Cải tạo xã hội chủ nghĩa và phát triển kinh tế - văn hoá (1958-1960) - Kỳ 3

04:08, 20/08/2015

[links()]

(Tiếp theo)

    Trước năm 1958, toàn tỉnh còn 5.097 cơ sở sản xuất cá thể, gồm 33.784 người làm các nghề dệt vải, khăn mặt, vải màn, đồ gỗ, vật liệu xây dựng và dịch vụ, trong đó có 15.534 người bậc trung cần được cải tạo. Trong ba năm (1958- 1960) tỉnh đã vận động đưa 15.192 người bậc trung (đạt 97,7%) và 15.528 người đủ điều kiện vào 888 cơ sở bao gồm xí nghiệp sản xuất, hợp tác xã và tổ sản xuất, hợp tác xã cung tiêu và tổ cung tiêu, đạt 100% số người thuộc diện cải tạo. Nhiều cơ sở bước đầu đã xây dựng được kế hoạch sản xuất, chất lượng sản phẩm cũng được nâng lên. Chỉ tính riêng nghề dệt vải gia công cho quốc doanh, so với trước tỷ lệ vải loại A tăng 15%, loại B tăng 10%, vải bị loại còn 10% (giảm 20%).

    Về công nghiệp tư bản tư doanh, trước giải phóng có 230 hộ tư sản, gồm 2.499 người, số nhân công thuê mướn là 1.984 người, trong đó có 113 hộ tư sản ở thành phố Nam Định. Sau ba năm khôi phục kinh tế (1955-1957), toàn tỉnh có 211 hộ tư sản (trong số này có 59 hộ giữ nguyên sản xuất từ kháng chiến, 146 hộ mới khôi phục và phát triển, 6 hộ từ vùng tự do chuyển về, một số hộ chuyển từ Nam Định đi nơi khác). Giá trị tổng sản lượng công thương nghiệp tư bản tư doanh năm 1957 đạt 4.257.454.000 đồng.

    Bằng phương pháp "cải tạo hoà bình", Nam Định đã tập trung được 67 cơ sở gồm 72 hộ tư sản (đạt 100% cơ sở còn khả năng kinh doanh) và 83 tiểu chủ vào hình thức công tư hợp doanh. Các hộ khác được đưa vào các xí nghiệp và hợp tác xã. Tỉnh cũng đã tiến hành hợp doanh các ngành in, các cơ sở văn hoá tư nhân (rạp chiếu bóng, hiệu làm ảnh...), các chủ phương tiện vận tải bao gồm 53 xe ô tô, 17 ca nô; thành lập 8 hợp tác xã thuyền buồm gồm 343 phương tiện, 3 tập đoàn xe xích lô gồm 212 xe, 3 tập đoàn bốc xếp gồm 662 công nhân, ngoài ra còn có các hợp tác xã vận tải xe bò kéo, xe ba gác.

    Đối với tiểu thương, toàn tỉnh đã thành lập được 1.069 tổ hợp tác gồm 9.992 người, trong đó có 3.239 người ở tổ hợp tác mua chung, bán chung. Ngoài ra còn chuyển 3.756 tiểu thương sang các ngành sản xuất. Đến cuối năm 1960, công tác cải tạo tiểu thương đã căn bản hoàn thành, đạt 92% trong tổng số 14.746 tiểu thương cần cải tạo. Riêng thành phố Nam Định đạt 91,1% (2.459/2.613 người).

    Bên cạnh tiểu thương, Nam Định còn có 2.314 người hành nghề đông - tây y, dược tư; trong đó có 2 y sĩ, 67 y tá, 22 thợ trồng răng, 4 hộ sinh Đông Dương, 10 hộ sinh sơ cấp, 395 mụ vườn và 1.754 đông y - dược..., trình độ chuyên môn còn nhiều hạn chế. Trước tình hình đó, việc cải tạo ngành đông, tây y- dược tư cũng được tiến hành. Tỉnh đã mở 20 lớp học tập về đạo đức và quy chế hành nghề y dược. Trên 1.000 người được cấp giấy đăng ký hành nghề. Từ tháng 3 đến tháng 9-1960, toàn tỉnh đã tổ chức được 1 hợp tác xã đông y gồm 23 hộ, 1 hợp tác xã cao đơn hoàn tán gồm 25 hộ và 1 hợp tác xã trồng răng gồm 16 hộ; vận động 192 người y - dược tư tham gia Ban y tế xã và 10 người tham gia Ban bảo trợ y tế xã, 11 người vào làm việc tại Trạm y tế dân lập khu phố.

    Đi đôi với lãnh đạo cải tạo công nghiệp, thủ công nghiệp và tiểu thương, từ tháng 10-1958 Nam Định tiến hành "cuộc vận động cải tiến chế độ quản lý xí nghiệp quốc doanh" theo Chỉ thị 66 và 116 của Ban Bí thư Trung ương Đảng. Đây là cuộc vận động nhằm cải tạo tư tưởng, sửa chữa tác phong và cải tiến tổ chức quản lý xí nghiệp, nó có ý nghĩa quyết định trong nội bộ giai cấp công nhân. Tỉnh uỷ đã thông qua kế hoạch và quyết định thành lập Ban cải tiến quản lý xí nghiệp, trong đó có đồng chí uỷ viên Thường vụ và hai tỉnh uỷ viên tham gia, đồng thời cử đoàn cán bộ đi học tập kinh nghiệm của Hòn Gai về thực hiện cuộc vận động.

    Nhà máy dệt Nam Định được chọn làm thí điểm. Sau ba bước tiến hành, cuộc vận động cải tiến quản lý đã có chuyển biến: Đội ngũ công nhân bước đầu nắm được những nguyên tắc cơ bản về quản lý kinh tế xã hội chủ nghĩa, ý thức làm chủ tập thể và tinh thần lao động được nâng lên, lề lối làm việc và các chế độ quản lý có tiến bộ, ý kiến của công nhân được lãnh đạo coi trọng, nghiên cứu thực hiện. Chế độ ký kết hợp đồng lao động giữa Giám đốc - Công đoàn được bảo đảm. Bộ máy quản lý các cấp được củng cố, nhiều tổ sản xuất tự quản được hình thành. Các phong trào thi đua "nhanh, nhiều, tốt, rẻ"; "ba nhanh, ba tìm"; "chống hụt mức", đặc biệt là phong trào thi đua của Phân xưởng tơ với Xưởng máy Béclin (Cộng hoà Dân chủ Đức) và phong trào thi đua dệt Nam Định - Bình Nhưỡng tiếp tục được duy trì và phát huy. Nhiều khẩu hiệu hành động của công nhân như lúc giao ca "chưa có người nhận máy chưa về" và "máy ngừng chạy như tim ngừng đập"... đã góp phần hoàn thành vượt mức kế hoạch trên một triệu mét vải.

    Để động viên cổ vũ và thúc đẩy phong trào thi đua, ngày 25-2-1959, Nam Định mở Đại hội chiến sĩ thi đua toàn tỉnh. Dự Đại hội có 668 chiến sĩ thi đua tiêu biểu của các ngành kinh tế và các cơ quan hành chính sự nghiệp của tỉnh. Đồng chí Nguyễn Văn Tạo - Bộ trưởng Bộ Lao động và đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ đã tới dự Đại hội. Đại hội biểu dương thành tích trong phong trào thi đua của tỉnh, nhiều đơn vị và cá nhân đã được Chính phủ và uỷ ban hành chính tỉnh khen thưởng. Đại hội đã thông qua quyết tâm thư gửi Trung ương Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh, hứa nỗ lực phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch nhà nước năm 1959.

(Còn nữa)

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com