Phố Đặng Thế Phong thuộc khu đô thị Hoà Vượng, phường Lộc Vượng, có chiều dài 84m, rộng 7m; địa giới từ đường Trần Khánh Dư đến phố Vũ Cao.
Đặng Thế Phong (1918-1942), quê Thành phố Nam Định. Cha ông là Đặng Hiển Thế; thời Pháp làm thông phán Sở Trước bạ Thành phố Nam Định. Vì cha mất sớm, gia cảnh túng thiếu, ông phải bỏ học khi đang theo học năm thứ hai tại Trường Sư phạm Nam Định. Sau đó, ông lên Hà Nội học tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương với tư cách dự thính. Ông vẽ truyện bằng tranh cho một số tờ báo để lấy tiền ăn học nhưng cũng không được bao lâu. Cuộc đời Đặng Thế Phong rất long đong, lận đận, ông phải sống lang bạt và trải qua nhiều nghề. Tháng 2-1941, Đặng Thế Phong lang thang vào Sài Gòn rồi sang Căm-pu-chia. Tại Căm-pu-chia, ông có mở một lớp dạy nhạc. Đến tháng 8-1941 ông trở lại Hà Nội. Là một nhạc sĩ nghèo nên cuộc sống của ông rất khổ cực. Ngoài sáng tác, ông còn đi hát trên các sân khấu để kiếm tiền. Bài hát Con thuyền không bến là bài hát do ông sáng tác và được trình diễn đầu tiên tại rạp chiếu bóng Olympia, phố Hàng Da, Hà Nội năm 1940. Ông mất năm 24 tuổi bởi căn bệnh lao trên một căn gác số 9, phố Hàng Đồng, Thành phố Nam Định năm 1942.
Cả cuộc đời và sự nghiệp âm nhạc của Đặng Thế Phong có ba nhạc phẩm và đều rất nổi tiếng là: “Đêm thu” (1940), “Con thuyền không bến” (1941) và “Giọt mưa thu” (1942). Nhạc phẩm cuối cùng “Giọt mưa thu” được ông viết vào những năm tháng cuối đời trên giường bệnh. Đặng Thế Phong được xem như một trong những nhạc sĩ tiêu biểu nhất của thời kỳ tiền chiến. Các ca khúc của ông được xếp vào những tác phẩm bất hủ của tân nhạc Việt Nam./.
Khánh Dũng