Chống càn, giữ vững khu du kích, bồi dưỡng sức dân (Kỳ 5)

06:06, 04/06/2015

[links()]

(Tiếp theo)

    Mặc dù cuộc càn quét của địch diễn ra ác liệt, nhưng đại bộ phận cán bộ, đảng viên đã lăn lộn bám đất, bám dân, kiên quyết chống càn. Các đơn vị vũ trang tuyên truyền gan dạ luồn địch, giữ vững tinh thần quần chúng, trấn áp phản động không cho chúng rảnh tay hành động. Nhân dân ở các địa phương đã cùng với dân quân du kích tích cực làm nhiệm vụ hậu cần, tiếp tế đầy đủ cho hai trung đoàn bộ đội chủ lực và lực lượng vũ trang địa phương; đồng thời tìm mọi cách bảo vệ an toàn cho trên 300 thương binh... Đó là một trong những đóng góp lớn của nhân dân trong cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện ở địa phương.

Giải phóng Đông Biên, huyện Hải Hậu, ngày 4-6-1954
Giải phóng Đông Biên, huyện Hải Hậu, ngày 4-6-1954.

    Song do chưa nắm chắc âm mưu thủ đoạn của địch và khả năng đánh lớn của chúng, nên khi cuộc càn diễn ra rộng lớn thì ta tỏ ra lúng túng. Trong lúc đó, lực lượng vũ trang và bán vũ trang ở địa phương tuy đã được bổ sung, phát triển nhưng chưa được củng cố và còn ít kinh nghiệm tác chiến; việc kết hợp ba thứ quân thiếu chặt chẽ, vận dụng phương châm phân tán, tập trung không kịp thời, cách đánh du kích chưa được vận dụng triệt để. Quá trình tổ chức chiến đấu, một trung đoàn chủ lực, hầu như không liên hệ được với tỉnh và không tác chiến. Một trung đoàn khác vẫn tập trung theo tiểu đoàn và thụ động chờ địch; sau đó lại nặng về bảo toàn lực lượng, luồn tránh đơn thuần, nên tuy lúc đầu có đánh được hai trận ở Nghĩa Xá, Sa Đê - Thái Lãng, diệt được bốn đại đội địch nhưng lực lượng bộ đội cũng bị tiêu hao. Bộ đội địa phương huyện có phân tán, dìu dắt du kích chiến đấu, nhưng do địch càn quét ồ ạt, việc đối phó đạt hiệu quả thấp.

    Cuộc càn Bơrơtanhơ kết thúc vào ngày 31-12-1952. Địch đã gây cho ta nhiều thiệt hại về người và của. Chúng giết gần 500 dân thường, bắt đi trên 1.000 thanh niên để bổ sung vào lính; đốt phá gần 1.500 tấn thóc, trên 5.000 nóc nhà, giết và cướp đi gần 500 trâu bò và hàng ngàn con lợn. Địch còn phá hỏng cống ngăn nước mặn nhằm huỷ hoại đồng ruộng, gây tổn thất lâu dài cơ sở kinh tế của ta... Qua cuộc càn này, địch đã thực hiện được một phần âm mưu tàn phá khu du kích và căn cứ du kích của ta; tiếp tục kìm kẹp, khống chế nhân dân vùng tạm chiếm; vơ vét sức người, trấn an tinh thần nguỵ quyền và binh lính của chúng bị sa sút. Song chúng cũng bị tiêu hao hàng chục đại đội và không đạt được những mục tiêu chủ yếu; không dựng lại được bọn tề, nguỵ; không làm thay đổi được thế bị uy hiếp. Khu du kích phía nam của tỉnh vẫn đứng vững. Đây là kết quả bước đầu của một năm xây dựng, củng cố khu căn cứ du kích; kết quả của việc vận dụng phương châm đấu tranh vùng địch hậu của Trung ương và kinh nghiệm chiến đấu của hội nghị tổng kết du kích chiến tranh tháng 7- 1952; là kết quả của công tác phục hồi, củng cố tổ chức Đảng và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng sau một năm mở khu du kích, xây dựng khu du kích.

    Ngay sau cuộc càn, Tỉnh uỷ Nam Định đã tổ chức kiểm điểm rút kinh nghiệm nhằm nâng cao trình độ chỉ đạo tác chiến cho các cấp và đề ra những nhiệm vụ quân sự trước mắt. Trên cơ sở nhận định, địch có thể càn trở lại để tiếp tục thực hiện ý đồ còn bỏ dở, Tỉnh uỷ đặt ra một số nhiệm vụ cụ thể chuẩn bị chống càn:

    - Giáo dục cho đảng viên, cán bộ, nhân dân thấy rõ âm mưu của thực dân Pháp; chống tư tưởng bi quan, ngại gian khổ.

    - Chấn chỉnh lực lượng, tổ chức học tập rộng rãi kinh nghiệm chống càn và chuẩn bị chu đáo kế hoạch tác chiến.

    - Chuẩn bị mọi mặt bảo vệ thanh niên, cất giấu thóc lúa, tiếp tục công tác giáo vận.

    - Xác định việc lãnh đạo chiến tranh du kích là nhiệm vụ chủ yếu của cấp uỷ; Bí thư phải trực tiếp chỉ đạo; phải tăng cường thêm cán bộ cho lực lượng vũ trang, bán vũ trang.

    Thực hiện chủ trương đó, các cơ quan chỉ huy quân sự tỉnh, huyện được củng cố và chỉnh huấn nhằm khắc phục tư tưởng hữu khuynh, nâng cao tinh thần chiến đấu và hiệu lực chỉ huy. Hệ thống nắm tình hình được tổ chức ở cả trong hàng ngũ địch giúp cho chỉ đạo nhạy bén, đúng đắn. Các địa phương còn triển khai một đợt phá hoại giao thông, hạn chế việc vận chuyển cơ giới của chúng; phá và bức rút một số bốt dõng vũ trang địch vừa dựng lại quanh Bùi Chu.

    Những chủ trương đúng đắn, kịp thời và hoạt động tích cực, đã tạo điều kiện cho cơ sở chủ động hơn trong những cuộc càn quét liên miên của địch trong năm 1953 ở các huyện phía nam Nam Định.

(Còn nữa)

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com