Tìm mọi giải pháp ổn định tình hình và nâng cao đời sống nhân dân (1954-1960) – Kỳ 3

10:07, 14/07/2015

[links()]

(Tiếp theo)

    Ngày 1-7-1954, thành phố Nam Định hoàn toàn giải phóng, đây là thành phố đầu tiên của miền Bắc được giải phóng. Ngày 3-7-1954, uỷ ban quân quản được thành lập (đến 5-7-1954 đổi là uỷ ban quân chính thành phố) đã công bố 8 chính sách và 10 điều kỷ luật đối với vùng mới giải phóng; kêu gọi nguỵ quân, nguỵ quyền và công chức cũ ra trình diện.

    Tại Nhà máy sợi Nam Định, nhận rõ âm mưu phá hoại của quân Pháp khi rút chạy, ngay từ những ngày đầu địch rút chạy, Chi bộ Hà Huy Tập đã kịp thời lãnh đạo công nhân nhà máy đấu tranh với chủ Pháp và lập ra Ban bảo vệ nhà máy, lựa chọn các chiến sĩ trung kiên vào Trung đội tự vệ làm nhiệm vụ canh gác, giữ gìn máy móc thiết bị và tài sản của nhà máy. Hơn 200 công nhân được tuyển chọn trở lại nhà máy làm nhiệm vụ thu dọn, che chắn, lau chùi bảo quản máy móc cho đến khi Chính phủ có quyết định phục hồi nhà máy.

    Gần một trăm cán bộ dân chính Đảng, cán bộ các ngành của Liên khu III và của Nam Định được cử tham gia tiếp quản thành phố. Uỷ ban quân chính thành phố Nam Định đã lựa chọn cán bộ có năng lực và uy tín cử vào 8 uỷ ban khu phố tiến hành việc tuyên truyền cho nhân dân hiểu rõ chính sách của Đảng và Chính phủ, đồng thời vận động nhân dân làm vệ sinh, quét dọn đường phố, sửa sang các nhà vệ sinh công cộng, khôi phục hệ thống điện nước và mở thêm chợ phục vụ sinh hoạt của nhân dân.

    Nhằm nhanh chóng ổn định tình hình sau giải phóng, Hội nghị cán bộ tỉnh Nam Định họp từ ngày 8 đến ngày 13- 8-1954 đã đánh giá tình hình và quyết định những nhiệm vụ cấp bách trước mắt, đó là:

     - Tăng cường củng cố cơ sở vùng công giáo, ra sức tuyên truyền giáo dục làm cho giáo dân tin tưởng vào chính sách của Đảng và Chính phủ, thực hiện đoàn kết lương - giáo, đẩy mạnh tinh thần đấu tranh của quần chúng, phối hợp đắc lực với toàn quốc, tranh thủ củng cố hoà bình, thực hiện thống nhất hoàn toàn độc lập dân chủ trong cả nước.

     - Đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, phục hồi công thương nghiệp, thi hành chính sách ruộng đất theo thường lệ, chuẩn bị và thực hiện phát động quần chúng giảm tô ở những nơi Khu uỷ quyết định.

     - Xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, củng cố và xây dựng bộ đội địa phương tỉnh, huyện.

    Chấp hành chủ trương của Trung ương và chỉ đạo của Liên Khu uỷ III, các biện pháp kinh tế để ổn định giá cả và đời sống được thực hiện. Các loại thuế căn cước, đảm phụ quốc phòng, an ninh... của chế độ cũ đều bị bãi bỏ. Các cửa hàng, cửa hiệu, các chợ hoạt động trở lại. Việc thu đổi tiền Đông Dương sang tiền Ngân hàng Nhà nước Việt Nam được tiến hành với tỷ lệ 1/30, đến hết tháng 8-1954, trên thị trường Nam Định chỉ còn lưu hành một loại tiền mới của Ngân hàng Nhà nước. Cấp uỷ và chính quyền các cấp đã tổ chức cho cán bộ và nhân dân học tập chính sách sản xuất nông nghiệp, phát động phong trào toàn dân đoàn kết, tương trợ, khai hoang phục hoá, đẩy mạnh sản xuất. Hưởng ứng phong trào này, lực lượng vũ trang trong tỉnh đã tích cực rà phá bom mìn, gỡ rào thép gai, thu dọn sắt thép xung quanh các đồn bốt, vùng vành đai trắng tạo điều kiện cho nhân dân khai phá đất hoang, đảm bảo sản xuất an toàn. Được Nhà nước cho vay vốn mua sắm nông cụ, trâu bò, nhân dân trong tỉnh đã tương trợ giúp đỡ lẫn nhau về lao động, giống vốn nhanh chóng khôi phục lại sản xuất. Đến tháng 9-1954, 90% tổng số ruộng hoang hoá đã được khôi phục lại. Hàng vạn ngày công lao động đã được huy động, đào đắp hàng triệu mét khối đất củng cố đê, kè, cầu cống, làm thuỷ lợi lấy nước chống hạn, đảm bảo diện tích cấy mùa. Các biện pháp trừ sâu, diệt chuột, chăm bón lúa và hoa màu đã được thực hiện.

    Ở thành phố Nam Định, Thành uỷ và chính quyền đã đề nghị Chính phủ trợ giúp 360 tấn gạo và trích 60 tấn lương thực từ kinh phí của thành phố, kịp thời cứu tế cho nhân dân và gia đình công nhân các xí nghiệp chưa có việc làm đang bị đói. Đồng thời giải quyết việc làm cho công nhân, đưa một số người vào làm bảo vệ các nhà máy, làm giao thông công chính, gia công xay xát thóc gạo cho Nhà nước. Vận động một bộ phận nhân dân trực tiếp về nông thôn khai hoang phục hoá sản xuất nông nghiệp.

    Ngày 5-9-1954, Bộ Chính trị Trung ương Đảng họp ra Nghị quyết cụ thể hoá và bổ sung thêm Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (họp từ 15 đến 18-7-1954). Về xây dựng miền Bắc, Nghị quyết Bộ Chính trị vạch rõ, việc trước mắt trong thời kỳ tiếp quản không phải là tiến hành những việc cải tạo xã hội, mà là ổn định trật tự xã hội, ổn định vật giá, ổn định thị trường làm cho mọi hoạt động của thành phố và nông thôn trở lại bình thường, sau đó sẽ tiến hành những cải cách cần thiết, từng bước một thận trọng vững chắc, "việc cải tạo xã hội một cách hấp tấp thường gây nên tình trạng hỗn loạn và dẫn tới thất bại đáng tiếc".

(Còn nữa)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com