[links()]
Chỉ riêng năm 1955, trên địa bàn tỉnh Nam Định, các loại đối tượng đã gây ra nhiều vụ án nghiêm trọng như 12 vụ bắn vào bộ đội, du kích, làm chết một người và bị thương hai người (trong đó có một du kích); 5 vụ đánh bộ đội gây thương tích để cướp súng và lấy trộm súng của đơn vị bộ đội đóng quân tại Xương Điền, Hạ Trại, Nam Hồng; 4 vụ cài mìn và ném lựu đạn vào nhà cán bộ ở Nam Ninh, kè đá Cổ Lễ và ở Quỹ Nhất; 12 vụ đào đê phá cống; 34 vụ cắt dây điện thoại. Riêng xã Hải Châu (Hải Hậu) đã xảy ra 10 vụ.
Nam Định còn là một trong những địa bàn tập trung đạo Thiên Chúa, trong đó có giáo xứ Bùi Chu; hầu hết các thôn xóm ven biển là nơi công giáo toàn tòng, phong trào trắng, địa bàn trống. Lợi dụng chính sách tự do tín ngưỡng của Đảng và Chính phủ, bọn phản động đội lốt Thiên Chúa giáo dựa vào giáo lý, thần quyền, cấu kết với các thế lực đế quốc, phản động tay sai ngoan cố, điên cuồng chống phá cách mạng nước ta, tiến hành chiến dịch dụ dỗ, cưỡng ép đồng bào, giáo dân miền Bắc di cư vào Nam. Tại Nam Định, chúng tung ra những luận điệu tuyên truyền lừa bịp: "Chúa đã vào Nam, ở lại miền Bắc không có đạo", rằng "Nga - Mỹ sắp đánh nhau, Mỹ ném bom nguyên tử huỷ diệt miền Bắc, Diệm đưa quân đánh chiếm Bắc Việt"... Nhiều nơi, do đói kém, nạn cờ bạc, trộm cắp phát triển, bọn phản động dựa vào đó tung thêm nhiều tin bịa đặt. Chúng lập ra nhiều điểm tập trung giáo dân để di cư vào Nam như ở Tang Điền, Hạ Trại, Thịnh Long, Hưng Nghĩa (Hải Hậu), Dương A (Nam Trực), Quất Lâm (Giao Thuỷ), Nghĩa Hưng và thành phố Nam Định. Nhiều gia đình phải sống cảnh màn trời chiếu đất, đói khổ, có người phải bán con kiếm sống, nhiều người đã chết ngay trong trại tập trung vì dịch tả, kiết lỵ.
Nhân dân phất cờ, tung hoa, reo mừng, chào đón đoàn quân tiến về giải phóng Thủ đô ngày 10-10-1954. Ảnh tư liệu |
Những tháng cuối năm 1954, đầu năm 1955, bọn tay sai người Việt, bọn phản động đội lốt Thiên Chúa giáo hoạt động con thoi từ Hà Nội - Nam Định - Hải Phòng và ngược lại; chúng in giấy thông hành giả bí mật tung từ Hải Phòng về cấp cho những người di cư, dẫn đường và tổ chức các vụ gây rối, cưỡng ép đồng bào di cư.
Ngày 25-10-1954, Tổ giám sát quốc tế thi hành Hiệp định Giơnevơ thứ hai về Nam Định, chúng tổ chức giáo dân ở các huyện Nam Trực, Trực Ninh, Xuân Trường, Hải Hậu, Nghĩa Hưng và một vài nơi khác thành từng đoàn mang quốc kỳ, cờ thánh và biểu ngữ kéo lên thành phố, khi đến bến Đò Quan anh em lái đò chở không kịp đã bị một số tên côn đồ dùng gậy gộc, đòn gánh đánh đập làm một người bị thương nặng.
Ở ven biển Hải Hậu và một số thôn như Liên Hạ, Bùi Chu, Phù An, Đoài Dung, Xuân Dương (Xuân Trường), Vĩnh Thượng (Nam Trực) chúng còn vận động rào nhà, rào làng, chuẩn bị dao, gậy, âm mưu tổ chức vũ trang chống ta, lôi kéo cả số gia đình cơ sở, gia đình bộ đội di cư vào Nam. Tháng 1- 1955, địch cho tàu neo đậu ở vùng ven biển Hải Hậu, Giao Thuỷ đón dân di cư trong đất liền ra. Tại Tương Nam, chúng tổ chức thành các trạm có người dẫn đường; các nơi như Giao Lâm, Trực Hùng chúng ráo riết chuẩn bị thuyền đưa dân di cư ra tàu đón trực ngoài biển để vào Nam. Lợi dụng phái đoàn giám sát quốc tế đến kiểm tra, bọn phản động cùng với linh mục Phạm Năng Tĩnh ở địa phận Bùi Chu trắng trợn đưa đơn vu cáo ta, lôi kéo tu sĩ ở Nhà chung Bùi Chu, Liên Hà xin giấy di cư. Nghiêm trọng hơn chúng còn gây ra những vụ giết người, bức tử bịt đầu mối ở Hải Lạng, ám hại cốt cán ở Giao Hải, đốt nhà ở Xuân Phương và phá hoại sản xuất.
Nhiều gia đình, nhất là giáo dân cùng một số linh mục, tu sĩ nhẹ dạ cả tin đã mắc mưu địch rời bỏ quê hương ra đi. Từ tháng 7-1954 đến tháng 5-1955, cả tỉnh và thành phố Nam Định (trừ Vụ Bản, Ý Yên, Mỹ Lộc) đã có 37.914 giáo dân và 144 linh mục, tu sĩ di cư vào Nam. Chỉ riêng hai tháng (8- 1954 và 1-1955) đã có 371 hộ, gồm 1.851 người đi Nam.
Trong khi thực hiện chính sách của Đảng về phát động quần chúng giảm tô, cải cách ruộng đất, bọn phản động đội lốt đạo Thiên Chúa một mặt củng cố tập hợp lực lượng, tăng cường hoạt động về tư tưởng và tổ chức như giáo lý, trường học, kinh bổn, hội đoàn; chủ trương đào tạo những phần tử đắc lực ở cơ sở, hướng vào thanh thiếu niên hoạt động chia rẽ phá hoại phong trào của ta. Mặt khác, chúng dựa vào trình độ còn thấp kém của số đông giáo dân và thần quyền giáo lý, lợi dụng những khả năng hợp pháp và chính sách tự do tín ngưỡng của Đảng, Nhà nước để đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền xuyên tạc, gây nghi ngờ và làm giảm sút lòng tin của quần chúng đối với sự lãnh đạo của Đảng. Đầu năm 1957, Toà Giám mục Bùi Chu ra thư chung số 15 có nội dung xuyên tạc chính sách cải cách ruộng đất của Đảng, bênh vực địa chủ, bắt nông dân xin lỗi trả lại tài sản của địa chủ, có nơi đấu tố lại cốt cán như ở Quỹ Nhất (Nghĩa Hưng); rải truyền đơn và khẩu hiệu phản động, đả kích lãnh tụ và kêu gọi diệt cộng sản.
Bên cạnh tình hình khó khăn phức tạp trên, khi mới giải phóng, các tổ chức cơ sở Đảng, chính quyền cách mạng và đoàn thể quần chúng chưa kịp củng cố kiện toàn, đội ngũ đảng viên, cán bộ còn rất mỏng và chưa đủ sức để đáp ứng kịp thời những vấn đề bức xúc của thời kỳ mới.
(Còn nữa)