[links()]
(Tiếp theo)
Ngày 18-3-1954, địch càn hai xã Mỹ Hưng và Mỹ Thịnh bắt hơn 1.000 thanh niên dồn vào khu vực bốt Đặng Xá, chuẩn bị đưa đi nơi khác. Chi bộ Đảng Mỹ Hưng liền phát động quần chúng đấu tranh. Gần 2.000 người, đa số là nữ thanh niên và một số cụ già, do các chị bồng con nhỏ trên tay dẫn đầu, rầm rộ tiến vào bốt Đặng Xá, hô vang khẩu hiệu đòi trả chồng, con. Bọn địch ngăn lại, đánh đập, bắn súng thị uy, nhưng đoàn người vẫn tràn vào. Chúng cho xe từ trong bốt phóng ra. Các mẹ, các chị kiên quyết cản lại. Một số người đã nằm trước mũi xe không cho địch rút chạy. Trước sức đấu tranh quyết liệt của đồng bào, địch phải thả 1.250 người, phần lớn là thanh niên ở các huyện Vụ Bản, Ý Yên, Mỹ Lộc. Khu uỷ Liên khu III đã biểu dương: "Đây là cuộc đấu tranh lớn và rất anh dũng".
Trước những thất bại ngày càng to lớn trên chiến trường Đông Dương và nhất là thất bại không thể tránh khỏi ở Điện Biên Phủ, thực dân Pháp và can thiệp Mỹ buộc phải chấp nhận đàm phán hoà bình với Chính phủ ta.
Ngày 4-5-1954, đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà do đồng chí Phạm Văn Đồng làm Trưởng đoàn, đã đến Giơnevơ để tham dự Hội nghị bàn về vấn đề hoà bình ở Đông Dương.
Với trên 2 vạn người đoàn dân công xe thồ ngày đêm vận chuyển lương thực phục vụ tiền tuyến. |
Với tư thế của một dân tộc anh hùng đang chiến thắng, từ trên diễn đàn Hội nghị Giơnevơ, đồng chí Phạm Văn Đồng đã nghiêm khắc lên án cuộc chiến tranh phi nghĩa của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ ở Đông Dương và tuyên bố lập trường của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà về việc lập lại hoà bình ở Việt Nam và Đông Dương là đi tới một giải pháp hoàn chỉnh: đình chỉ chiến sự trên toàn Đông Dương đi đôi với một giải pháp chính trị cho vấn đề Việt Nam, vấn đề Lào và vấn đề Campuchia, trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của mỗi nước ở Đông Dương.
Cùng với quân dân cả nước, ở Nam Định, các cuộc đấu tranh chính trị lên án chính sách, tội ác của thực dân Pháp, đòi lập lại hoà bình ở Đông Dương dấy lên sôi nổi từ vùng căn cứ du kích tới vùng bị tạm chiếm. Ngay ở thành phố Nam Định, nhiều cuộc diễn thuyết xung phong nổ ra liên tiếp ở Nhà máy sợi, chợ Rồng... tiếp theo đó là phong trào lấy chữ ký và kiến nghị đòi độc lập và hoà bình được tổ chức sâu rộng (có cả cảnh binh tham gia) ở nhiều địa phương trong tỉnh. Nhiều truyền đơn kêu gọi phản chiến, bỏ ngũ đã bay vào các trại lính của giặc. Trong không khí đấu tranh chính trị sôi nổi đó, 700 học sinh trường Hồ Ngọc Cẩn ở Bùi Chu cũng bãi khoá chống lệnh tổng động viên của địch.
Cùng thời gian này, Chi bộ Nhà máy sợi Nam Định đã tổ chức cuộc mít tinh lớn ở cổng nhà máy, có 2.000 công nhân tham dự. Cuộc mít tinh đã biến thành cuộc tuần hành thị uy, toả ra khắp các đường phố, lôi cuốn hàng ngàn đồng bào tham gia. Đoàn người giương cao cờ và hô vang các khẩu hiệu: "Phản đối vây ráp, bắt lính và thu thuế", "ủng hộ lập trường của phái đoàn nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tại Hội nghị Giơnevơ", "Hoà bình ở Đông Dương", "Phản đối đế quốc Mỹ can thiệp trắng trợn vào Đông Dương".
Ngày 27-5 dưới sự chỉ đạo của chi bộ cơ sở, hàng trăm ngưòi dân ở xã Lộc Hạ (ngoại thành Nam Định) đã khiêng thi hài một cán bộ xã bị địch bắn chết vào tận dinh Tỉnh trưởng nguỵ quyền, tố cáo tội ác và đòi bồi thường. Cuộc đấu tranh đã có hàng trăm đồng bào thành phố tham gia, biến đám tang thành cuộc tuần hành, khơi dậy và thổi bùng ngọn lửa căm thù giặc của nhân dân ở ngay trung tâm đầu não của bọn thống trị ở địa phương. Địch đã phải nhượng bộ và đáp ứng một số yêu cầu của cuộc đấu tranh này.
Các cuộc đấu tranh chính trị sâu rộng, mạnh mẽ của nhân dân ở khắp nơi trong tỉnh làm thực dân Pháp và tay sai thêm hoang mang lo sợ. Sự phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả giữa đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang trong giai đoạn này, đã làm cho hệ thống nguỵ quân, nguỵ quyền ở địa phương càng thêm rệu rã. Thắng lợi to lớn của quân và dân Nam Định trên mặt trận chính trị, quân sự đã đưa cuộc chiến tranh nhân dân ở địa phương đến đỉnh cao, góp phần giam chân hai binh đoàn cơ động số 4 và số 5 cùng binh đoàn cơ động nguỵ số 31, tạo thuận lợi cho quân và dân ta ở mặt trận Điện Biên Phủ tiêu diệt địch.
Vừa đẩy mạnh đấu tranh chính trị, quân sự ở địa phương, Đảng bộ và quân dân trong tỉnh vừa tích cực sản xuất, đấu tranh kinh tế với địch để có đủ sức người, sức của chi viện cho chiến trường Điện Biên Phủ. Địch tăng cường phá hoại sản xuất của nhân dân ta, nhất là ở các vùng quanh đồn bốt và ven các đường giao thông; nhiều lần chúng thả côn trùng gây sâu bệnh, phá hoại mùa màng, hòng làm suy yếu tiềm lực kinh tế của kháng chiến. Chúng cấm dân cày, làm hàng ngàn mẫu ruộng bị hoang hoá; đồng thời cho xe cóc quần nát gần 1.000 mẫu lúa đang lên xanh tốt... Tỉnh uỷ Nam Định đã lãnh đạo nhân dân đấu tranh với địch bằng nhiều hình thức để bảo vệ sản xuất. Ban ngày địch kiểm soát, không cho làm, ta chuyển làm đêm; tổ chức nhân dân cản xe cóc của địch phá hoại lúa; bố trí phụ nữ, trẻ em kêu khóc, nằm ra ruộng không cho địch cắt lúa... Chính quyền còn tổ chức điều hoà nhân công, mạ cấy cho những nơi thiếu giống, vốn; khơi luồng trâu bò từ vùng tự do về bán cho những người thiếu sức kéo; tổ chức phòng chống sâu bệnh cho lúa... Vì vậy mặc dù còn bị hoang hoá 5.739 mẫu ruộng, nhưng so với năm trước Nam Định đã cấy thêm được 3.529 mẫu, đưa diện tích vụ chiêm năm 1954 lên 115.973 mẫu. Cuối tháng 5-1954, Nam Định đã đóng được 9.348 tấn thóc thuế nông nghiệp, đạt 80% mức huy động cả năm và vượt mức chỉ tiêu Liên khu giao. Riêng huyện Giao Thuỷ vượt mức 180,8 tấn.
(Còn nữa)