Chi viện tiền tuyến, chủ động tiến công tiêu diệt địch, giải phóng quê hương (Kỳ 3)

07:06, 23/06/2015

[links()]

(Tiếp theo)

    Thực hiện chủ trương tiến công chiến lược trong Đông - Xuân 1953 - 1954 của Bộ Chính trị, ngay trong mấy tháng đầu năm 1954, quân ta liên tiếp tổ chức đợt tiến công lớn vào Lai Châu, Tây Nguyên và cùng bộ đội nước bạn đánh vào Trung Lào, Thượng Lào và Đông Bắc Campuchia. Ở tất cả các chiến trưòng đó, chúng ta giành thắng lợi to lớn và làm cho kế hoạch tập trung lực lượng cơ động ở đồng bằng Bắc Bộ của Nava từng bước bị phá sản.

    Khắc phục những thiếu sót và hạn chế, nắm bắt thời cơ thuận lợi, nhân dân trong tỉnh đã tích cực chuẩn bị mọi mặt phối hợp với chiến trường chính tiến công tiêu diệt, tiêu hao sinh lực địch. So với Thu - Đông năm 1953, đến đầu năm 1954, lực lượng du kích ở Nam Định đã tăng lên gấp đôi, đồng thời tin tức chiến thắng Đông - Xuân trên khắp các chiến trường và những thắng lợi thực hiện chủ trương của Đảng, Chính phủ phát động quần chúng triệt để giảm tô, thực hiện giảm tức... đã động viên mạnh mẽ tinh thần phấn khởi của quân dân trong tỉnh, ở hầu hết các địa phương, lực lượng vũ trang và bán vũ trang liên tiếp tổ chức tiến công địch và giành thắng lợi. Tháng 2-1954, Đại đội 45 và Đại đội 91, bộ đội tỉnh thọc sâu, vận động nhanh, đánh địch đóng quân ở Trà Trung và Hành Thiện (Xuân Trưòng). Ở huyện Giao Thuỷ, chỉ trong 10 ngày, bộ đội địa phương tỉnh đã tổ chức đánh sáu trận phục kích quân địch từ Bùi Chu đi cứu viện cho vị trí Thức Hoá.

    Trận nội ứng chiến, kết hợp với cường tập tiêu diệt vị trí Quy Phú (Nam Trực) và trận vận động phục kích một đơn vị địch giải vây cho Đông Biên (Hải Hậu), tiêu diệt một đại đội ở Cầu Đôi là những tiến bộ mới về chiến thuật, kỹ thuật và cách đánh mới của bộ đội ta trong điều kiện địch có trang bị vũ khí tốt hơn và có công sự cố thủ kiên cố.

    Bộ đội địa phương huyện đã vươn lên độc lập tác chiến trong nhiều trận, bao vây thưòng xuyên, chặt chẽ các vị trí còn lại trong khu du kích, hạn chế các cuộc sục sạo của địch, tạo điều kiện cho bộ đội chủ lực, bộ đội tỉnh tập trung tiêu diệt các vị trí trọng điểm.

    Ngày 7-2, địch điều hai tiểu đoàn cơ động số 4 và số 5 càn quét, truy lùng chủ lực ta. Ngay hôm đó, tại Duy Tân (Vụ Bản), Tiểu đoàn Bến Hiệp (Đại đoàn 320) cùng du kích các thôn Phú Thôn, Bàn Kết chiến đấu suốt một ngày, tiêu diệt nhiều sinh lực địch. Cùng ngày, tại thôn Thái La (xã Quang Trung, Vụ Bản), Đại đội 60 (Tiểu đoàn 71) và Đại đội 26 huyện Vụ Bản, phục kích tiêu diệt 300 tên. Địch đã phải dùng cả máy bay để chở xác đồng bọn.

    Bị thủng một mảng lớn ở phòng tuyến sông Đáy, đường 10, bị uy hiếp, địch tăng cường củng cố các vị trí trọng yếu trên đường số 1, đường 21. Để phá tan âm mưu này, ta chủ động tiến công đồng loạt tất cả các tuyến giao thông thuỷ, bộ của địch. Không một ngày nào mà xe, tàu của địch không bị đánh. Những con đường giao thông từ thành phố Nam Định đi thị xã Phủ Lý toả đi các hướng thường xuyên trở thành nỗi kinh hoàng đối với quân giặc, cả ba thứ quân của ta đều có cách đánh sáng tạo, phong phú, phù hợp với khả năng và sở trường tác chiến của mình. Nhiều đơn vị địa phương còn đề ra chỉ tiêu diệt xe cơ giới và thường xuyên luân phiên nhau bám sát mặt đường đánh địch.

    Cũng trong thòi gian này, dân quân du kích ở các địa phương có bước trưởng thành mau chóng, chẳng những anh chị em đã phối hợp một cách nhịp nhàng, có hiệu quả với bộ đội trong các trận đánh lớn mà còn phát triển được nhiều hình thức tác chiến rất linh hoạt, thay thế bộ đội huyện vây hãm các vị trí; độc lập tác chiến quấy rối, đánh mìn, nghi binh địch trên các tuyến giao thông huyết mạch. Du kích các xã Xuân Bắc, Xuân Thuỷ (Xuân Trường) táo bạo đột kích vào Bùi Chu, Phú Nhai, Thuỷ Nhai diệt vọng gác; vũ trang tuyên truyền sát vị trí địch. Du kích Nghĩa Hưng, sau khi địch rút khỏi huyện đã chủ động qua sông Đáy phối hợp với lực lượng vũ trang Ninh Bình, vũ trang tuyên truyền gây cơ sở trong vùng tạm chiếm, diệt vị trí Hoà Lạc...

    Nhân tinh thần địch hoang mang, Tỉnh uỷ đã chỉ đạo chặt chẽ các cuộc đấu tranh chính trị, chống địch bắt lính và công tác binh vận. Ta đã vận động, tổ chức nhiều gia đình nguỵ binh đi thăm hỏi và đòi chồng con trở về. Có huyện có từ 600 đến 700 gia đình hưởng ứng. Ở ấp Xuân Thuỷ và xã Hải Triều (Hải Hậu), cùng lúc trên một trăm người nhà nguỵ binh kéo lên vị trí Đông Biên, buộc bọn sĩ quan phải cho gặp chồng con. Sau đó 60 binh sĩ đã bỏ trốn. Chỉ trong mấy tháng đầu năm 1954, trên địa bàn Nam Định đã có hàng ngàn nguỵ binh và hương dũng đào ngũ, hàng ngàn thanh niên bị bắt lính bỏ trốn trở về; hàng chục lính Âu - Phi ra hàng. Hàng ngũ nguỵ quân và hệ thống nguỵ quyền rệu rã, suy sụp thảm hại. Càng thất bại nặng nề, lực lượng của địch ngày càng hao hụt nghiêm trọng do thương vong và do binh lính đào ngũ. Vì vậy chúng phải ra sức đôn quân bắt lính. Chỉ trong sáu tháng đầu năm 1954, trong toàn tỉnh địch đã càn bắt 8.000 thanh niên. Thậm chí, chúng phải lấy cả 600 "tù" là những người bị chúng giam trong Nhà tù Máy Chai (Nam Định) bổ sung vào lính. Địch còn cưỡng ép hàng trăm phụ nữ vào "khinh quân" ở các địa phương. Nhận rõ âm mưu của kẻ thù, các cấp bộ Đảng và nhân dân trong tỉnh đã đẩy mạnh công tác tổ chức, vận động chống địch bắt lính, nhất là ở những nơi chúng còn có khả năng huy động lực lượng vây bắt thanh niên bổ sung quân số đang ngày càng thiếu hụt nghiêm trọng. Đông - Xuân 1953-1954, nhân dân Nam Định đã đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống địch bắt thanh niên đi lính. Điển hình là cuộc đấu tranh của nhân dân xã Mỹ Hưng (Mỹ Lộc).

(Còn nữa)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com