Tìm mọi giải pháp ổn định tình hình và nâng cao đời sống nhân dân (1954-1960) – Kỳ 4

06:07, 16/07/2015

[links()]

(Tiếp theo)

    Để khắc phục những biểu hiện lệch lạc trong nhận thức, tư tưởng và hành động, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới, việc học tập nâng cao trình độ chính trị cho cán bộ, đảng viên được coi trọng. Tháng 12-1954, Tỉnh uỷ Nam Định đã tổ chức năm đợt học tập cho hơn 700 đại biểu các tổ chức Mặt trận, Nông hội, Thanh niên, Phụ nữ và ngành giáo dục về Chỉ thị 106, Chỉ thị 110 của Trung ương, Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Chính phủ ta; các đại biểu dự học đều đã thấy được âm mưu phá hoại Hiệp định Giơnevơ của đế quốc Mỹ và tay sai, giải quyết được tư tưởng sợ Mỹ, từ đó tích cực hưởng ứng cuộc vận động "yêu nước, chống Mỹ" do Đảng ta phát động. Đầu năm 1955, Tỉnh uỷ cũng tổ chức học tập Nghị quyết Bộ Chính trị về "tình hình mới, nhiệm vụ mới" cho 106 đồng chí bí thư chi bộ và từ ngày 15-2-1955 tiến hành học tập đến toàn thể đảng viên. Qua học tập và tự liên hệ kiểm thảo, cán bộ, đảng viên đã nhận thức rõ hơn về tính chất phức tạp của cuộc đấu tranh giai cấp, về âm mưu thâm độc của đế quốc Mỹ, xác định lập trường tư tưởng, từng bước nâng cao ý chí chiến đấu và tinh thần trách nhiệm của mỗi người đối với nhiệm vụ chính trị của Đảng.

    Tiếp theo Chỉ thị ngày 5-9-1954 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, ngày 21-4-1955 Trung ương Đảng ra Chỉ thị số 16/CT-TW về "Tăng cường lãnh đạo, đẩy mạnh công tác phá âm mưu địch dụ dỗ cưỡng ép giáo dân di cư". Quán triệt các chỉ thị của Trung ương Đảng và của Khu uỷ, từ ngày 8 đến ngày 13-8-1954, Tỉnh uỷ Nam Định tổ chức Hội nghị cán bộ các cấp, các ngành trong tỉnh học tập tình hình nhiệm vụ của tỉnh trong giai đoạn mới và xác định nhiệm vụ đấu tranh chống địch dụ dỗ, cưỡng ép dân di cư là nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng đặc biệt trong giai đoạn này. Thực hiện nhiệm vụ trọng tâm số một của tỉnh, Tỉnh uỷ đã mở đợt tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân về chính sách tôn giáo, tôn trọng tự do tín ngưỡng của Đảng và Chính phủ, làm cho nhân dân, nhất là giáo dân hiểu thêm về chính sách của Đảng và thấy được âm mưu thâm độc của địch. Việc tổ chức quán triệt Chỉ thị 16 của Trung ương cho cán bộ, đảng viên được tiến hành, đồng thời chọn hai xã của huyện Xuân Trường làm thí điểm công tác đấu tranh chống địch cưỡng ép đồng bào di cư. Được Trung ương và Liên khu uỷ III cử đồng chí Trần Xuân Bách về chỉ đạo và tăng cường cho Nam Định 398 cán bộ cùng phối hợp với lực lượng cán bộ, các đơn vị bộ đội của tỉnh, huyện và lực lượng công an về những vùng trọng điểm ở Xuân Minh (Xuân Trường), Cổ Lễ (Trực Ninh), Tang Điền, Hạ Trại, Văn Lý (Hải Hậu), Quỹ Nhất, Đồng Nguyên (Nghĩa Hưng); đồng thời, tỉnh cũng kiện toàn năm đội công tác hoạt động ở trọng điểm Bùi Chu và năm xã miền biển Giao Thuỷ. Các hội nghị linh mục, các lớp quản huấn cha cố, trùm trưởng, địa chủ và đảng phái phản động học tập về chính sách đại đoàn kết, chính sách tôn giáo của Đảng và Chính phủ đã được tổ chức. Ta cũng kịp thời mở các phiên toà công khai xét xử những tên cầm đầu chủ mưu, đã có tác dụng giáo dục và răn đe các phần tử khác.

    Ở hai huyện Mỹ Lộc và Vụ Bản, Tỉnh uỷ Hà Nam đã cử hai đội công tác về một số xã trọng điểm vận động nhân dân, chống âm mưu của địch. Trong hơn một tháng gần gũi gắn bó với nhân dân, đội công tác đã tìm hiểu nắm được tâm tư của đồng bào ở các thôn Bảo Long, Nghĩa Lễ, Báng Già, Tân Phương; những thắc mắc, băn khoăn lo lắng của đồng bào từng bước được giải đáp. Nhờ vậy, một số đồng bào ra đi đã trở về, nhiều người cũng từ bỏ ý định đi Nam yên tâm ở lại; đoàn kết trong thôn xóm được tăng cường. Nông dân Bảo Long đã cấy gần hết 20 mẫu ruộng vắng chủ; một số nghề thủ công truyền thông được khôi phục.

    Ngày 22-3-1955, Tổ giám sát quốc tế thi hành Hiệp định Giơnevơ đến Nam Định. Trong hơn một tuần làm việc, tìm hiểu tình hình ở Ty Công an, các đồn công an, các nhà thờ đạo tại thành phố Nam Định, ở Chí Thiện, Bùi Chu, Phú An (Xuân Trường), Ninh Cường (Trực Ninh), Sa Châu (Giao Thuỷ), Đồng Nguyên (Nghĩa Hưng)... Ở đâu Tổ giám sát quốc tế cũng được chứng kiến sự tôn trọng tự do tín ngưỡng, thiện chí của các cấp chính quyền cách mạng, việc tự do đi lại hành lễ của giáo dân ở các nhà thờ (kể cả nhà thờ họ lẻ), được nghe 400 giáo dân Ninh Cường tố cáo âm mưu của bọn phản động dụ dỗ, cưỡng ép họ di cư. Do chỉ đạo chặt chẽ, ta đã phối hợp với Tổ giám sát quốc tế tổ chức, giúp đỡ giải quyết nhanh gọn cho hàng trăm người ở trọng điểm Bùi Chu và Sa Châu xin ra đi, không để địch kiếm cớ vu cáo ta; ngược lại, quần chúng còn tấn công tố cáo địch.

    Nhờ những biện pháp kiên quyết, kịp thời, cuộc đấu tranh chống địch dụ dỗ cưỡng ép đồng bào di cư vào Nam của tỉnh Nam Định đã đạt kết quả: các trại tập trung đồng bào di cư lập ra trái phép ở thành phố Nam Định, Hải Hậu, Giao Thuỷ đã bị giải tán. Từ tháng 8-1954 đến tháng 5-1955, ta đã tuyên truyền, vận động hàng trăm gia đình và hơn 3.000 người tự nguyện rút đơn, trả lại giấy thông hành, yên tâm ở lại quê hương. Trong 15 ngày (6-1955) đã có 936 giáo dân đến gặp chính quyền tố cáo những kẻ chủ mưu dụ dỗ, cưỡng bức đồng bào di cư. Đặc biệt, từ ngày 5 đến ngày 9-7-1955 đồng bào đã phát hiện và giúp chính quyền đập tan âm mưu của bọn phản động đội lốt Thiên Chúa giáo tập trung giáo dân ở 14 xứ về Xuân Minh (Xuân Trường) để tuyên truyền xuyên tạc chính sách tôn giáo của Đảng, kích động gây rối trật tự trị an và cưỡng bức đồng bào di cư. Đến sau ngày 20- 7-1955, mặc dù lẻ tẻ vẫn còn một số gia đình nhất quyết xin đi Nam, nhưng về cơ bản tình hình đã được ổn định.

    Tuy nhiên trong cuộc đấu tranh chống địch dụ dỗ cưỡng ép đồng bào đi Nam nhiều nơi còn bị động, chủ quan, thiếu cảnh giác, phát hiện âm mưu của địch chậm như Xuân Trường, Nam Trực; có nơi bị chi phối, hoang mang trước hành động trắng trợn của địch nên nhận định tình hình có lúc thiếu chính xác như Giao Thuỷ, Xuân Trường.

    Cùng thời gian này, toàn tỉnh đã tiến hành ba đợt đấu tranh thu hồi vũ khí của địch còn lưu giữ rải rác trong nhân dân. Chỉ tính riêng các huyện phía nam của tỉnh đã thu được 53 súng trường, 4 súng tiểu liên, 154 tấn mìn, lựu đạn và đạn các loại. Tháng 5-1955, nhờ tinh thần cảnh giác của nhân dân thôn Cát Xuyên (huyện Xuân Trường), chính quyền đã điều tra, xác minh, phát hiện nơi chôn giấu vũ khí của địch ở sau nhà một tên phản động, thu được một thúng lựu đạn và đạn các loại. Cũng tại Cát Xuyên, ta còn tìm thấy một số dao găm, lưỡi lê do chúng cất giấu trong khu vực nhà thờ xứ.

(Còn nữa)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com