Cải tạo xã hội chủ nghĩa và phát triển kinh tế - văn hoá (1958-1960) - Kỳ 1

06:08, 18/08/2015

[links()]

    Trung tuần tháng 11-1958, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá II) họp Hội nghị lần thứ 14, đề ra nhiệm vụ kế hoạch ba năm phát triển kinh tế và văn hoá (1958-1960); Hội nghị xác định trong ba năm tập trung hoàn thành cơ bản công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với nông nghiệp, thủ công nghiệp và công thương nghiệp tư bản tư doanh.

    Quán triệt Nghị quyết 14 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Nam Định tiến hành củng cố đi đôi với phát triển tổ đổi công, đồng thời xây dựng thí điểm hợp tác xã nông nghiệp và mở rộng phong trào hợp tác hoá trên quy mô toàn tỉnh. Ngày 15-4-1958, Hội nghị tổng kết phong trào xây dựng tổ đổi công năm 1957 của tỉnh được tổ chức, hơn 200 đại biểu các ngành trong tỉnh, huyện, thành phố và các xã có phong trào khá đã về dự. Dự Hội nghị còn có đại diện Ban Công tác nông thôn Trung ương và Khu. Trong năm ngày làm việc, các đại biểu đã thảo luận đóng góp ý kiến vào báo cáo tổng kết, về vai trò của đảng viên, đoàn viên trong xây dựng phong trào đổi công; nghe báo cáo điển hình xây dựng tổ đổi công của các xã Nam Mỹ (Nam Trực), Nghĩa Phú (Nghĩa Hưng), Xuân Hải (Xuân Trường); nghiên cứu Chỉ thị 57 của Trung ương Đảng về nhiệm vụ xây dựng tổ đổi công năm 1958 và tham gia xây dựng chỉ tiêu kế hoạch phát triển tổ đổi công của tỉnh, trong đó nêu rõ "đến hết năm 1958, toàn tỉnh phải vận động 60% số hộ nông dân vào tổ đổi công, đưa 15% số tổ lên đổi công thường xuyên".

    Tại Hội nghị này, huyện Hải Hậu được nhận cờ thi đua của tỉnh, huyện Nghĩa Hưng được tỉnh tặng Bằng khen.

    Đi đôi với công tác củng cố và phát triển tổ đổi công, Tỉnh uỷ Nam Định chủ trương từng bước đưa nông dân vào con đường hợp tác hoá nông nghiệp, đi từ tổ đổi công tiến tới xây dựng các hợp tác xã bậc thấp, trên cơ sở ba nguyên tắc "tự nguyện, cùng có lợi và quản lý dân chủ". Tháng 4-1958, Tỉnh uỷ quyết định chỉ đạo xây dựng thí điểm hai hợp tác xã nông nghiệp ở xã Yên Tiến (Ý Yên) và Nam Mỹ (Nam Trực).

    Sau thời gian nghiên cứu, học tập chủ trương, chính sách của Đảng và tuyên truyền vận động nông dân, ngày 1-7- 1958, Hợp tác xã nông nghiệp Đông Hưng thuộc thôn Thượng Đồng, xã Yên Tiến (Ý Yên) được thành lập gồm 25 hộ, do ông Lã Phương Cuổng làm chủ nhiệm. Ở xã Nam Mỹ (Nam Trực), tổ đổi công của ông Chiểu được xây dựng thành Hợp tác xã nông nghiệp Đồng Ích, gồm 9 hộ. Đây là những hợp tác xã nông nghiệp đầu tiên của tỉnh. Trên cơ sở kinh nghiệm xây dựng hợp tác xã nông nghiệp thí điểm ở Đông Hưng và Đồng Ích, năm 1958 các huyện và ngoại thành Nam Định tiếp tục xây dựng thí điểm 13 hợp tác xã nông nghiệp khác.

    Bước vào năm 1958, các tỉnh trung du và đồng bằng Bắc Bộ, trong đó có Nam Định bị nắng hạn gay gắt. Ngày 7-1-1957, Chính phủ cử đoàn công tác do Thứ trưởng Bộ Tư pháp dẫn đầu về chỉ đạo công tác chống hạn ở Nam Định và chuyển thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Đảng bộ, nhân dân trong tỉnh. Nhân dịp này tỉnh tổ chức Hội nghị chống hạn, nghe thông báo tình hình hạn hán ở các tỉnh và chủ trương của Trung ương Đảng, Chính phủ khắc phục thiên tai, đẩy mạnh sản xuất; nghe thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người chỉ thị cho Đảng bộ và nhân dân Nam Định phải tích cực chống hạn bảo đảm sản xuất. Thực hiện quyết tâm của Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh, tỉnh đã thành lập Ban chỉ huy chống hạn gồm sáu đồng chí, do đồng chí Chủ tịch uỷ ban hành chính tỉnh làm Trưởng ban. Kế hoạch chống hạn được xây dựng và thực hiện với sự tham gia tích cực của cán bộ, công nhân, nông dân, bộ đội và học sinh các trường phổ thông, trường chuyên nghiệp của tỉnh. Đoàn công tác của Chính phủ đã trực tiếp đi kiểm tra, chỉ đạo và động viên phong trào ở nhiều công trường và đơn vị chống hạn như Cống Uý sông Vĩnh, xã Mỹ Thành (Mỹ Lộc)… Nhờ cố gắng của toàn dân, diện tích bị hạn đã được thu hẹp, Nam Định vinh dự được nhận cờ "Chống hạn khá nhất năm 1958" của Chủ tịch Hồ Chí Minh trao tặng.

    Phát huy thắng lợi của đợt chống hạn, Tỉnh uỷ tập trung chỉ đạo cấp uỷ Đảng và chính quyền tiến hành đắp đê phòng lụt. Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, từ ngày 10-4-1958, huyện Hải Hậu mở công trường đắp và tu bổ đê biển. Vượt qua khó khăn thiếu thốn về phương tiện, dụng cụ lao động và địa hình thi công có chỗ rất phức tạp, sau gần 20 ngày lao động gian khổ, nhân dân Hải Hậu đã đóng góp 17 vạn ngày công, đào đắp 110.000m3 đất, hoàn thành việc đắp tu bổ tuyến đê biển dài 36km với chiều cao từ 3-4m, bảo đảm kỹ thuật, vượt kế hoạch trước thời hạn 17 ngày, tiết kiệm cho công quỹ trên 100 triệu đồng.

    Để thúc đẩy phong trào hợp tác hoá nông nghiệp, thi đua lao động sản xuất, sáng ngày 5-5-1958, tại Câu lạc bộ thành phố Nam Định đã khai mạc Đại hội chiến sĩ thi đua toàn tỉnh, 58 chiến sĩ thi đua nông nghiệp, đánh cá, làm muối đã về dự Đại hội.

    Trong ba ngày làm việc, các đại biểu dự Đại hội đã thảo luận bổ sung vào báo cáo tổng kết, liên hệ trao đổi nhiều kinh nghiệm về công tác lãnh đạo và công tác cải tiến kỹ thuật. Đại hội đã bầu 20 chiến sĩ thi đua của tỉnh đi dự Đại hội chiến sĩ thi đua toàn quốc, trong đó có 17 chiến sĩ nông nghiệp, 1 chiến sĩ đánh cá biển và 2 chiến sĩ làm muối.

(Còn nữa)

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com