[links()]
Hội nghị lần thứ bảy (3-1955) và lần thứ tám (8-1955) của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá II) xác định:
"Điều Cốt yếu là phải ra sức củng cố miền Bắc, đồng thời giữ vững và đẩy mạnh cuộc đấu tranh của nhân dân miền Nam", về đường lối củng cố miền Bắc là "Củng cố và phát triển chế độ dân chủ nhân dân, tiến dần từng bước lên chủ nghĩa xã hội"; Hội nghị Trung ương tám nêu rõ "Công tác cải cách ruộng đất vẫn là công tác trung tâm, nhưng công tác khôi phục kinh tế là công tác rất trọng yếu".
Quán triệt Nghị quyết 7 và 8 của Trung ương Đảng, từ ngày 30-10 đến ngày 4-11-1955 Tỉnh uỷ Nam Định họp Hội nghị mở rộng bàn về nhiệm vụ kinh tế tài chính của tỉnh. Sau khi phân tích đặc điểm tình hình công tác tài chính ở tỉnh, Hội nghị quyết định một số nhiệm vụ chủ yếu là:
Về nông nghiệp:
Bảo đảm diện tích và năng suất lúa chiêm theo đúng kế hoạch, tích cực trồng rau màu vụ đông đề phòng đói tháng 3.
Hướng dẫn phục hồi nghề phụ, phục vụ cho nông nghiệp và thủ công nghiệp, tích cực trồng phi lao, sú vẹt ở bãi biển.
Phục hồi và phát triển chăn nuôi, phát triển ngư nghiệp.
Quá trình thực hiện khôi phục kinh tế, nông nghiệp được coi là chủ yếu, trong nông nghiệp lấy lương thực làm trọng tâm.
Về công, thương nghiệp:
Phục hồi các nghề tiểu thủ công, chú trọng các nghề có quan hệ tới dân sinh, xuất khẩu và kiến thiết.
Chuẩn bị lực lượng hàng hoá thiết thực, bình ổn vật giá, ngăn chặn nạn đầu cơ trong thương nhân, tăng cường hoạt động mậu dịch quốc doanh, theo dõi nắm tình hình thị trường để bán hàng ra đúng lúc.
Về tài chính:
Hoàn thành nhiệm vụ thu thuế nông nghiệp. Ra sức chống thất thu các loại thuế bằng tiền. Tăng cường quản lý tài chính, chống tham ô lãng phí. Hội nghị đã quyết định thành lập uỷ ban kế hoạch tỉnh, xúc tiến lập thống kê số liệu phục vụ chương trình hai năm khôi phục kinh tế (1956- 1957), tăng cường cán bộ cho ngành tài chính.
Đầu năm 1955, nghề làm muối ở Nam Định bắt đầu được khôi phục. Ban lãnh đạo sản xuất muối được thành lập gồm đại biểu các ngành công, thương, ngân hàng, thuế và đại diện chính quyền huyện. Sau khi được thành lập, Ban lãnh đạo đã phổ biến chính sách sản xuất, thu mua muối và đề nghị Nhà nước cho vay vốn, cấp lương thực, phương tiện để diêm dân củng cố ô nề, tu bổ đê, ngòi, cống đưa đồng muối sớm đi vào sản xuất. Tháng 6-1955 đã có 2.302 hộ diêm dân tham gia sản xuất, nhiều ruộng muối cũ đã được phục hồi. Đến cuối năm 1955, số ruộng muối đưa vào sản xuất là 1.550 mẫu, thu hoạch đạt 31.000 tấn, so với năm 1954 tăng 3.000 tấn muối.
Ngày 1-7-1955, Bộ Công nghiệp ra quyết định thành lập Ban phục hồi Nhà máy sợi Nam Định, sáp nhập Nhà máy tơ thành một phân xưởng của Nhà máy sợi và đổi tên là Nhà máy dệt Nam Định. Chấp hành chủ trương của Chính phủ, Đảng bộ, Công đoàn Nhà máy dệt Nam Định đã động viên đội ngũ công nhân tập trung lực lượng thu nhặt hàng ngàn dụng cụ chi tiết thiết bị máy móc quan trọng, góp phần vào việc phục hồi máy sản xuất. Bằng sự cố gắng tự lực, tự cường của cán bộ, công nhân và sự giúp đỡ của chuyên gia nước bạn, sau thời gian sửa chữa và chạy thử một số máy ở xưởng tơ, xưởng dệt, đến ngày 25-12-1955 nhà máy chính thức đi vào hoạt động, hoàn thành kế hoạch phục hồi trước thời hạn sáu ngày. Ngày 27-1-1956, đồng chí Lê Thanh Nghị, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp nhẹ về thăm và dự lễ khai trương Nhà máy dệt. Cũng từ tháng 1-1956, nhà máy tiếp tục được củng cố và mở rộng gồm 7 phân xưởng, với 10.094 công nhân, từng bước bổ sung thay thế trang bị, máy móc. Bên cạnh 1.225 máy dệt của Pháp, Đức, Anh, Thuỵ Điển và Italia đã quá cũ, phải thường xuyên sửa chữa, số máy dệt mới đã tăng thêm 1.100 chiếc. Năm 1956, năm sản xuất đầu tiên kể từ ngày phục hồi, nhà máy hoàn thành kế hoạch đạt 100,3%.
Cùng với việc phục hồi Nhà máy dệt Nam Định, các nghề thủ công truyền thống cũng được khôi phục. Thành uỷ và Uỷ ban hành chính thành phố Nam Định đã quyết định thành lập 16 cơ sở sản xuất, trong đó có 10 cơ sở hợp doanh và 6 cá thể, gồm 76 công thương gia với số vốn hoạt động là 106.290.000 đồng, chuyên sản xuất nước nắm, xà phòng, nông cụ, đồ sắt, vôi gạch và đóng thuyền vận tải. Ở tỉnh Nam Định, ngoài nông, ngư, diêm nghiệp, nhân dân còn có nhiều nghề thủ công truyền thống như dệt chiếu cói ở Nam Lạng, Đô Quang (Nam Trực), Quần Lạc, Giáo Phòng (Trực Ninh), Xuân Dục (Xuân Trường); nghề rèn ở Vân Tràng (Nam Trực); dệt vải, tơ tằm, dệt lụa và làm gạch ngói ở nhiều thôn thuộc các huyện Trực Ninh, Nam Trực, Hải Hậu, Vụ Bản và Mỹ Lộc. Thực hiện phương hướng nhiệm vụ của Tỉnh uỷ, tính đến tháng 9-1955, toàn tỉnh đã phục hồi được 1.400 trong số 1.600 khung dệt, 5 cơ sở làm cày bừa ở Ninh Cường, 8 lò rèn ở Vân Tràng. Một số làm võng đay, tre đan ở Bảo Long và bán cho thương nghiệp Nhà nước bốn vạn mét vải, một vạn tá khăn mặt, 120.000 bao bì bị ró, 200 gù và 20.000 đôi chiếu cói.
(Còn nữa)