Chi viện tiền tuyến, chủ động tiến công tiêu diệt địch, giải phóng quê hương (Kỳ 2)

06:06, 18/06/2015

[links()]

(Tiếp theo)

    Trải qua một năm chiến đấu mở rộng khu du kích và chống càn, cả ba thứ quân có bước trưởng thành, lại được chuẩn bị chu đáo nên đợt chống càn này ta đã hiệp đồng chặt chẽ, đánh địch 182 trận lớn, nhỏ, diệt gần 1.000 tên, hạ một máy bay, phá huỷ 12 xe cơ giới. Trong lúc cuộc chiến tranh đang diễn ra ác liệt ở mặt trận vùng nông thôn, thì quân dân thành phố Nam Định đã phối hợp với bộ đội chủ lực đánh tập kích khu Bắc Tế (nơi hai tiểu đoàn địch đang tập trung huấn luyện), đánh tan một tiểu đoàn, diệt một đại đội, thu gần 200 súng. Cuộc càn Bidông hoàn toàn thất bại. Địch không những không bao vây tiêu diệt được lực lượng vũ trang của ta mà còn bị quân dân ta tiêu hao nặng nề. Quân chiếm đóng của địch càng lâm vào thế bị bao vây, uy hiếp trầm trọng hơn.

    Như vậy bước vào chiến dịch Đông - Xuân năm 1953- 1954, trên địa bàn Nam Định, quân và dân ta đã giành nhiều thắng lợi to lớn trong các cuộc chiến đấu, chống kế hoạch càn quét, bình định của giặc Pháp. Quân địch chẳng những thất bại về quân sự mà còn thất bại cả trong âm mưu chính trị thâm độc, câu kết với bọn phản động trong giáo hội Thiên Chúa, sử dụng chúng làm những tên lính xung kích gây chia rẽ đoàn kết lương - giáo và làm lực lượng chủ yếu thực hiện âm mưu chiếm đóng. Bọn phản động tại chỗ cũng không còn là chỗ dựa cho kế hoạch bình định của địch, vì về căn bản chúng đã bị ta truy quét khi mở khu du kích. Địch bày ra các trò "trao trả quyền chỉ huy tỉnh Bùi Chu" cho nguỵ quân, "Bầu cử Hội đồng hàng tỉnh Bùi Chu", "Cải cách điền địa" và nặn ra cái gọi là "Thanh niên cứu quốc", "Thanh niên dân chủ", "Thanh niên công giáo", "Phụ nữ Việt Nam"... hòng lừa gạt, lôi kéo giáo dân, nhưng tất cả đều bị phá sản.

   Bộ đội Đại đoàn 316 hành quân lên Tây Bắc trong Chiến cuộc Đông-Xuân 1953-1954. Ảnh tư liệu
Bộ đội Đại đoàn 316 hành quân lên Tây Bắc
trong Chiến cuộc Đông-Xuân 1953-1954. Ảnh tư liệu

    Sau một năm mở rộng khu du kích và chống càn, mặc dầu có lúc, có nơi còn lúng túng, tổ chức chiến đấu chưa thật hiệu quả, song Đảng bộ và quân dân trong tỉnh đã có bước trưởng thành nhanh chóng. Sự phối hợp của ba thứ quân ngày càng nhịp nhàng, càng đánh càng mạnh, làm cho địch phải lùi vào thế bị bao vây uy hiếp nghiêm trọng. Đáng chú ý là lực lượng du kích ở các địa phương trong đó có nhiều đội du kích vùng Thiên Chúa giáo đã phát triển cả về số lượng, trang bị và khả năng độc lập tác chiến. Tiêu biểu như du kích xã Hồng Phong (Nghĩa Hưng) đã đánh trên 100 trận. Theo thống kê chưa đầy đủ, thời gian này quân dân Nam Định đã đánh địch gần 1.600 trận, diệt 9.000 tên, phá huỷ 76 xe cơ giới, 2 máy bay, 8 tàu chiến, thu gần 1.000 súng và nhiều quân trang quân dụng khác.

    Vừa tổ chức toàn dân chống càn, Đảng bộ Nam Định vừa chú ý phát động quần chúng phá hoang, đẩy mạnh sản xuất và tiết kiệm. Chính quyền các địa phương đã xuất hơn 1.000 tấn thóc cứu đói lúc giáp hạt, tạm giao, tạm cấp hàng ngàn mẫu ruộng cho nông dân nghèo; chỉ đạo tích cực thi hành chính sách giảm tô, đem lại quyền lợi chính đáng cho người nông dân. Phấn khởi trước những quyền lợi do cách mạng đem lại, nông dân giáo cũng như lương rất hăng hái thực hiện nghĩa vụ đóng góp thuế nông nghiệp. Nhiều thôn ở sát đồn bốt địch vẫn mang thóc ra khu căn cứ đóng thuế cho Chính phủ. Thôn Nam Hưng, một thôn công giáo toàn tòng ở huyện Nam Trực chỉ trong hai giờ đã thực hiện nhanh, gọn mức thuế được giao. Vì vậy đã có thóc dự trữ nuôi cán bộ, bộ đội kháng chiến.

    Trong khói lửa chiến tranh ác liệt, chúng ta vẫn cố gắng duy trì các hoạt động y tế, giáo dục, tạo điều kiện cho hàng chục ngàn học sinh tới lớp.

    Với những thắng lợi toàn diện của cuộc kháng chiến trong giai đoạn này, ta đã bảo vệ, củng cố được khu du kích thêm vững mạnh mọi mặt. Thắng lợi về quân sự đã đẩy lùi một bước âm mưu "Dùng người Việt đánh người Việt" của địch và tạo ra sự chuyển hoá về thế và lực giữa ta và địch ở địa phương. Ta ngày càng chủ động, mạnh lên. Địch ngày càng suy yếu, bị động đối phó.

    Đó là những thành tích to lớn, tạo đà cho quân dân địa phương tiến lên giành thắng lợi quyết định trong Xuân - Hè năm 1954.

    Ở thành phố Nam Định từ tháng 12-1953, sau khi quân cơ động rút đi, lực lượng "khinh quân" cũng như "địa phương quân" hoàn toàn lâm vào thế bị động, co cụm trong một số vị trí và củng cố công sự phòng thủ.

    Bước sang năm 1954, trong hai tháng đầu, các hoạt động tác chiến của ta có giảm đi. Một phần vì ta phải kiện toàn lực lượng sau một năm chống càn quyết liệt; một phần vì không kịp thời chuyển hướng chiến thuật phù hợp với yêu cầu tác chiến. Trong khi địch chuyển vào cố thủ, ta vẫn chỉ phục kích chờ địch ra mới đánh hoặc loay hoay với cách đánh tập kích trong làng xóm. Nhưng nguyên nhân chủ yếu là do Đảng bộ, quân và dân ta chưa quán triệt sâu sắc nhiệm vụ của chiến dịch Đông - Xuân, chưa linh hoạt nhạy bén tìm phương thức tiến công địch đạt hiệu quả, khi cục diện tình hình đã có sự thay đổi.

    Trước thực tế đó, Tỉnh uỷ Nam Định đã kịp thời mở Hội nghị quân sự toàn tỉnh, rút kinh nghiệm việc chỉ đạo hoạt động quân sự, xác định nhiệm vụ tác chiến trước mắt. Về chiến thuật, Hội nghị chủ trương chuyển hướng chiến thuật từ phục kích ra vận động tập kích; từ tập kích trong thôn xóm ra tập kích vào cứ điểm nhỏ, diệt từng bộ phận. Đồng thời Hội nghị còn chủ trương phát triển đánh nội ứng, đánh biệt kích, chông càn nhỏ, đánh địch sục sạo quanh vị trí và tiến tới nhanh chóng bao vây các đồn bốt của địch khi có điều kiện.

(Còn nữa)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com