Tìm mọi giải pháp ổn định tình hình và nâng cao đời sống nhân dân (1954-1960) – Kỳ 5

07:07, 21/07/2015

[links()]

(Tiếp theo)

    Thực hiện cuộc vận động "Yêu nước,chống Mỹ", chống âm mưu phá hoại Hiệp định Giơnevơ, đòi thiết lập quan hệ bình thường giữa hai miền Nam - Bắc, Tỉnh uỷ đã chọn xã Xuân Khu (Xuân Trường) làm điểm chỉ đạo thí điểm cuộc vận động. Sau khi tổ chức học tập, nhân dân trong xã đã tố cáo âm mưu, thủ đoạn thâm độc của đế quốc Mỹ; nhân dân phấn khởi, yên tâm tin tưởng vào chủ trương, đường lối và sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh; tin vào khả năng đấu tranh chống Mỹ của nhân dân ta.

    Phát huy kết quả ở xã điểm Xuân Khu, Tỉnh uỷ đã tăng cường cán bộ về chỉ đạo cuộc vận động ở các xã, nhất là các xã trọng điểm trong tỉnh. Tháng 1-1955 đã diễn ra nhiều cuộc mít tinh, biểu tình tuần hành biểu dương lực lượng ở tất cả các huyện. Ngày 10-1-1955, kết hợp với huyện Xuân Trường, tỉnh tổ chức cuộc mít tinh biểu dương lực lượng tại Bùi Chu gồm 4.000 người của bảy xã tới dự. Ở Ý Yên, Vụ Bản trong một ngày tổ chức được bốn cuộc mít tinh, có cuộc tới một vạn người dự. Các cuộc mít tinh, biểu tình cùng với hàng ngàn lá đơn, hàng vạn chữ ký của quần chúng gửi Bộ Ngoại giao ta và uỷ ban giám sát quốc tế đều tố cáo âm mưu, thủ đoạn phá hoại Hiệp định và đòi Mỹ, tay sai phải nghiêm chỉnh thi hành Hiệp định Giơnevơ, đòi thông thương hai miền Nam - Bắc; phản đối Nghị quyết Hội nghị Băng Cốc, chống dùng vũ khí hạt nhân... Nhân dân trong tỉnh đã gửi nhiều bưu thiếp cho người thân ở miền Nam và nhận được gần một ngàn bưu thiếp từ miền Nam gửi ra.

Lễ hoàn thành việc phục hồi Nhà máy dệt Nam Định, ngày 29-1-1956.
Lễ hoàn thành việc phục hồi Nhà máy dệt Nam Định, ngày 29-1-1956.

    Bên cạnh đấu tranh chính trị, nhân dân các huyện đã biến căm thù thành hành động cụ thể, tích cực thu hoạch vụ mùa, thi đua đóng thuế nông nghiệp. Có thôn trong một ngày đã thu được hai tấn thóc thuế, có xã đào đắp hàng vạn mét khối làm đường giao thông.

    Đầu năm 1955, tình trạng thiếu đói xảy ra gay gắt, kéo dài trên diện rộng, nhất là huyện Giao Thuỷ, Nam Trực và rải rác ở Trực Ninh, Nghĩa Hưng. Ở ba huyện Nam Trực, Giao Thuỷ, Trực Ninh đã có 8.381 người bị đói. Chỉ riêng tháng 1-1955 đã có 563 gia đình gồm 2.521 người bị đứt bữa, 1.344 gia đình gồm 4.752 người phải ăn độn rau, củ.

    Để nhanh chóng khắc phục nạn đói, ổn định đời sống nhân dân, Tỉnh uỷ Nam Định chủ trương đẩy mạnh phong trào thi đua "Yêu nước, chống Mỹ" và hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh về "Sản xuất và tiết kiệm". Đầu tháng 2-1955, tỉnh tiến hành mở cuộc vận động "Sản xuất mùa xuân", nhằm kết hợp chặt chẽ giữa ba công tác: chống di cư, thu thuế và sản xuất tiết kiệm. Cuộc vận động đã trở thành phong trào thi đua ở hầu khắp các địa phương trong tỉnh. Trong thời gian ngắn, tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung lực lượng vận động nhân dân tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau "lá lành đùm lá rách", được 77.846 kg thóc, 402 kg gạo, 15.600.800 đồng, 10.964 ngày công lao động và 9.602 công trâu bò làm đất. Nhà nước đã cứu tế 29.729 kg gạo và 3.154m vải, ngoài ra còn cho vay hàng chục triệu đồng để khôi phục ngành nghề.

    Trong sản xuất, diện tích cấy vụ chiêm đã được bảo đảm. Trong đó có 7.637 mẫu của đồng bào di cư để lại, gần 4.000 mẫu hoang hoá được phục hồi và 1.000 mẫu đất gò, đống được khai phá đưa vào sản xuất. Diện tích màu cả hai vụ Xuân, Thu trồng được 13.345 mẫu và cấy 108 mẫu rau muống, huyện Hải Hậu trồng được 500 mẫu khoai lang. Các biện pháp kỹ thuật được áp dụng vào sản xuất như tăng diện tích cày để ải lên 5.000 mẫu; chú trọng nước, phân, chăm bón, sử dụng cào cỏ Nghệ An... Các huyện Nghĩa Hưng, Giao Thuỷ trước đây thường trông chờ vào thiên nhiên, nay đã tích cực đắp bờ giữ nước, sử dụng phân bón cho lúa, màu. Nhờ những cố gắng của nhân dân, vụ lúa chiêm ở Nam Định thu hoạch khá, có nơi bội thu, tổng sản lượng cả tỉnh đạt 78.982,6 tấn thóc; thuế nông nghiệp thu vượt chỉ tiêu Nhà nước giao 159 tấn. Được mùa, giá thóc gạo hạ, tình trạng thiếu đói đã được khắc phục.

    Với địa hình tự nhiên, Nam Định có nhiều tuyến đê sông Hồng, sông Đào, sông Ninh Cơ, sông Đáy, sông Sò và hàng trăm kilômét đê biển. Ngay sau khi giải phóng, công tác thuỷ lợi, đắp đê phòng lụt đã được Tỉnh uỷ và chính quyền chú trọng. Các Ban hộ đê chống lụt từ tỉnh xuống huyện được kiện toàn, củng cố và đi vào hoạt động. Đến tháng 6-1955, toàn tỉnh đã huy động 95 vạn ngày công, đào đắp 805.000m3 đất (vượt mức 25.884m3), sử dụng 119m3 đá, kè những đoạn đê xung yếu ở Ngô Xá, An Xá, Bái Trạch; khơi vét gần 130.000m3 bùn đất lòng sông, ngòi. Các đoạn đê xung yếu ở Nam Trực, Trực Ninh, Xuân Trường đã làm xong; Hải Hậu tiếp tục hoàn thành đê biển, Giao Thuỷ tiến hành đắp đê quai. Nhờ công tác thuỷ lợi, diện tích cấy hai vụ đã tăng thêm 2.600 mẫu. Đảng bộ, nhân dân Nam Định đã được uỷ ban hành chính Liên khu III tặng cờ thi đua luân lưu và bằng khen về thành tích đắp đê phòng lụt.

    Sau Hội nghị về công tác thuế ở Trung ương và Liên khu uỷ, Tỉnh uỷ Nam Định tổ chức Hội nghị gồm Bí thư Huyện uỷ, Trưởng các ngành, đoàn thể của tỉnh kiểm điểm công tác thu thuế và giao nhiệm vụ cho các địa phương. Được cán bộ tăng cường của Trung ương và khu giúp sức, tỉnh đã huy động thêm 46 cán bộ các ngành, đoàn thể, thương binh xuống những địa bàn trọng điểm giúp địa phương tiến hành công tác thu thuế. Các đơn vị bộ đội được giao kết hợp công tác chống di cư và làm công tác thuế. Các đồng chí tỉnh uỷ viên được phân công trực tiếp về giúp huyện, xã chỉ đạo thu thuế. Với các biện pháp tích cực trên, sáu tháng đầu năm 1955 đã có năm huyện thu thuế vượt chỉ tiêu.

    Trong quá trình tiến hành ổn định tình hình sau giải phóng, chính quyền cách mạng từ tỉnh đến xã đều đã được kiện toàn, củng cố. Các huyện đã bổ sung 29 uỷ viên xã và hơn một trăm trưởng xóm, 106 xã trong tỉnh được củng cố gồm 747 uỷ viên.

    Ở thành phố Nam Định, trước tháng 7-1954 có 12 chi bộ gồm 120 đảng viên, trong đó Chi bộ Nhà máy sợi và bốn chi bộ xã (Lộc Vượng, Lộc Hạ, Lộc An, Mỹ Xá) hoạt động khá, còn các chi bộ khác rời rạc. Để khắc phục tình trạng này, tháng 8-1954 Thành uỷ tiến hành tổ chức lại các chi bộ khu phố; xem xét phân loại đảng viên, có biện pháp giáo dục và giao công tác phù hợp. Chi bộ Nhà máy sợi được giao nhiệm vụ tuyên truyền, giáo dục, lãnh đạo công nhân bảo quản nhà máy. Song song với củng cố tổ chức cơ sở Đảng, việc tổ chức các đợt học tập chỉ thị, nghị quyết của Trung ương; của Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh được thực hiện; nhờ vậy chính trị tư tưởng của cán bộ, đảng viên được nâng lên, vai trò tiền phong gương mẫu của Đảng được phát huy, nhiều đồng chí hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

    Thông qua hoạt động của các cấp chính quyền và các tổ chức trung kiên, Đảng bộ đã tập hợp được hầu hết đội ngũ công nhân và đông đảo tầng lớp nhân dân để tuyên truyền giáo dục chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ, được nhân dân tin tưởng, ủng hộ và tích cực thực hiện các nhiệm vụ chính trị do Đảng đề ra.

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com