[links()]
(Tiếp theo)
Để cứu vãn quân đội viễn chinh ở Đông Dương khỏi bị tiêu diệt, từ giữa tháng 5-1954, Hội đồng quốc phòng của Chính phủ Pháp đã chủ trương "rút quân khỏi miền Nam đồng bằng Bắc Bộ; khi cần thiết có thể bỏ Hà Nội, rút về Hải Phòng và cần thiết nữa có thể rút xuống phía nam vĩ tuyến 18".
Hiện tượng địch ở thành phố Nam Định chuẩn bị rút ngày càng rõ. Tư bản Pháp cho dãn thợ và ra lệnh tháo dỡ máy móc chuẩn bị mang đi. Nắm được âm mưu của địch, Chi bộ Nhà máy sợi đã lãnh đạo công nhân cơ khí bám sát, giữ máy; đồng thời tổ chức hàng ngàn công nhân khác kiên quyết đấu tranh đòi việc làm, đòi trả đủ lương tháng 6 và tiếp tục sản xuất. Chủ nhà máy buộc phải nhượng bộ, khí thế làm việc của công nhân sôi nổi hẳn lên.
Lúc này, Tỉnh uỷ vẫn nhận định: "Có thể địch chuẩn bị chuyển lực lượng chiếm đóng đi nơi khác và trao trả Nam Định cho nguỵ quyền". Vì vậy hoạt động chủ yếu lúc đó chỉ là bám sát địch và chặn các cuộc sục sạo của chúng. Cuối tháng 6, Liên khu uỷ III và Bộ Tư lệnh quân khu III cũng có điện chỉ thị: địch có thể rút khỏi Nam Định, phải gấp rút tập trung chuẩn bị đánh địch bỏ chạy.
Uỷ ban quân chính và hành chính thành phố Nam Định ra mắt nhân dân ngày 2-9-1954. |
Đến 9 giờ ngày 1-7-1954, địch đã rút toàn bộ các vị trí còn lại (theo lối cuốn chiếu) ở Ngô Đồng, Hành Thiện, Bùi Chu, Lạc Quần, Cổ Lễ và cuối cùng là thành phố Nam Định.
Hồi 12 giờ cùng ngày, ở Nhà máy sợi Nam Định, chủ Nhà máy - một tư sản Ấn kiều - buộc phải trao lại toàn bộ chìa khoá cho đại diện công nhân.
Sau khi nhận được điện của Quân khu III, các lực lượng vũ trang trong tỉnh đã khẩn trương triển khai phương án truy kích địch. Du kích Mỹ Lộc đánh mìn phá hỏng bảy xe cơ giới. Du kích đường 10 bắn cháy một máy bay, làm lật đổ tám xe, các lực lượng vũ trang Ý Yên phá hỏng một xe tăng, một khẩu pháo và gọi được 10 lính địch ra hàng. Du kích Vụ Bản xiết chặt vòng vây vị trí Gôi, gọi hàng được 42 tên.
Ngay sau ngày thắng lợi, Đảng bộ và quân dân Nam Định bắt tay ngay vào nhiệm vụ của vùng mới giải phóng. Tỉnh uỷ khẩn trương tổ chức hội nghị các bí thư huyện uỷ, trưởng các ngành, giới để bàn việc củng cố ổn định tổ chức; có kế hoạch chặt chẽ thu hồi thành phố Nam Định và một số thị trấn; đồng thời duy trì hoạt động kinh tế, xã hội từ thành phố tới các vùng nông thôn.
Ngày 3-7, Trung ương Đảng giao cho Liên khu uỷ III cử 80 cán bộ các ngành tăng cường cho công tác tiếp quản thành phố Nam Định và thành lập uỷ ban quân quản do đồng chí Lê Quốc Thân - Thường vụ Khu uỷ, làm Chủ tịch, uỷ ban quân quản đã khẩn trương tiếp quản 39 nơi đóng quân của giặc, thu dung 373 viên chức nguỵ quyền, kiểm kê 29 trường trung, tiểu học, tiếp nhận 2.000 binh sĩ nguỵ ra trình diện. Đồng thời, uỷ ban quân quản còn tổ chức giới thiệu tám chính sách vùng mới giải phóng và nhiệm vụ của mỗi công dân trong lao động sản xuất, xây dựng quê hương.
Ở Bùi Chu, Tỉnh uỷ đã thành lập uỷ ban giải phóng Bùi Chu do đồng chí Phó Bí thư Tỉnh uỷ làm Chủ tịch; đồng thời tập trung 15 cán bộ của tỉnh cùng với huyện Xuân Trường tiếp thu thị trấn Bùi Chu. Đây là sào huyệt trung tâm của bọn phản động đội lốt Thiên Chúa giáo. Cơ sở kháng chiến hầu như không có, nhiều đồng bào theo đạo Thiên Chúa bị địch lừa gạt, mê hoặc nên chưa hiểu rõ về cách mạng. Với những cố gắng của uỷ ban giải phóng, tình hình mọi mặt trong vùng dần dần được ổn định, nhất là từ khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết.
Cùng với nhân dân cả nước, quân dân Nam Định vô cùng hân hoan, phấn khởi trong không khí đón mừng ngày quê hương được hoàn toàn giải phóng và hăng hái bắt tay vào giải quyết những hậu quả do chiến tranh để lại; duy trì, đẩy mạnh sản xuất và các hoạt động văn hoá, xã hội, tạo tiền đề cho quá trình xây dựng một xã hội mới.
Cuộc đấu tranh bảo vệ chính quyền còn non trẻ và kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược của dân tộc ta nói chung và nhân dân Nam Định nói riêng đã giành thắng lợi vẻ vang.
Vượt qua nhiều khó khăn, gian khổ, mất mát, hy sinh, Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh đã đạt được những thành quả to lớn trong buổi đầu kiến tạo cuộc sống mới; vừa góp sức chi viện cho các chiến trường, vừa trực tiếp đánh trả quân thù, bảo vệ quê hương, góp phần vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc ta trong cuộc đấu trí, đấu lực với kẻ thù xâm lược là thực dân Pháp.
Chính quyền dân chủ nhân dân từ tỉnh tới cơ sở vừa mới ra đời, lực lượng vũ trang còn rất hạn chế về số lượng, trang bị và trình độ tác chiến, Đảng bộ và nhân dân Nam Định đã phải tiến hành một loạt nhiệm vụ to lớn của một miền quê vừa thoát khỏi vòng nô lệ: bảo vệ chính quyền cách mạng, ổn định và phát triển mọi mặt đời sống kinh tế - văn hoá, xã hội, đi đôi với việc chuẩn bị mọi mặt cho cuộc đấu tranh sinh tử với kẻ thù sắp diễn ra. Những kết quả đạt được trên các lĩnh vực của đời sống, tuy mới chỉ là bước đầu và trong thời gian không dài, nhưng đã đem lại cho nhân dân bầu không khí phấn khởi, tự do, hạnh phúc thực sự. Đồng thời tạo những tiền đề quan trọng để nhân dân trong tỉnh quyết tâm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Khi cuộc kháng chiến "ba nghìn ngày không nghỉ" của dân tộc ta chống xâm lược bùng nổ, vận dụng sáng tạo đường lối, chủ trương của Đảng trong từng giai đoạn cách mạng, Đảng bộ ra sức xây dựng, phát triển lực lượng vũ trang, kiên trì vận động, tổ chức quần chúng tham gia vào các hoạt động kháng chiến; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, đoàn kết lương - giáo, từng bước làm thất bại âm mưu và hành động xâm lược của thực dân Pháp và bọn tay sai.
Trong gian lao, thử thách, nổi lên những tấm gương kiên trung bất khuất của biết bao cán bộ, đảng viên và quần chúng yêu nước. Những phẩm chất tốt đẹp của một cộng đồng có lòng yêu nước nồng nàn, dũng cảm trong đấu tranh, cần cù trong lao động được khơi dậy, nhân lên dưới sự lãnh đạo đúng đắn của các cấp ủy Đảng, đã tạo nên sức mạnh tổng hợp để tiêu diệt quân thù, giải phóng quê hương.
Trong quá trình chỉ đạo kháng chiến, tuy có một số hạn chế và vấp váp, thậm chí có sai lầm, song thành quả mà Đảng bộ và nhân dân Nam Định đạt được là cơ bản và rất to lớn. Thắng lợi đó chính là kết quả của sự phấn đấu không mệt mỏi của Đảng bộ, của tinh thần và khả năng cách mạng của các tầng lớp nhân dân tỉnh Nam Định.
Với những thành công đã đạt được, những kinh nghiệm và cả sự thử thách, tôi luyện trong chiến tranh cách mạng, Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh vững tin cùng cả nước bước vào một thời kỳ mới của lịch sử dân tộc.