Phố Đặng Dung dài 62m, rộng 8m, có địa giới từ đường N4 đến đường Trần Nguyên Đán, thuộc Khu đô thị Hòa Vượng, phường Lộc Vượng (TP Nam Định).
Đặng Dung (? - 1414) quê xã Tả Hạ, Thiên Lộc, trấn Nghệ An (nay là huyện Can Lộc, Hà Tĩnh). Ông là con trưởng của Quốc công Đặng Tất và là một tướng tài chống giặc Minh trong thời Giản Định. Dưới triều nhà Hồ, Đặng Dung giúp cha cai quản đất Thuận Hóa. Sau khi quân Minh từ Trung Quốc đến chiếm đóng nước Việt (khi ấy có quốc hiệu là Đại Ngu), nhà Hồ sụp đổ, Đặng Dung cùng cha tham gia cuộc khởi nghĩa của Trần Ngỗi (tức Giản Định Đế). Năm 1409, sau trận đại chiến ở Bô Cô (huyện Ý Yên ngày nay), vì nghe lời gièm pha của gian thần là Nguyễn Quỹ, Giản Định Đế giết Đặng Tất và Nguyễn Cảnh Chân. Đặng Dung tức giận bỏ Trần Ngỗi, cùng Nguyễn Cảnh Dị (con Nguyễn Cảnh Chân) rước Trần Quý Khoáng từ Thanh Hóa về đất Chi La (nay là huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh), tôn lên làm vua (tức Trùng Quang Đế). Đặng Dung giữ chức Đồng Bình Chương Sự (tức Quốc Công). Ông đã cùng vua và các tướng lĩnh Nguyễn Cảnh Dỵ, Nguyễn Súy, Nguyễn Biểu dựng cờ tiếp tục đánh quân Minh; sau đó tiến ra Bắc đánh tan các gian thần xung quanh Trần Ngỗi, đưa Trần Ngỗi về tôn làm Thái Thượng hoàng. Cuối năm 1413, Vua Trùng Quang và các tướng lĩnh, Đặng Dung, Nguyễn Súy... đều rơi vào tay giặc. Vào mùa xuân 1414, cả ba người bị giải về Yên Kinh (Trung Quốc). Trên đường đi, Đặng Dung làm bài thơ "Cảm hoài" khắc lên mạn thuyền. Đến gần biên giới, Trùng Quang và Đặng Dung nhảy xuống biển tuẫn tiết.
Suốt cuộc đời binh nghiệp, cha con Đặng Dung cùng đều hết lòng giúp nước phò vua, tuy không thành công nhưng tấm lòng trung liệt của nhà họ Đặng sẽ mãi được thế hệ hôm nay và mai sau tưởng nhớ./.
Viết Dư