[links()]
(Tiếp theo)
Tới những tháng cuối năm 1952, trên địa bàn Nam Định, cuộc đấu tranh giữa ta và địch vẫn diễn ra quyết liệt trên mọi lĩnh vực. Địch cố giành thế chủ động, ráo riết thực hiện chính sách "dùng người Việt đánh người Việt, lấy chiến tranh nuôi chiến tranh". Ngược lại, ta vẫn bảo vệ và mở rộng khu du kích, không những tiêu hao, tiêu diệt được một bộ phận sinh lực địch mà còn chăm lo bồi dưỡng lực lượng lớn mạnh, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.
Tháng 9-1952, thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị, phát huy thắng lợi Chiến dịch Hoà Bình, thực hiện phương châm tránh chỗ mạnh, đánh chỗ yếu, tìm nơi sơ hở của địch mà đánh, quân ta mở cuộc tiến công vào Tây Bắc. Mục tiêu của chiến dịch này là tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, giải phóng một phần đất đai và xây dựng căn cứ địa Tây Bắc; đồng thời vẫn để một bộ phận chủ lực đi sâu vào sau lưng địch, phát triển chiến tranh du kích, mở rộng thêm các khu du kích.
Để phá sự chuẩn bị chiến dịch của ta, từ đầu tháng 10- 1952, tướng Salăng đã sử dụng một lực lượng lớn các binh đoàn cơ động mạnh, có máy bay, xe lội nước, pháo lớn yểm trợ, đánh vào khu vực Hà - Nam - Ninh.
Lực lượng dân công vận chuyển vũ khí, lương thực cho chiến dịch Hòa Bình năm 1951-1952. |
Ngay sau khi mở rộng được khu du kích, Tỉnh uỷ Nam Định nhận định, địch sẽ càn quét lớn nhằm giành lại những vùng đất bị mất và gỡ thế bị uy hiếp cho những vùng chúng còn đóng ở Nam Định. Vì vậy Tỉnh uỷ chủ trương phát động rộng rãi phong trào nhân dân chuẩn bị chống càn. Các lực lượng vũ trang chuẩn bị mọi mặt cho chiến đấu. Các tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể chuẩn bị mọi hoạt động để trong điều kiện có thể rất gay go, ác liệt vẫn bám đất, bám dân, bảo vệ khu căn cứ với hiệu quả cao nhất. Nhân dân tích cực cất giấu tài sản, lương thực và chuẩn bị mọi mặt phục vụ và tham gia chiến đấu.
Vừa chuẩn bị chống càn, quân và dân ở các địa phương vừa chủ động phối hợp với bộ đội chủ lực tiếp tục bao vây, uy hiếp bức địch rút một loạt vị trí như: Nam Trực, Ngọc Tỉnh (Nam Trực), núi Già (Ý Yên) và tiêu diệt một số vị trí khác là Lạc Quần (Xuân Trường), Vọc (Nam Trực), núi Bô (Ý Yên).
Bước vào Chiến dịch Tây Bắc, quân cơ động của địch bị hút lên chiến trường chính. Vùng chiếm đóng của chúng có nhiều sơ hở. Quân dân Nam Định tiếp tục tiến công các vị trí: Liêu Đông (Xuân Trường), Vô Tình (Trực Ninh), tiêu hao nặng đồn Cổ Ra (Nam Trực), An Cư (Xuân Trường) và diệt viện trên đường Vàng, đánh tan một tiểu đoàn Commăngđô, buộc địch phải rút các vị trí Cổ Ra, Thanh Khê, Tân Thành (Nam Trực).
Trước tình thế đó, cuối tháng 11-1952, thực dân Pháp buộc phải rút quân cơ động từ Tây Bắc về Nam Định và tổ chức cuộc càn lớn lấy tên là Bơrơtanhơ vào các khu căn cứ du kích phía nam tỉnh. Những tên cầm đầu đội quân viễn chinh Pháp và nguỵ quân như Salăng, Nguyễn Văn Hinh được điều về trực tiếp bày binh bố trận cho cuộc càn này. Một số tên phản động gian ác bỏ trốn khi ta mở khu du kích cũng theo địch trở về, cùng với một số bộ máy nguỵ quyền cấp huyện, xã đã được lắp sẵn, để khi địch càn tới đâu, chúng nắm lại quyền ở đó, nhằm khép kín chương trình bình định của thực dân Pháp trong cuộc hành quân này.
Để chuẩn bị cho cuộc càn Bơrơtanhơ, bọn phản động ở Bùi Chu đưa "quân thứ hành chính lưu động" của Giao Thuỷ về Ngô Đồng, Lạc Quần và Hải Hậu, tập hợp những tên tề lưu vong, giao nhiệm vụ thu lượm tình hình, tung tin địch càn để gây hoang mang trong nhân dân. Một số nơi, ban đêm, bọn phản động có vũ trang vào đe doạ cán bộ. Chúng tổ chức đường dây bí mật, thúc ép một số thanh niên theo đạo Thiên Chúa lên Bùi Chu. Nhiều nhà xứ ngấm ngầm chuẩn bị lương thực, thực phẩm... Ở vòng ngoài, thực dân Pháp thường xuyên cho máy bay, tàu chiến thám thính thăm dò, nhất là vùng ven biển. Chúng đổ bộ lên Gót Chàng hai lần để điều tra địa hình và dò la sự phản ứng của ta.
Phán đoán tình hình địch có thể càn lớn vào một số huyện phía nam, Tỉnh uỷ Nam Định chỉ thị cho các địa phương, các ngành tích cực chuẩn bị, thống nhất sự chỉ đạo từ tỉnh tới xã; kiểm tra lại kế hoạch chống càn. Tuy nhiên ta cũng chưa đánh giá hết được quy mô và khả năng của địch trong cuộc càn sắp tới.
Đầu tháng 12, thực dân Pháp tập trung 21 tiểu đoàn thuộc 5 binh đoàn cơ động, 50 khẩu pháo lớn, 550 xe cơ giới các loại, 22 máy bay, 8 tàu chiến càn quét liên tiếp vào mấy huyện phía nam cho tới cuối tháng. Khi địch mới càn đến Nam Trực, Trực Ninh, quân dân ta tập trung lực lượng nhằm bẻ gẫy từng cánh quân của chúng. Bộ đội chủ lực đánh tập kích ở Duyên Hưng, Bằng Hưng (Nam Trực), cầu Gai (Trực Ninh), diệt nhiều đại đội địch ở Bái Dương (Nam Trực), Nam Lạng, Cát Chử (Trực Ninh), hạn chế một phần bước tiến của chúng. Nhưng sau đó, địch tăng cường đánh phi pháo và mở những đợt tiến công ồ ạt. Bộ đội chủ lực của ta phải tạm lánh để bảo toàn lực lượng. Sau hai ngày, địch tiến đánh Xuân Trường, chúng đã càn đi, quét lại toàn huyện, rồi đánh xuống huyện Giao Thuỷ, Hải Hậu, miền hạ Nghĩa Hưng, sau đó chuyển lên Nam Trực, Trực Ninh nhằm bao vây "cất vó" bộ đội chủ lực của ta.
(Còn nữa)