[links()]
(Tiếp theo)
Nhằm giành thắng lợi ngay năm đầu của kế hoạch ba năm cải tạo xã hội chủ nghĩa (1958-1960) và thực hiện Chỉ thị số 82/CT-TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về chuyển hướng trọng tâm lãnh đạo vào việc thực hiện kế hoạch nhà nước, trong ba ngày (30, 31-5 và 2-6-1958), Tỉnh uỷ Nam Định đã họp kiểm điểm sản xuất vụ chiêm và quyết định mở cuộc vận động sản xuất vụ mùa. Hội nghị đề ra phương hướng nhiệm vụ, kế hoạch và một số mục tiêu của cuộc vận động, trong đó phấn đấu đạt năng suất bình quân từ 19-23 tạ/ha và tổng sản lượng lúa đạt 161.500 tấn/vụ. Để cuộc vận động đạt kết quả, Tỉnh uỷ đã xác định rõ trách nhiệm của từng ngành, từng huyện đối với cuộc vận động sản xuất vụ mùa.
Hưởng ứng cuộc vận động và phong trào thi đua với Hải Dương, ngày 27-6-1958, đoàn cán bộ cơ quan Tỉnh uỷ gồm 60 người do đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ dẫn đầu đã về xã Hải Hùng (xã điểm của huyện Hải Hậu) tham gia lao động sản xuất, mở đầu phong trào sản xuất vụ mùa năm 1958. Rời Hải Hùng, đoàn cán bộ Tỉnh uỷ còn về lao động ở nhiều xã ngoại thành Nam Định và huyện Nam Trực.
Đưa máy móc vào phục vụ sản xuất nông nghiệp . Ảnh: Internet |
Giữa lúc phong trào thi đua sản xuất vụ mùa diễn ra sôi nổi, từ ngày 11 đến ngày 16-8-1958 tại Hợp tác xã Đông Hưng thôn Thượng Đồng (xã Yên Tiến, huyện Ý Yên), Tỉnh uỷ Nam Định tổ chức Hội nghị sản xuất nông nghiệp của tỉnh, nhằm mục đích học tập kinh nghiệm tiên tiến về cải tiến kỹ thuật tăng năng suất, sơ kết đợt vận động sản xuất để đẩy mạnh hoàn thành kế hoạch vụ mùa và chủ động chuẩn bị vụ chiêm năm 1959. Đồng thời bàn việc tập trung giải quyết mấy vấn đề về nước, phân, cải tiến kỹ thuật, tổ đổi công hợp tác và lãnh đạo; nghe báo cáo điển hình của hợp tác xã nông nghiệp thí điểm Đông Hưng. Tại Hội nghị này, gần 1.000 đại biểu dự Hội nghị đã vinh dự được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm. Nói chuyện với Hội nghị, Người khen ngợi nhân dân Nam Định đã cố gắng khắc phục khó khăn cấy cưỡng vụ vượt mức diện tích lúa mùa gần 1.000 mẫu và đạt mức phấn đấu 29 tạ/ha. Người nhắc nhở phải chú trọng các khâu trong sản xuất: "nước, phân, cần, giống và cải tiến kỹ thuật". Người căn dặn cán bộ lãnh đạo kịp thời chu đáo, phải làm tốt vụ mùa, đồng thời chuẩn bị tốt cho vụ chiêm xuân sau.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tặng huy hiệu của Người cho hai nông dân ở xã Nam Hồng (Nam Trực) và Nghĩa Thắng (Nghĩa Hưng) có thành tích làm nhiều phân bón; tặng huy hiệu cho thôn Âm Xa (xã Nghĩa Phú, Nghĩa Hưng) và xã Đồng Tâm (Vụ Bản) đã có 100% hộ nông dân vào tổ đổi công. Người đã đi thăm một số gia đình nông dân ở xã Yên Tiến và thăm cánh đồng Đông Hưng xã Yên Tiến (Ý Yên).
Thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, sau một thời gian phấn đấu gian khổ, nhân dân Nam Định đã kết thúc vụ mùa vượt mức các chỉ tiêu thi đua với Hải Dương: đảm bảo cấy 77.438 ha, tăng 4.438 ha (kể cả cưỡng vụ), đạt 106,08%. Năng suất bình quân đạt 23,28 tạ/ha, tăng 0,28 tạ/ha. Tổng sản lượng đạt 180.288 tấn (bằng 111,6% kế hoạch), vượt 16.414 tấn. Hoàn thành việc tu bổ đê, cống, đào vét sông ngòi, đắp đường khuyến nông, phòng hạn, chống mặn, cứu 10.000 mẫu lúa cấy cưỡng vụ khỏi ngập úng. Áp dụng các biện pháp kỹ thuật như cấy dày, tăng cường phân bón, sử dụng cào cỏ Nghệ An, trừ sâu, diệt chuột cứu 2.308 ha lúa. Đến cuối năm 1958, Nam Định đã có 113.925 hộ nông dân vào tổ đổi công (đạt 61,2% tổng số hộ), trong đó có 32% hộ đổi công thường xuyên, 85% đảng viên tham gia tổ đổi công.
Ngày 17-4-1958, Tỉnh uỷ ra Chỉ thị số 09/CT-TU về "xây dựng cơ sở chính trị để củng cố, cải tạo và phát triển nghề cá, nghề muối". Dưới sự chỉ đạo của Tỉnh uỷ, các cấp uỷ và chính quyền huyện, xã vùng ven biển vừa tích cực giúp đỡ chăm lo đời sông của ngư dân, diêm dân, vừa tăng cường tuyên truyền giáo dục chính trị tư tưởng, vận động, tổ chức quần chúng đi vào làm ăn tập thể, hợp tác tương trợ lẫn nhau. Đến cuối tháng 6-1958, nghề cá đã phát triển được 967 thuyền mảng, 26.885 lưới, thành lập 223 tổ sản xuất gồm 2.176 tổ viên, đánh bắt 4.755 tấn cá (đạt 101% kế hoạch). Nhiều tổ sản xuất giỏi như 18 tổ của 4 xã Hải Đồng, Hải Lý, Hải Chính và Hải Triều (Hải Hậu). Đến cuối năm 1960, ngành cá Nam Định tổ chức được 25 hợp tác xã gồm 1.014 hộ trong số 1.107 hộ cần tổ chức, đạt 91,53%.
Ở vùng muối, Nhà nước đã cho diêm dân vay 16.361.000 đồng và cung cấp nguyên vật liệu để tu sửa ô nề, khơi vét cửa cống, kênh mương phục vụ sản xuất. Tháng 6-1958, toàn tỉnh đã thành lập 190 tổ sản xuất gồm 1.278 hộ, thu hoạch 20.980 tấn muối (vượt kế hoạch 14%). Đầu năm 1959, hợp tác xã làm muối đầu tiên của tỉnh được thành lập ở thôn Xuân Hoà, xã Hải Đông, Hải Hậu gồm 39 hộ với 19 mẫu 6 sào ruộng muối và 4 sào ruộng cấy. Đến hết năm 1960, ngành muối đã tổ chức được 42 hợp tác xã gồm 2.544 hộ/3.080 hộ cần tổ chức, đạt 82,61%.
Chấp hành Nghị quyết 16 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá II) về cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với công thương nghiệp tư bản tư doanh và vấn đề hợp tác hoá nông nghiệp, Tỉnh uỷ đã chú trọng việc tuyên truyền học tập kết hợp với vận động, xây dựng các mô hình tổ chức sản xuất phù hợp với từng ngành nghề.
(Còn nữa)