[links()]
(Tiếp theo)
Thành phố Nam Định là nơi đặt cơ quan chỉ huy phía nam đồng bằng Bắc Bộ của địch nên chúng phòng ngừa rất nghiêm ngặt. Nhưng tới thời gian này cơ sở Đảng, cơ sở quần chúng của ta ở nội thành đã phát triển khá mạnh. Sáu khu phố đều có chi bộ Đảng; 15 trong 17 thôn ở bốn xã ngoại thành có tổ Đảng. Đặc biệt, ta còn có chi bộ Đảng bí mật ở cơ quan công an nguỵ quyền và trong Nhà tù Máy Chai để có thông tin nhanh chóng về hoạt động của địch. Với những thuận lợi đó, đêm 28-4-1953 bộ đội chủ lực phối hợp với quân dân thành phố Nam Định, dùng nội ứng đánh tập kích trại huấn luyện Vạn Bảo ngay giữa thành phố, diệt gọn một tiểu đoàn, bắt 500 tên. Chiến thắng này càng làm rung chuyển hệ thống chiếm đóng của địch ở địa phương. Nhân đà thắng lợi, khi địch chuyển hướng càn sang vùng khác, ta lại thu hẹp vùng tạm chiếm, giành giật lại phần lớn khu du kích ở huyện Giao Thuỷ.
Giải phóng bốt Vô Tình, huyện Trực Ninh, năm 1952. |
Căn cứ vào diễn biến toàn cục, ngay khi địch đang càn huyện Giao Thuỷ, Tỉnh uỷ Nam Định đã phán đoán chúng sẽ càn sang Hải Hậu lớn hơn và ác liệt hơn. Từ kinh nghiệm của những đợt chống càn, Tỉnh uỷ ra chỉ thị bổ sung, xác định phương châm tác chiến: Bộ đội địa phương huyện phân tán dìu dắt du kích làm nhiệm vụ kiềm chế, tiêu hao địch trong từng làng xóm. Bộ đội địa phương tỉnh làm nhiệm vụ tập trung cơ động, lấy chiến thuật đánh tập kích, phục kích để tiêu diệt địch; đồng thời phát triển đánh mìn, ngăn chặn giao thông vận chuyển của địch...
Trên địa bàn Xuân Trường, địch chỉ để lại một số tề, dõng, địa phương quân và một bộ phận quân cơ động tiếp tục càn quét bình định, còn đại bộ phận quân cơ động từ ngày 28-5 đến ngày 27-7 chuyển xuống càn quét Giao Thuỷ với lực lượng bốn tiểu đoàn (2 cơ động + 2 khinh quân), ba chi đội địa phương quân, một đại đội GAMO và hơn 20 ban tề lập sẵn. Địch đóng tại Thức Hoá, Đại Đồng, Đông Bình liên kết với Ngô Đồng hình thành thế chân vạc, cắt đứt liên lạc giữa Giao Thuỷ với căn cứ du kích Hải Hậu, Thái Bình, khống chế từng vùng, lập tề dõng. Trong hai tháng càn quét Giao Thuỷ, địch đã đốt cháy trên 1.000 tấn thóc, bắn chết 400 trâu bò, bắt gần 1.000 thanh niên, cấm không cho dân cày cấy xung quanh vị trí, đưa giáo dân đi cướp của lương dân nhằm gây lại tình trạng lương giáo xung đột như hồi cuối năm 1949.
Đúng như dự đoán của ta, từ ngày 31-7 đến ngày 21-8 địch lại tập trung 13 tiểu đoàn bộ binh (trong đó có một nửa là "khinh quân"), 5 tàu chiến, 21 ca nô, mở trận càn mang tên Tarăngtedơ vào Hải Hậu và Nghĩa Hưng. Quân cơ động làm nhiệm vụ xung kích, chia cắt khu càn quét thành nhiều ô. Lực lượng "khinh quân" theo sau chiếm đóng Đông Biên, Văn Lý, Xương Điền (Hải Hậu), Ninh Cường (Trực Ninh), Đồng Quỹ, Quỹ Nhất, Đài Môn, Thuần Hậu (Nghĩa Hưng). Những chốt này cùng với các vị trí đã đóng ở huyện Giao Thuỷ thành một hệ thống cứ điểm chạy dọc bờ biển Nam Định, nối Bùi Chu với Phát Diệm, khống chế toàn bộ khu du kích vùng Duyên Hải. Từ các chốt đó địch toả ra tàn phá các làng xóm, bắt 5.000 thanh niên, lập thêm ba tiểu đoàn "khinh quân". Chúng khủng bố quần chúng một cách khốc liệt ngay ở những nơi tập trung đồng bào theo đạo Thiên Chúa. Điển hình như vụ địch bắn một lúc 40 thanh niên ở Văn Giáo (Nghĩa Hưng), tàn sát 17 người là cơ sở kháng chiến ở Tang Điền (Hải Hậu), hòng uy hiếp tinh thần yêu nước của giáo dân.
Ngay ngày mở đầu trận càn, địch đã bị Đại đội 91 bộ đội địa phương tỉnh tập kích, giáng đòn phủ đầu ở Đỗ Xá (Nam Trực) diệt 160 tên, trong đó có tên thiếu tướng Gilít chỉ huy cuộc càn. Địch buộc phải ngừng cuộc càn lại bốn ngày để chỉnh đốn lực lượng. Thuỷ quân của chúng bị bộ đội địa phương và dân quân du kích quấy rối, ngăn chặn, nên không thể lợi dụng ưu thế phương tiện tiến công bao vây chia cắt ta như trước.
Thực hiện phương châm du kích đánh kiềm chế, tiêu hao sinh lực địch, lực lượng vũ trang bám sát, chặn từng bước tiến của chúng. Chỉ một quãng đường hành quân dài 6 km từ chợ Lương đến cầu Đông (Hải Hậu) địch đã bị du kích chặn đánh 16 lần. Phải mất 6 giờ chúng mới vượt qua được. Nổi bật trong thời gian này là những đội du kích ở vùng Thiên Chúa giáo đã trưởng thành nhanh chóng, dũng cảm đánh địch lập nhiều thành tích xuất sắc: du kích xã Hải Xuân (Hải Hậu) trong một ngày đánh 13 trận, du kích xã Hồng Phong (Nghĩa Hưng) độc lập tác chiến đánh địch càn quét vào xã diệt một đại đội, bắt sống một số tên...
Bộ đội địa phương huyện vừa làm nhiệm vụ phân tán, dìu dắt du kích, vừa linh hoạt tập trung tác chiến khi có điều kiện, nên kinh nghiệm tác chiến và phối hợp chiến đấu ngày càng hiệu quả hơn, tổ chức được những trận đánh phục kích, tập kích lớn. Nổi bật là trận tập kích của hai trung đội bộ đội huyện Nghĩa Hưng vào Giáo Phòng bắt sống 132 tên; tập kích vị trí Văn Giáo diệt và bắt gần 200 tên.
Bốn đại đội địa phương của tỉnh, vừa luồn tránh địch, vừa cơ động tác chiến, nhằm trúng những sơ hở, bẻ gãy nhiều cuộc hành quân của chúng; đồng thời bám sát lực lượng "khinh quân", giam chân chúng trong những chốt vừa mới chiếm đóng. Trong khi địch càn Hải Hậu, để sơ hở địa bàn Giao Thuỷ, Đại đội 75 bất ngờ thọc sâu tập kích vị trí Đại Đồng, diệt hơn 100 tên, phá tan nhiều ban tề dõng, làm cho khu vực bình định của địch lâm vào thế lúng túng.
Phối hợp với tiếng súng của bộ binh, địa lôi của các đội đánh giao thông cũng nổ giòn giã, phá nhiều xe vận tải lương thực, đạn dược của địch, làm cho chúng thêm khốn đốn về hậu cần. Bị chặn đánh ở khắp nơi, địch càng bị động đối phó, tinh thần binh lính, nhất là bọn khinh quân rất bạc nhược. Sau 20 ngày càn quét lớn tỏ ra không hiệu quả, quân cơ động của địch phải rút đi. Lực lượng khinh quân ở lại giữ các chốt trong tình thế bị quân ta bao vây, uy hiếp.
Sáu tháng đầu năm 1953 là thời kỳ quân và dân Nam Định liên tiếp phải chống trả nhiều cuộc càn quét lớn trong kế hoạch bình định vùng đồng bằng của thực dân Pháp. Song quân và dân trong tỉnh đã cố gắng vượt qua những khó khăn thử thách, vừa đánh vừa rút kinh nghiệm, khắc phục chỗ còn yếu kém, phát huy sức mạnh của ba thứ quân để đánh địch. Vì vậy bộ đội địa phương, dân quân du kích đều có bước trưởng thành nhanh chóng, càng đánh càng thắng lớn, dồn địch vào thế bị động lúng túng, tạo đà cho cuộc kháng chiến toàn dân phát triển.