Khôi phục sản xuất, tiến hành cải cách ruộng đất (1955-1957) - Kỳ 3

06:07, 30/07/2015

[links()]

(Tiếp theo)

    Tháng 4-1956, khi phát hiện sai lầm của cải cách ruộng đất, Đảng ta đã chủ trương kiên quyết sửa chữa. Được sự chỉ đạo của Trung ương Đảng, Tỉnh uỷ Nam Định tổ chức học tập cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về Nghị quyết Hội nghị lần thứ 10 (9-1956) của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá II), Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 18-8-1956 và Thông cáo của Chính phủ về kế hoạch sửa chữa sai lầm của cải cách ruộng đất. Ngày 24-4-1957, khi nói chuyện với các đại biểu dự Hội nghị sửa sai của tỉnh Nam Định, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phân tích những thắng lợi của cải cách ruộng đất và chỉ rõ những sai lầm, khuyết điểm cần khắc phục. Người nói: Muốn đạt được những thắng lợi, cần phải đoàn kết chặt chẽ, đoàn kết trong Đảng, đoàn kết mọi tầng lớp nhân dân, đoàn kết cấp trên với cấp dưới, về phần cán bộ, phải nâng cao chí khí chiến đấu, ý thức kỷ luật, chịu đựng gian khổ, bền bỉ công tác và tin tưởng vững chắc ở sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và Chính phủ, đặc biệt là không vì thấy khó khăn mà bi quan, thấy thắng lợi mà chủ quan, phải luôn luôn dựa vào nhân dân mà tiến hành công tác. Người nhắc nhở cán bộ phải chú ý kết hợp công tác sửa sai với công tác thu thuế nông nghiệp và công tác đắp đê phòng lụt. Thực hiện huấn thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, với phương châm "sai đâu sửa đấy", từ tháng 10-1956 đến tháng 10-1957, nhiệm vụ sửa sai được thực hiện và hoàn thành trên phạm vi toàn tỉnh: 4.899 hộ quy sai là địa chủ (trong số này có 1.647 hộ quy sai là địa chủ cường hào gian ác) và 3.626 hộ quy sai là phú nông đã được hạ thành phần, minh oan 158 án tử hình, trả tự do cho 1.448 người, đền bù cho 1.929 hộ với số ruộng là 6.884 mẫu 3 sào, trả lại 764 con trâu bò cho 562 hộ, làm nhà mới trả cho 17 hộ. Trong quá trình sửa sai đã tìm ra 18 địa chủ (có 2 địa chủ cường hào gian ác) và 6 phú nông "lọt lưới" thời kỳ cải cách ruộng đất, tiếp tục quản chế 12 tên và lập hồ sơ trả lại trại giam trung ương 40 tên có tội ác. Nhiều cán bộ đảng viên được phục hồi đảng tịch và chức vụ; những căng thẳng trong xã hội từng bước được giải toả; đoàn kết trong Đảng, trong nhân dân, giữa cán bộ cũ và cán bộ mới được củng cố.

    Cùng với nhiệm vụ sửa sai, đầu năm 1957 trên cơ sở quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tỉnh uỷ đề ra phương hướng nhiệm vụ kinh tế năm 1957 của tỉnh là: "Ra sức củng cố và phát triển tổ đổi công, tiếp tục đẩy mạnh sản xuất lương thực, đảm bảo phát triển nông nghiệp toàn diện, chú trọng trồng cây công nghiệp. Đi đôi với nông nghiệp, phát triển công nghiệp nhẹ, sản xuất hàng tiêu dùng, chú trọng đúng mức các ngành công nghiệp khác, hết sức giúp đỡ thủ công nghiệp, khuyến khích giúp đỡ công nghiệp tư doanh sản xuất có lợi cho quốc kế dân sinh. Phát triển đúng mức mậu dịch quốc doanh và hợp tác xã mua bán, bảo đảm ưu thế và vai trò chủ đạo của mậu dịch quốc doanh, sử dụng đúng mức những người buôn bán nhỏ, sử dụng đúng mức đi đôi với hạn chế thích đáng thương nghiệp tư doanh... nhằm bảo đảm cung cấp nhu cầu thiết yếu của nhân dân và Nhà nước về hàng hoá và nguyên vật liệu, bình ổn vật giá, thúc đẩy sản xuất phát triển".

    Ở Nam Định, phong trào xây dựng tổ đổi công phát triển khá sớm, từ tháng 8-1955 đến đầu năm 1956 toàn tỉnh đã xây dựng được 17.885 tổ, gồm 129.023 hộ nông dân (đạt 67% tổng số hộ). Nhưng trong quá trình cải cách ruộng đất, phong trào đổi công bị chững lại, nhiều tổ nằm im không hoạt động, thậm chí có nơi bị tan vỡ. Thực hiện phương hướng, nhiệm vụ kinh tế và chỉ đạo của Tỉnh uỷ, các huyện đã tập trung củng cố, khôi phục và phát triển phong trào xây dựng tổ đổi công. Đến tháng 10-1957, toàn tỉnh đã củng cố được 4.089 tổ gồm 24.534 hộ, Hải Hậu là huyện có số tổ nhiều nhất trong tỉnh (1.347 tổ); đồng thời còn xây dựng mới 521 tổ ở các huyện phía nam tỉnh. Xóm Đông Hưng thuộc xã Yên Tiến (Ý Yên) có 116/117 hộ vào tổ đổi công. Hầu hết đảng viên nông thôn đã vào tổ đổi công. Tuy nhiên, phong trào ở các huyện phía bắc tỉnh phát triển không đều như Vụ Bản (4 xã chưa có tổ đổi công). Để chấn chỉnh và đẩy mạnh phong trào xây dựng tổ đổi công, đầu tháng 11-1957, Tỉnh uỷ tổ chức học tập Chỉ thị 31 và 37 của Trung ương cho Bí thư và cán bộ xã, nhằm nâng cao nhận thức và uốn nắn những quan niệm lệch lạc về phong trào đổi công. Nhờ vậy, việc xây dựng tổ đổi công trong tỉnh đã có bước chuyển biến, tinh thần đoàn kết, giúp đỡ tương trợ trong tổ được nâng lên; nhiều việc như khai hoang phục hoá, đắp đê, làm thuỷ lợi, chống hạn đã tập trung giải quyết tốt.

    Năm 1956, mặc dù phải đối mặt với thiên tai (chống nắng hạn, mùa mưa bão lớn) đồng ruộng bị chua mặn lại thường bị sâu, chuột phá hoại nghiêm trọng, nhưng sản xuất nông nghiệp vẫn được bảo đảm, diện tích cấy chiêm vượt kế hoạch 3.756 ha, tổng sản lượng lương thực cả năm (lúa và màu) đạt 360.261 tấn, tăng 37.259 tấn so với năm 1955, bình quân lương thực đạt 351 kg/người/năm (tăng 39 kg  so với năm 1939 là năm đạt cao nhất). Diện tích cây công nghiệp tăng, tổng sản lượng đạt 964,5 tấn, trong đó có 835 tấn cói. Bên cạnh việc huy động hàng vạn lao động đắp đê  phòng lụt, tu bổ và làm mới các kè lớn như Tường Nam, Hữu Bị, Cồn Tư, nhân dân các huyện ven biển còn trồng 467 mẫu sú vẹt với 4.154.500 cây bảo vệ tuyến đê biển dài 30km, ngoài ra còn ươm trồng 50.000 cây phi lao chống bão biển. Tổng kết kế hoạch năm 1956 và phong trào đắp đê phòng lụt, Đảng bộ và nhân dân Nam Định vinh dự được Hồ Chủ tịch tặng cờ thi đua, được Chính phủ và Liên khu III khen thưởng.

(Còn nữa)

 



xe nâng điện 10 tấn chính hãng Hangcha

BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com