Cải tạo xã hội chủ nghĩa và phát triển kinh tế - văn hoá (1958-1960) - Kỳ 4

07:08, 25/08/2015

[links()]

(Tiếp theo)

    Giữa lúc Đảng bộ và nhân dân Nam Định tập trung sức chống hạn, cứu lúa thì ngày 15-3-1959 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về kiểm tra, động viên phong trào chống hạn của tỉnh. Cùng đi với Chủ tịch Hồ Chí Minh có Phó trưởng ban thường trực Quốc hội Tôn Quang Phiệt và Bộ trưỏng Bộ Thuỷ lợi Trần Đăng Khoa. Sau khi nghe lãnh đạo tỉnh báo cáo tình hình và đi kiểm tra một số nơi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gặp và nói chuyện với cán bộ, nhân dân địa phương. Người căn dặn: "... Gần đây cán bộ và đồng bào Nam Định đã cố gắng chống hạn, giải quyết được 4 vạn mẫu, nhưng cũng còn hơn 2 vạn mẫu bị hạn cần phải tranh thủ, cố gắng giải quyết cho hết...

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm HTX Đại Thắng (Nam Định, tháng 3/1959; ông Phan Văn Xoàn bên tay phải Bác, làm nhiệm vụ bảo vệ tiếp cận).
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm HTX Đại Thắng, tháng 3/1959.

    Trời đã làm ra hạn, lụt, sâu bọ, bệnh tật. Vì vậy ta không ỷ lại vào trời mà phải chống lại trời. Mùa trước đây nhân dân đã "vắt đất ra nước, thay trời làm mưa" thì nay phải tiếp tục thực hiện".

    Thực hiện huấn thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong thời gian ngắn, nhân dân Nam Định đã làm được 3.462 công trình thuỷ lợi lớn nhỏ, bao gồm sửa chữa và làm mới cống thoát nước; đào, vét sông ngòi, mương máng, đắp đập giữ nước, với tổng chiều dài 2.993.128 m. Điển hình là xã Giao Hải, Giao Thuỷ (nơi có đông giáo dân sinh sống) đạt bình quân 12,81m3 đất thuỷ lợi/người, thành tích cao nhất tỉnh. Các huyện Nam Trực, Vụ Bản, Ý Yên, Mỹ Lộc và ngoại thành Nam Định còn tổ chức Hội nghị cán bộ chủ chốt huyện, xã bàn về công tác thuỷ lợi, phòng chống thiên tai. Hai huyện Ý Yên và Vụ Bản được tặng Huân chương Lao động hạng Ba, vì có thành tích xuất sắc trong công tác thuỷ lợi, sản xuất vụ mùa 1958 và Đông Xuân 1958 - 1959.

    Từ năm 1956, tình hình chính trị thế giới và trong nước diễn biến phức tạp, tác động không nhỏ tới lập trường, tư tưởng của cán bộ, đảng viên và nhân dân ta. Trước tình hình đó, tháng 12-1957 tại Hội nghị lần thứ 13 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá II), đồng chí Trường Chinh đọc bản báo cáo quan trọng "Về thống nhất tư tưởng, đoàn kết toàn Đảng, hoàn thành nhiệm vụ công tác trước mắt". Tiếp đó, ngày 12-5-1958, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Chỉ thị số 112/CT-TW về kiện toàn Ban chi uỷ xã. Chỉ thị nêu rõ: "Việc bầu cử các Ban chi uỷ xã nhằm mục đích kiện toàn sự lãnh đạo của chi uỷ xã, tăng cường đoàn kết nội bộ, mở rộng dân chủ thêm một bước, do đó mà góp phần củng cố nâng cao chất lượng chi bộ, tăng cường quan hệ giữa chi bộ với quần chúng, đảm bảo chấp hành đường lối, chính sách của Đảng, Chính phủ được tốt".

    Thực hiện chỉ đạo của Trung ương, năm 1958 Tỉnh uỷ Nam Định mở các đợt học tập cho gần 20.000 đảng viên và cán bộ ngoài Đảng về các văn kiện của Hội nghị đại biểu các Đảng Cộng sản và công nhân các nước xã hội chủ nghĩa, của Hội nghị đại biểu 64 Đảng Cộng sản và công nhân thế giới họp tại Mátxcơva (Liên Xô), học tập Nghị quyết Hội nghị lần thứ 13 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và tài liệu "Đoàn kết phấn đấu xây dựng Tổ quốc". Qua các đợt học tập, cán bộ, đảng viên được tiếp cận với những vấn đề lý luận về chủ nghĩa xã hội, thời đại, nhiệm vụ đoàn kết quốc tế và về đấu tranh giữa hai con đường (tư bản chủ nghĩa và xã hội chủ nghĩa), hiểu rõ tính chất của hai nhiệm vụ chiến lược quan trọng của cách mạng Việt Nam là xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, thổng nhất Tổ quốc. Từ đó xác định ý chí chiến đấu, nâng cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết hoàn thành nhiệm vụ chính trị của Đảng và nhiệm vụ của địa phương. Bên cạnh việc học tập chính trị, công tác xây dựng Đảng được đẩy lên một bước. Đến tháng 8-1958, tất cả chi bộ xã đã bầu Ban chi uỷ mới gồm 1.309 chi uỷ viên; trong đó 2/3 chi uỷ viên thành phần bần nông; 74 chi uỷ viên là nữ, 70 chi uỷ viên theo đạo Thiên Chúa.

    Cuối năm 1958, việc củng cố chi bộ, kiện toàn chi uỷ đã căn bản hoàn thành, từ ngày 16 đến ngày 24-3-1959 tại thành phố Nam Định đã diễn ra Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ III. Đồng chí Lê Đức Thọ, uỷ viên Bộ Chính trị Trung ương Đảng về dự và chỉ đạo Đại hội.

    Đại hội kiểm điểm công tác lãnh đạo của Đảng bộ và đánh giá phong trào của tỉnh năm 1958, nhất trí khẳng định: "Từ nông thôn đến thành thị, trong quân đội, cơ quan, trường học, xí nghiệp... đâu đâu cũng có một phong trào mới, một đà phát triển mới. Nhất là sáu tháng cuối năm, bước vào sản xuất vụ mùa, phong trào đổi công, thi đua chăm bón, cải tiến kỹ thuật đều sôi nổi. Do đó đã đem lại một vụ mùa thắng lợi chưa từng có".

    Về phương hướng nhiệm vụ năm 1959, Đại hội nêu rõ: "Tích cực đẩy mạnh cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với thành phần kinh tế cá thể của nông thôn, thợ thủ công và tiểu thương; đặc biệt đối với thành phần kinh tế tư bản tư doanh với tốc độ nhanh hơn, đồng thồi ra sức phát triển thành phần kinh tế quốc doanh, là lực lượng lãnh đạo toàn bộ nền kinh tế quốc dân. Trên cơ sở đó nỗ lực thi đua phát triển kinh tế - văn hoá nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân lao động trong tỉnh lên một bước. Trong khi tiến hành cải tạo và xây dựng chủ nghĩa xã hội, phải tăng cường dân chủ nhân dân chuyên chính, kiên quyết đập tan mọi âm mưu và hành động phá hoại của bọn phản cách mạng, giữ vững trật tự trị an và bảo vệ bờ biển cửa ngõ của Tổ quốc”. Đại hội đề ra nhiệm vụ, chỉ tiêu cụ thể của ba ngành kinh tế chủ yếu là nông nghiệp, công nghiệp và thương nghiệp.

    Về xây dựng Đảng, Đại hội nêu rõ: "Phải tăng cường giáo dục tư tưởng xã hội chủ nghĩa, tinh thần yêu nước và tinh thần quốc tế vô sản. Đồng thời đẩy mạnh đấu tranh chống tư tưởng tư sản, tiểu tư sản và phong kiến ... Trong quá trình cải tạo, phát triển kinh tế, văn hoá, chú trọng kiện toàn chi bộ ở nông thôn, xí nghiệp, công trường, nhất là ở cơ sở quan trọng và các nơi xung yếu. Công tác tuyên truyền phát triển Đảng phải được tiến hành thường xuyên để không ngừng tăng thêm sức chiến đấu cho Đảng".

    Đại hội bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá III. Đồng chí Lê Thành được bầu làm Bí thư Tỉnh uỷ.

    Thành công của Đại hội Đảng bộ Nam Định lần thứ III đánh dấu bước trưởng thành về chính trị, tư tưởng, tổ chức và năng lực lãnh đạo của Đảng bộ, là nhân tố thúc đẩy phong trào cách mạng của tỉnh trong chặng đường tiếp theo.

(Còn nữa)

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com