt là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhân dịp Lễ Chúa giảng sinh (25-12-1956), Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư tới các vị linh mục, chức sắc và giáo dân tỉnh Nam Định.

    Ngày 24-4-1957, Đảng bộ và nhân dân Nam Định có vinh dự lớn được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm. Khi thăm Nhà máy dệt Nam Định, Người đến thăm nơi làm việc, nhà ở, bếp ăn, bệnh viện và nhà trẻ. Xuống thăm Phân xưởng tơ, Người căn dặn công nhân đứng máy "những công nhân giỏi phải dạy dỗ truyền nghề cho lớp trẻ, để thợ chị, thợ em đều giỏi, đều tiến bộ". Nói chuyện với gần một vạn cán bộ, công nhân dệt Nam Định, Người biểu dương khen ngợi thành tích đạt được của công nhân nhà máy và chỉ ra những thiếu sót, khuyết điểm cần khắc phục. Người nhắc nhở: "Cán bộ, công nhân phải đoàn kết. Điều đó rất cần. Ta làm Cách mạng Tháng Tám thắng lợi, kháng chiến thành công, lúc ấy nhân dân và bộ đội ta lực lượng còn yếu, không súng, không tiền mà đánh thắng cũng là nhờ có đoàn kết". "Mình là chủ phải làm thế nào cho xứng đáng là chủ. Phải theo gương công nhân các nước bạn yêu máy như yêu con, yêu nhà máy như nhà mình. Đó là làm chủ xứng đáng. Cái gì lợi cho nhà máy là ích lợi cho mình, cái gì hại cho nhà máy là hại cho nhà mình. Đó là thái độ của người làm chủ, làm chủ nước nhà, làm chủ nhà máy". Người ân cần căn dặn "lần sau có tiến bộ Bác sẽ về thăm".

    Trong buổi nói chuyện với hơn 500 cán bộ, đại biểu các tầng lớp nhân dân tại câu lạc bộ thành phố, Chủ tịch Hồ Chí Minh khen ngợi nhân dân Nam Định trong kháng chiến đã đoàn kết anh dũng đấu tranh đạt nhiều thành tích. Người kêu gọi toàn dân, trước hết là cán bộ, đảng viên phải giữ vững truyền thống tốt đẹp ấy, mọi người phải cố gắng lao động, tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, chấp hành pháp luật nhà nước, chống tệ quan liêu, lãng phí tham ô, chống đầu cơ tích trữ, chống đồi phong bại tục. Đối với cán bộ, đảng viên, Người căn dặn phải nâng cao ý chí chiến đấu, nâng cao lòng tin tưởng và phải giữ vững tính tổ chức, kỷ luật...

    Đến thăm Quân y viện 5 và đơn vị bộ đội đóng quân tại thành phố Nam Định, Chủ tịch Hồ Chí Minh ân cần thăm hỏi bệnh nhân, chúc anh chị em yên tâm điều trị để mau chóng phục hồi sức khỏe. Người động viên và nhắc nhở cán bộ, chiến sĩ đơn vị bộ đội luôn nâng cao ý chí chiến đấu, tinh thần cảnh giác cách mạng, yêu quý lao động, thi đua sản xuất và thực hành tiết kiệm.

    Trong thời gian ở thăm Nam Định, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn dự và nói chuyện với Hội nghị cán bộ sửa sai của tỉnh.

    Mỗi lời chỉ bảo ân cần, sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là bài học quý báu, nguồn động viên cổ vũ to lớn đối với  Đảng bộ, giai cấp công nhân, quân và dân Nam Định vững bước trong chặng đường mới.

 (Còn nữa)

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com