Chống càn, giữ vững khu du kích, bồi dưỡng sức dân (Kỳ 6)

07:06, 09/06/2015

[links()]

(Tiếp theo)

    Đến đầu năm 1953, quân dân Nam Định đã trải qua một giai đoạn chiến đấu gay go, ác liệt đầy thử thách để mở rộng, củng cố và giữ vững khu du kích. Đây cũng là thời gian địch liên tiếp mở những cuộc càn quét quy mô lớn nhằm triệt phá các khu du kích, tiêu diệt bộ đội chủ lực và bình định vùng chiếm đóng. Mặc dù lực lượng không cân sức, quân và dân ta vẫn kiên cường chiến đấu để bảo vệ khu du kích, chống địch bình định, tranh thủ mọi điều kiện có thể, để tập hợp các lực lượng quần chúng, đẩy mạnh chiến tranh nhân dân, giải phóng đất đai, thu hẹp vùng chiếm đóng của chúng. Khi địch đang phải tập trung đối phó ở các mặt trận Hoà Bình, Tây Bắc, quân và dân trong tỉnh đã phối hợp với bộ đội chủ lực mở nhiều đợt hoạt động mạnh, làm cho địch bị tổn thất nặng nề về sinh lực và phương tiện chiến tranh. Bộ máy nguỵ quyền và hệ thống tề dõng của địch bị phá từng mảng. Khu du kích và căn cứ du kích rộng lớn ở địa phương được giữ vững và phát triển. Lực lượng vũ trang địa phương trưởng thành. Cơ sở kháng chiến ở nhiều nơi, kể cả vùng tập trung đồng bào theo đạo Thiên Chúa cũng được củng cố và phát triển.

Bộ đội chuẩn bị bộc phá trước trận đánh, năm 1953.
Bộ đội chuẩn bị bộc phá trước trận đánh, năm 1953.

    Cùng với hoạt động quân sự, cấp uỷ các địa phương đã quan tâm đẩy mạnh một bước nhiệm vụ sản xuất, phát triển kinh tế trên nhiều lĩnh vực, để bồi dưỡng sức dân, chăm lo công tác hậu cần cho nhu cầu chiến đấu trước mắt và cho cuộc kháng chiến lâu dài. Vì vậy, mặc dù cuộc chiến đấu diễn ra ác liệt, cuộc sống của nhân dân nói chung chẳng những vẫn được duy trì, ổn định mà còn đóng góp phần lương thực đáng kể cho cuộc kháng chiến của dân tộc.

    Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của dân tộc ta ngày càng phát triển và giành thắng lợi to lớn. Địch ngày càng thất bại nặng nề, song chúng không chịu từ bỏ âm mưu nô dịch nước ta và phản ứng hết sức quyết liệt. Để tăng cường mọi tiềm lực, đưa cuộc kháng chiến mau đến thắng lợi, cùng với các hoạt động quân sự, Đảng chủ trương phải đồng thời từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, để nhân dân có thể cung cấp ngày càng nhiều sức người, sức của cho kháng chiến. Tại Hội nghị ngày 30-1-1953, Ban Chấp hành Trung ương Đảng chủ trương "Phát động quần chúng đấu tranh để giảm tô, thực hiện giảm tức, chia công điền, ruộng đất của thực dân Pháp và Việt gian cho nông dân nhằm thoả mãn bước đầu yêu cầu chính đáng về kinh tế của nông dân", để từ đó nông dân và cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang phấn khởi, nâng cao nhận thức, giữ vững ý chí quyết tâm xây dựng lực lượng kháng chiến.

    Yêu cầu bồi dưỡng sức dân, thúc đẩy kháng chiến phát triển cũng là yêu cầu cấp thiết của Đảng và quân dân Nam Định bước vào giai đoạn đọ sức quyết liệt giữa ta và địch ở địa phương. Nhiệm vụ đó đòi hỏi Đảng bộ phải có sự chỉ đạo cụ thể, toàn diện hơn để đạt được các mục tiêu về quân sự, kinh tế, xã hội.

    Giữa hai phía nam và bắc tỉnh Nam Định có dòng sông Đào ngăn cách. Địch thường xuyên dùng tàu chiến kiểm soát chặt chẽ, gây rất nhiều khó khăn cho việc chỉ đạo thống nhất, thông suốt giữa các vùng trong tỉnh. Từ tháng 5-1953, các địa phương phía bắc Nam Định gồm: Ý Yên, Vụ Bản, Mỹ Lộc và miền bắc Nghĩa Hưng (ở phía bắc sông Đào) được sáp nhập vào tỉnh Hà Nam.

    Năm 1953, Nam Định vẫn là một trong những vùng trọng điểm bình định của thực dân Pháp, đặc biệt là đối với các huyện miền Duyên Hải.

    Với ý đồ lấy các huyện phía nam Nam Định là trọng điểm bình định, làm nơi thực nghiệm việc xây dựng, sử dụng "khinh quân", thực dân Pháp đã chọn huyện Xuân Trường mở đầu việc thực hiện âm mưu này. Chúng sử dụng một lực lượng nhỏ (từ 1 đến 2 tiểu đoàn cơ động), đánh phá khu vực hai, ba xã. Tiếp đó, đội "quân thứ hành chính lưu động" đi sâu làm nhiệm vụ tuyên truyền mê hoặc nhân dân để lập tề. Cuối tháng 5-1953, khi đã xây dựng được ba tiểu đoàn "khinh quân" và một số chi đội "địa phương quân", chúng đẩy lực lượng này xuống huyện Giao Thuỷ, thực tập càn quét. Trong khi đó, quân cơ động đóng chốt ở Đại Đồng, Thức Hoá làm nhiệm vụ dìu dắt và yểm trợ.

    Tỉnh uỷ đã có chủ trương cụ thể về chống càn, nhưng khi thấy địch càn nhỏ thì cho rằng chúng chỉ càn quét nhằm gỡ thế bị uy hiếp cho "thị xã Bùi Chu", nên việc đối phó thiếu khẩn trương, tích cực. Trong lúc đó bộ đội và du kích cho rằng có thể địch đánh "bao vây, quặp hậu" như ở cuộc càn Bơrơtanhơ, nên chỉ lo luồn tránh. Cán bộ cơ sở nhiều nơi lại có tư tưởng ỷ lại trông chờ bộ đội, thiếu chủ động đối phó.

    Huyện Giao Thuỷ vì chủ quan, chuẩn bị chưa chu đáo nên khi địch càn tới đã tỏ ra rất lúng túng. Lực lượng vũ trang và bán vũ trang bị "bật đất", một bộ phận quần chúng hoang mang, lo lắng. Huyện uỷ, thậm chí có lúc cũng mất phương hướng, xin tỉnh cho chuyển từ khu căn cứ du kích xuống thành vùng du kích và tạm chiếm để hạ phương thức đấu tranh, lấy đấu tranh chính trị và kinh tế làm chủ yếu.

    Trước tình hình đó, Tỉnh uỷ đã tiến hành giáo dục, xác định cho cán bộ, đảng viên, bộ đội và du kích phải vững tin vào bản thân, vào quần chúng, phải ra sức bám đất, bám dân để đánh địch. Tỉnh uỷ còn chủ trương giữ vững phương thức đấu tranh vũ trang, bảo vệ bằng được khu căn cứ du kích, đồng thời đẩy mạnh đấu tranh kinh tế, chính trị.

    Thực hiện chủ trương của Tỉnh uỷ, hai đại đội bộ đội địa phương của tỉnh được điều về nơi địch càn quét, vừa làm nhiệm vụ cơ động đánh địch, vừa dìu dắt dân quân du kích chiến đấu. Chỉ sau một thời gian ngắn củng cố, chuẩn bị mọi mặt, quân dân ta đã liên tiếp đánh phục kích địch ở Hội Khê Bắc, Kiên Lao (Xuân Trưòng), Quất Lâm (Giao Thuỷ), có trận tiêu diệt và bắt sông hàng trăm tên địch. Lực lượng tề dõng ở Xuân Trường vừa được địch dựng lại, sợ hãi chạy vào "thị xã Bùi Chu"; lực lượng khinh quân phải về thành phố Nam Định để củng cố và huấn luyện.

(Còn nữa)

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com