Tìm mọi giải pháp ổn định tình hình và nâng cao đời sống nhân dân (1954-1960) – Kỳ 1

08:07, 07/07/2015

[links()]

    Thắng lợi của quân và dân ta trong cuộc tiến công chiến lược Đông - Xuân 1953-1954 với đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ đã đập tan ý chí xâm lược của thực dân Pháp, buộc Chính phủ Pháp phải ký kết Hiệp định Giơnevơ về Đông Dương vào ngày 20-7-1954, công nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Lào và Campuchia.

    Dưới sự lãnh đạo của Đảng, cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ của dân tộc Việt Nam chống đế quốc Pháp đã giành thắng lợi vẻ vang, miền Bắc hoàn toàn giải phóng, bước vào thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, miền Nam tiếp tục cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân.

    Nam Định, sau nhiều năm bị địch chiếm đóng đến ngày 1-7-1954, địa bàn Nam Định hoàn toàn sạch bóng quân xâm lược. Chiến tranh kết thúc nhưng để lại cho nhân dân Nam Định những hậu quả nặng nề về kinh tế, chính trị và văn hoá - xã hội.

Nhân dân thành phố vui mừng đón bộ đội tiến vào tiếp quản thành phố ngày 1-7-1954.
Nhân dân thành phố vui mừng đón bộ đội
tiến vào tiếp quản thành phố ngày 1-7-1954.

    Trong kháng chiến chống Pháp, thành phố Nam Định và tỉnh Nam Định là hai đơn vị hành chính trực thuộc Khu Hữu Ngạn; các huyện Ý Yên, Vụ Bản, Mỹ Lộc thuộc tỉnh Hà Nam. Ở tỉnh Nam Định, 90% số làng, xã bị địch tạm chiếm lâu ngày (1949-1954), trong đó 24% số làng, xã có đồn bốt giặc; chỉ riêng 6 huyện phía nam tỉnh đã có 212 thôn có đồn bốt vũ trang của địch. Vùng nông thôn, trong những năm chiến tranh bị địch tàn phá nặng nề, ruộng đất bỏ hoang do địch lập vành đai trắng ven tuyến đê sông Đáy, các trục đường giao thông số 10, 21, 12, 55 và quanh các đồn bốt địch chiếm đóng. Khi hoà bình, cả tỉnh có tới 9.000 mẫu ruộng hoang đầy cỏ lác, dây thép gai và mìn của địch cài lại. Hệ thống nông giang, đê, kè, cầu cống, đường giao thông bị phá hư hại nặng. Nhiều gia đình bị giặc cướp bóc, đốt phá hoặc không có ruộng, giống, vốn, trâu bò để sản xuất, đời sống rất khó khăn đưa đến tình trạng đói rách nghiêm trọng.

    Thành phố Nam Định bị địch chiếm đóng từ đầu năm 1947, đến trước ngày 1-7-1954 chỉ có 31 cơ sở công thương nghiệp tư bản tư doanh loại nhỏ, với 180 công nhân thuê mướn. Bên cạnh nhà máy sợi, máy tơ, các cơ sở sản xuất công nghiệp, thủ công nghiệp hầu như rất nhỏ bé, cùng những trang thiết bị máy móc, kỹ thuật cũ kỹ lạc hậu. Chỉ riêng Nhà máy tơ có gần 200 máy móc các loại, thì chỉ còn khoảng 40 máy chạy tạm được, nguyên vật liệu thiếu thôn nghiêm trọng; ngoài một số tơ rối, tơ phế phẩm, hầu như không còn gì. Nhiều cơ sở bị địch phá hư hỏng nặng, hoặc tháo gỡ mang đi nhiều bộ phận máy móc quan trọng chưa thể khắc phục ngay được, làm cho sản xuất bị đình trệ, trên một vạn công nhân không có việc làm, nhiều gia đình lâm vào tình cảnh túng quẫn, có gia đình phải bán quần áo, đồ đạc, thậm chí bán con để có bữa cháo cầm hơi. Khi tiếp quản thành phố Nam Định có tới 400 căn hộ vắng chủ, thành phố xơ xác tiêu điều, không điện, nước, đường phố đầy rác rưởi. Hoạt động thương mại dịch vụ cầm chừng; một số nhà buôn lớn, cửa hàng, cửa hiệu đều đóng cửa nghe ngóng; hàng hoá trở nên khan hiếm, giá cả tăng vọt, giá gạo có lúc lên tới 350 đồng/kg; cùng lúc trên thị trường lưu hành cả hai loại tiền (tiền Đông Dương và tiền Ngân hàng Nhà nước Việt Nam), tỷ lệ tiền tệ lưu thông giữa hai loại rất hỗn loạn, ảnh hưởng đến sinh hoạt và đời sống nhân dân.

    Với chính sách cai trị của thực dân Pháp, hơn 80% số dân mù chữ, số trẻ em thất học khá cao, nhất là con em nông dân, tầng lớp lao động nghèo. Hệ thống trường học, bệnh viện không được mở mang, thuốc chữa bệnh khan hiếm; số người mắc bệnh sốt rét, dịch tả, hoa liễu, đậu mùa ngày càng tăng và còn gần 400 người phong không nơi cứu chữa. Các tệ nạn xã hội như trộm cắp, cờ bạc, mại dâm, nghiện hút, mê tín dị đoan, hủ tục lạc hậu trong việc cưới, việc tang đã đeo bám từ bao đời, giải quyết nó là một quá trình lâu dài.

    Sau ngày 1-7-1954, quân Pháp rút chạy, bọn nguỵ quân, nguỵ quyền, bảo an dân vệ và các tổ chức đảng phái phản động rệu rã, sụp đổ, hầu hết nằm lại cùng với một lượng lớn vũ khí quân dụng mà chính quyền cách mạng chưa thể kiểm soát được. Các công chức người Việt trong bộ máy nguỵ quyền, thương gia, trí thức, ngoại kiều... một số di cư vào Nam hoặc sang Pháp, số ở lại hoang mang, lo lắng chờ đợi thái độ đối xử của ta. Tầng lớp địa chủ, phú nông và các chức chánh tổng, lý trưởng, phó lý ở các làng, xã vùng nông thôn khá đông, trừ một số người có tinh thần dân tộc, yêu nước ngầm ủng hộ cách mạng hoặc cho con em tham gia kháng chiến, số còn lại đều có bóc lột bằng tô tức hoặc có nợ máu với nhân dân tạm thời nằm im, vì thế và lực của họ đã yếu. Trong khi đó, bọn đế quốc, đứng đầu là Mỹ tiếp tục câu kết với các thế lực phản động, đặc biệt là bọn phản động đội lốt Thiên Chúa giáo tiến hành âm mưu chống phá chế độ ta, thực hiện tuyên truyền lừa bịp, cưỡng ép giáo dân di cư vào Nam, gây ra hàng loạt vụ phá rối ở Việt Hùng, Quỹ Nhất, Chanh Cầu, Hải Đồng, Hải Sơn, Hải Nhuận, Xuân Phương, Xuân Thọ và nhiều vụ gây rối những năm sau này.

    Ở thành phố Nam Định, nơi tập trung nhiều tề nguỵ, nhưng số ra trình diện có 569 tên nguỵ quân, 111 công chức nguỵ quyền, 35 công an nguỵ (mật thám), 62 cảnh binh và 15 tên chỉ điểm. Trong số đó có 8 tên giữ chức vụ trưởng phòng, giám đốc các công sở, 31 tên là bang tá, khu trưởng nguỵ quyền, 78 tên từ cai đội trở lên. Riêng các đảng phái phản động như Quốc dân Đảng, Dân chúng liên hiệp, Đại Việt duy dân, Xã hội Công giáo... không tên nào chịu ra trình diện, về đối tượng hình sự, ta nắm được 300 đối tượng lưu manh chuyên nghiệp, 200 gái mại dâm và 400 người nghiện thuốc phiện.

(Còn nữa)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com