[links()]
(Tiếp theo)
Dưới ánh sáng Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ III, phong trào hợp tác hoá nông nghiệp có bước phát triển tích cực. Từ kết quả xây dựng các hợp tác xã nông nghiệp thí điểm năm 1958, trong hai năm (1959- 1960) toàn tỉnh đã xây dựng được 2.537 hợp tác xã với 174.175 hộ (đạt 88,11% số hộ), trong đó có 22.679 hộ giáo dân (bằng 69,32% hộ công giáo). Trên 90% đảng viên vào hợp tác xã, đặc biệt ở các xã Mai Mỹ (Mỹ Lộc), Yên Tiến (Ý Yên) có 100% đảng viên vào hợp tác xã. Hơn 80% diện tích đất canh tác, trâu bò, cày bừa và các công cụ khác được đưa vào sản xuất tập thể. Bên cạnh việc tập trung cao độ cho việc lãnh đạo phát triển hợp tác xã nông nghiệp, Tỉnh uỷ luôn chú trọng việc củng cố và phát triển tổ đổi công. Đến cuối năm 1958 đã có 113.925 hộ nông dân vào tổ đổi công (đạt 61,2%), trong đó 32% là tổ đổi công thường xuyên. Năm 1959, tổ đổi công tiếp tục phát triển cả về số lượng và chất lượng.
Như vậy, hết năm 1960, về cơ bản công tác cải tạo các thành phần kinh tế cá thể đã được hoàn thành, quan hệ sản xuất mới đã được xác lập, chế độ người bóc lột người bị xoá bỏ, khối đoàn kết liên minh công nông được củng cố và tăng cường.
Sản xuất nông nghiệp đạt kết quả khả quan, các chỉ tiêu của năm 1960 đạt cao hơn năm 1959. Trong đó diện tích gieo trồng lúa màu cả năm đạt 171.950 ha; năng suất lúa bình quân tăng 1,26%, ngô tăng 54%, đỗ tăng 45%, khoai tăng 89,7% so với năm 1957; sản lượng lúa trung bình trong ba năm (1958- 1960) tăng 2,1% so với năm 1957. Diện tích cây công nghiệp còn thấp, trong đó cói mới trồng 660 ha, riêng nông trường Rạng Đông là 310 ha. Chăn nuôi phát triển khá, toàn tỉnh có 38.418 con trâu bò, trong đó trâu bò cày kéo có 33.670 con, đàn lợn đạt 187.567 con (tăng 12% so với năm 1957). Sản lượng đánh bắt hải sản trong ba năm (1958 - 1960) đạt 14.943 tấn. Tận dụng 950 ha mặt nước ao hồ nuôi thả cá.
Sản xuất công nghiệp, thủ công nghiệp được đẩy mạnh. Đầu tháng 3-1959, Nam Định khởi công xây dựng Xưởng cơ khí của tỉnh trên diện tích 8.400 m2 tại thành phố Nam Định. Để bảo đảm tiến độ, tập thể cán bộ, công nhân của xưởng đã nỗ lực phấn đấu, xây dựng nhà xưởng, sửa chữa và lắp đặt máy móc thiết bị, bảo đảm cho xưởng chính thức hoạt động đúng ngày Quốc tế Lao động 1-5-1959. Đến cuối năm 1960, Xưởng cơ khí đã sản xuất, cung cấp cho các hợp tác xã hàng trăm máy tuốt lúa, máy bơm nước, máy chế biến nông sản, bình bơm thuốc trừ sâu, máy làm vật liệu xây dựng và hàng ngàn lưỡi cày cải tiến, cuốc, xẻng, mai... Cùng thời gian này, Ty Giao thông Nam Định đã xây dựng Xưởng sửa chữa phương tiện vận tải đường thuỷ, ngày 10-3-1959 Xưởng đã hoàn thành vượt mức kế hoạch 10 ngày.
Năm 1960, Nam Định có bốn cơ sở công nghiệp quốc doanh trung ương, 18 cơ sở công nghiệp quốc doanh địa phương và 11 xí nghiệp công tư hợp doanh, bao gồm 13.100 công nhân, ngoài ra còn 43.621 thợ thủ công sản xuất trên 56 ngành nghề khác nhau. Giá trị tổng sản lượng công nghiệp, thủ công nghiệp địa phương đạt 59.492.000 đồng, tăng 22% so với năm 1957.
Giao thông vận tải có bước phát triển. Từ sau hoà bình đến năm 1957, toàn tỉnh sửa chữa 222 km đường ô tô từ tỉnh đến trung tâm các huyện lỵ trong đó mới có 14km đường loại 1, còn lại là đường loại 2, 3 và rất xấu. Trong ba năm (1958- 1960), cải tạo thêm 103km, đưa tổng chiều dài đường ô tô lên 198km. Làm mới được 101 cầu, trong đó có 41 cầu bê tông, 3 cầu sắt, 4 cầu gạch, 53 cầu gỗ và 244 cống các loại. Hai bến phà (Lạc Quần và Thịnh Long) được nâng cấp, đảm bảo thông xe, an toàn thuận tiện. Nhờ những kết quả trên, các tuyến đường Nam Định - Chợ Cồn, Nam Định - Ninh Bình, Nam Định - Giao Lạn được thông suốt, nâng tốc độ xe chạy từ 15 km lên 35-40 km /giờ, chấm dứt cảnh người đi bộ từ các trung tâm huyện lên trung tâm tỉnh. Thực hiện phương châm "hòn đất ba tác dụng" giao thông kết hợp thuỷ lợi phục vụ phát triển sản xuất, toàn tỉnh đã đào đắp 16.975.996 m3 đất, hình thành 6.315 km đường và trồng hàng vạn cây xanh trên các tuyến đường mới; 111 xã có đường ô tô cỡ nhỏ tới trung tâm xã; 2.000 km sông, ngòi được nạo vét đảm bảo cho thuyền trọng tải 10-20 tấn đi lại thuận tiện và phục vụ tưới tiêu, thau chua rửa mặn cho đồng ruộng các huyện Nghĩa Hưng, Xuân Trường, Giao Thuỷ, Hải Hậu.
Lượng vận chuyển hàng hoá đường bộ năm 1960 đạt 1158000 tấn/km, đường thuỷ đạt 12.935.000 tấn/km (tăng 50% so với năm 1957). Phong trào giải phóng đôi vai phát triển mạnh. Hầu hết các thôn, xã, hợp tác xã đã có phương tiện vận tải như xe bò kéo, xe cải tiến, xe thồ và thuyền, giảm 40% sức lao động đôi vai.
Mạng lưới thương nghiệp phát triển rộng khắp với 97 cửa hàng mậu dịch quốc doanh, 137 cửa hàng hợp tác xã mua bán (trong đó có 75 cửa hàng huyện, 62 cửa hàng xã), ngoài ra còn có 125 tổ bán lẻ lưu động với 297 nhân viên. Đến cuối năm 1960 đã có 54% tổng số hộ nông dân trong tỉnh tham gia hợp tác xã mua bán, ngành thương nghiệp (cả quốc doanh và tập thể) doanh số mua vào tăng 10% so với năm 1959; lượng hàng hoá bán buôn, bán lẻ chiếm 72,17% thị trường. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 8.931.693 đồng.
Để khắc phục tình trạng yếu kém của công tác phát triển tổ chức hợp tác xã tín dụng và nhằm hoàn thiện phong trào "ba ngọn cờ hồng" làm cho các hoạt động kinh tế ở nông thôn trở nên phong phú đa dạng, ngày 24-6-1958, Thường vụ Tỉnh uỷ ra Nghị quyết về công tác tín dụng. Chấp hành Nghị quyết của Thường vụ Tỉnh uỷ, đến cuối năm 1960 đã có 100% số xã tổ chức được hợp tác xã tín dụng, thu hút 102.126 xã viên tham gia, đạt 52,37% số hộ nông dân trong tỉnh, số vốn cổ phần tăng 146% so với năm 1957. Phong trào gửi tiền tiết kiệm phát triển sâu rộng trong nhân dân. Thực hiện chủ trương cải cách tiền tệ của Trung ương Đảng và Chính phủ, từ ngày 28-2 đến ngày 1-3-1959, Nam Định hoàn thành công tác thu đổi tiền cũ sang tiền Ngân hàng mới, bảo đảm nhanh gọn, an toàn và ổn định giá cả thị trường. Hoạt động tài chính, ngân hàng có tiến bộ trong việc thu, chi, quản lý tiền mặt, quản lý thị trường. Năm 1960, tỷ trọng vốn đầu tư cho sản xuất đạt 26%, tăng 7% so với năm 1959.
(Còn nữa)