Khôi phục sản xuất, tiến hành cải cách ruộng đất (1955-1957) - Kỳ 2

06:07, 28/07/2015

[links()]

(Tiếp theo)

    Tháng 4-1956, Nam Định chủ trương khôi phục nghề đánh cá biển. Thực hiện chủ trương này, Ngân hàng đã cho ngư dân vay 113,5 triệu đồng để củng cố và mua sắm trang bị, phương tiện đánh bắt hải sản. Ngoài ra, các ngành còn cung cấp hàng trăm mét khối gỗ để sửa thuyền, hàng ngàn mét vải may buồm và gai đay đan lưới. Nhờ vậy, chỉ sau hai tháng, ngư dân đã đánh bắt được 3.648 tấn cá biển, trong đó ngư dân Giao Vân, Giao Thiện (Giao Thuỷ) có ngày đánh bắt được ba tấn cá. Đến cuối năm 1956, toàn tỉnh đạt sản lượng đánh bắt 10.011 tấn cá biển, bằng 100,3% kế hoạch.

    Đi đôi với khôi phục sản xuất, nhiệm vụ cải cách ruộng đất được thực hiện. Trong những năm 1953-1954, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và Liên Khu uỷ III, Tỉnh uỷ Nam Định đã chỉ đạo chính quyền các cấp tiến hành cuộc vận động triệt để giảm tô, giảm tức; thực hiện chính sách tạm giao, tạm cấp ruộng đất, quân cấp lại công điền; chính sách khai hoang phục hoá ruộng đất bị địch chiếm làm vành đai trắng, ruộng vắng chủ... Nhìn chung, cơ cấu ruộng đất có sự chuyển dịch đáng kể, số ruộng đất giao cho nông dân sản xuất tăng thêm 12.508 mẫu (bằng 22,4% so với tổng số ruộng bị địa chủ chiếm đoạt vào thời điểm tháng 8-1945).

    Từ ngày 20 đến ngày 26-3-1955, tại Hà Nội, Quốc hội khoá I nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà họp kỳ thứ tư; đây là kỳ họp đầu tiên sau hoà bình lập lại. Tại kỳ họp này, Quốc hội nhất trí thông qua nghị quyết tán thành toàn bộ chính sách của Đảng trong kháng chiến cùng những chủ trương về công tác trước mắt. Đồng thời nhất trí thông qua một số chính sách về cải cách ruộng đất, quốc phòng, tôn giáo.

    Thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá II) và Nghị quyết kỳ họp thứ tư Quốc hội khoá I, Nam Định tiến hành cải cách ruộng đất vào đợt 5, đợt cuối cùng có tính chất quyết định trong cuộc đấu tranh chống phong kiến trên miền Bắc. Tỉnh Nam Định chủ trương kết hợp vận động quần chúng thực hiện giảm tô, đồng thời tiến hành phát động quần chúng thực hiện cải cách ruộng đất tiến tới đánh đổ toàn bộ giai cấp địa chủ ở nông thôn, thực hiện khẩu hiệu "người cày có ruộng". Phương châm tiến hành: "Dựa hẳn vào bần, cố nông, đoàn kết với trung nông, liên hiệp với phú nông, đánh đổ giai cấp địa chủ". Đối với nơi có đông đồng bào theo đạo Thiên Chúa thì "khi phát động phải lưu ý thực hiện đúng chính sách tự do tín ngưỡng và chính sách đối với cha cố mà Đảng đã đề ra".

    Ngày 18-12-1955, Trung ương cử bốn đội cải cách ruộng đất về Nam Định làm thí điểm ở Hải Phúc, Hải Lộc (Hải Hậu), từ đó rút kinh nghiệm để tiến hành làm ra diện rộng. Tháng 1-1956, Đoàn uỷ cải cách ruộng đất đã về đóng trụ sở tại Nam Phú (Nam Trực), cùng lúc các đội cải cách ruộng đất đã toả về các xã, đi sâu vào các tầng lớp bần, cố nông tiến hành "bắt rễ", "xâu chuỗi", "thăm nghèo, hỏi khổ" thực hiện "ba cùng" (cùng ăn, cùng ở, cùng làm), tiến hành tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và phát động nông dân vùng lên "có khổ nói khổ", vạch trần những bất công của chế độ phong kiến, kiên quyết đánh đổ địa chủ cường hào gian ác. Sau hai bước tiến hành, từ tháng 1 đến tháng 9-1956, cải cách ruộng đất ở Nam Định gặp không ít khó khăn phức tạp do giai cấp địa chủ tìm mọi cách chống đối (bằng việc phân tán tài sản, vừa mua chuộc vừa không chế đe doạ những người tham gia đấu tố)và hoạt động phá hoại của bọn phản động. Nhưng cải cách ruộng đất đã được hoàn thành ở 249 xã trong tỉnh, tịch thu, trưng thu, trưng mua 22.789 mẫu ruộng của địa chủ và Nhà chung (trong đó của địa chủ hơn 19.041 mẫu, 1.840 con trâu bò và 4.009 nhà ở) chia cho nông dân.

    Số địa chủ quy trong cải cách ruộng đất là 9.388 tên (chiếm 3,9% dân số). Trong đó có 2.103 địa chủ cường hào gian ác, 7.234 địa chủ thường và 51 địa chủ kháng chiến.

    Về cơ bản, cải cách ruộng đất đã xoá bỏ chế độ người bóc lột người, khẩu hiệu "người cày có ruộng" đã được thực hiện, quyền uy của bọn địa chủ phong kiến đã thực sự bị đánh gục, địa vị chính trị của giai cấp nông dân được xác lập và nâng cao, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội nông thôn trên địa bàn toàn tỉnh.

    Song, do cải cách ruộng đất kết hợp với chỉnh đốn tổ chức và vận dụng máy móc, giáo điều kinh nghiệm nước ngoài nên cải cách ruộng đất ở Nam Định cũng như nhiều địa phương trên miền Bắc đã phạm phải một số sai lầm nghiêm trọng, đó là: trong quá trình thực hiện nhiệm vụ cải cách ruộng đất, Đoàn uỷ và đội cải cách đều không dựa vào các tổ chức Đảng, chính quyền và đoàn thể quần chúng cách mạng ở địa phương; chính quyển xã hầu hết do đội cải cách ruộng đất toàn quyền đảm nhiệm mọi công việc; việc tổ chức đấu tố tràn lan đã đánh cả vào tổ chức Đảng và đảng viên, gây tổn thất lớn cho Đảng; việc quy định thành phần thiếu điều tra nghiên cứu nên số người bị quy oan, xử lý sai khá nhiều (tới 52%). Vì vậy, kết quả của cải cách ruộng đất bị hạn chế, vị trí lãnh đạo và uy tín của Đảng bị giảm sút.

(Còn nữa)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com