Chi viện tiền tuyến, chủ động tiến công tiêu diệt địch, giải phóng quê hương (Kỳ 1)

07:06, 16/06/2015

[links()]

    Sau gần tám năm theo đuổi cuộc chiến tranh Đông Dương, nước Pháp đã tốn phí 1.500 tỷ phơrăng và quân số thương vong lên tới gần 30 vạn. Tâm lý thất bại, mệt mỏi không chỉ tràn ngập trong tư tưởng binh lính Pháp ở Đông Dương mà còn ở cả trong các chính giới và nhân dân Pháp. Phong trào đòi chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam ngày càng lan rộng trên đất Pháp và các nước Bắc Phi.

    Trước tình hình đó, Pháp buộc phải xin thêm viện trợ Mỹ nhằm cố sức tạo sự thay đổi cục diện chiến trường có lợi cho chúng. Năm 1953, với viện trợ Mỹ được tăng gấp hơn năm lần so với năm 1950, Pháp tăng thêm viện binh sang Đông Dương và tăng thêm quân nguỵ. Đến mùa xuân 1954, tổng số quân địch lên tới 480.000 tên.

    Tháng 5-1953, Chính phủ Pháp cử tướng Nava, Tổng tham mưu trưởng lục quân khối Bắc Đại Tây Dương làm Tổng chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương. Tháng 7-1953, Hội đồng Chính phủ và Hội đồng quốc phòng Pháp thông qua kế hoạch quân sự của Nava. Chính phủ Pháp giao trách nhiệm cho Nava phải tạo ra "những điều kiện quân sự làm cơ sở cho một giải pháp chính trị có danh dự". Kế hoạch tác chiến của Nava được chia làm hai bước:

    Bước thứ nhất, trong Thu - Đông 1953 và mùa xuân năm 1954 giữ vững thế phòng ngự chiến lược ở phía bắc vĩ tuyến 18 và tránh đương đầu với quân chủ lực của ta; xây dựng đội quân chủ lực, đồng thời thực hiện tiến công ở phía nam vĩ tuyến 18 để bình định miền Nam và miền Trung Đông Dương, xoá bỏ vùng tự do Liên khu V.

    Bước thứ hai, khi đã có ưu thế về lực lượng cơ động, thì mùa thu năm 1954, chuyển toàn bộ lực lượng ra phía bắc, mở cuộc tiến công chiến lược giành những thắng lợi quân sự to lớn, gây sức ép buộc ta phải nhận đàm phán theo những điều kiện do chúng đề ra. Nếu không, chúng sẽ tiếp tục tiến công và tiêu diệt ta.

    Cả Pháp và Mỹ đều hý hửng trông chờ vào "kế hoạch Nava". Chúng hy vọng chỉ trong 18 tháng sẽ giành lại được thế chủ động chiến lược và chuyển bại thành thắng. Nava tuyên bố "Không chấp nhận một sự rút lui nào hết!". Trong cả hai bước "kế hoạch Nava" đều coi vùng đồng bằng Bắc Bộ nói chung và khu vực Nam Định, Hà Nam nói riêng là một địa bàn chiến lược quan trọng.

    Căn cứ vào cục diện chiến trường toàn quốc Đông - Xuân 1953-1954, Trung ương Đảng đề ra phương châm chiến lược là tập trung tiến công vào những hướng chiến lược quan trọng địch tương đối yếu, giải phóng một phần đất đai, đồng thời buộc địch phải phân tán lực lượng, đối phó với ta trên những điểm xung yếu, tạo điều kiện để diệt thật nhiều sinh lực địch. Đối với vùng sau lưng địch, chủ trương của Trung ương là phải đẩy mạnh chiến tranh du kích ở khắp các chiến trường, nhằm giam chân quân cơ động và tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch.

    Thi hành Chỉ thị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tỉnh uỷ Nam Định đã đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm trong Đông - Xuân 1953-1954 là: phối hợp với chiến trường chính, đẩy mạnh chiến tranh du kích, tiêu hao sinh lực địch, mở rộng khu du kích; tích cực chống địch bắt lính, tổ chức tốt các đội dân công phục vụ chiến trường và tiếp tục thực hiện chính sách ruộng đất.

    Nhằm giải toả cho các đồn bốt đang bị bao vây uy hiếp và vực cho quân nguỵ, nhất là lực lượng "khinh quân" có thể độc lập tác chiến, cuối tháng 9-1953, địch đưa sáu tiểu đoàn "khinh quân" càn quét huyện Hải Hậu và phía nam huyện Trực Ninh. Song quân và dân ta đã kịp thời bẻ gãy các mũi tiến quân, làm chúng phải bỏ chạy về Đông Biên, Ninh Cường. Thừa thắng, quân ta truy kích địch và đánh tập kích vị trí Văn Lý, Đại Đồng, tiêu diệt và bắt sống ba tiểu đoàn, buộc chúng phải rút các vị trí Đài Môn, Thuận Hậu, Ninh Cưòng, Văn Lý, Đại Đồng. Hệ thống vành đai cứ điểm vùng duyên hải mà địch vừa mới dựng lên được mấy tháng đã bị quân dân ta phá tan. Âm mưu dùng "khinh quân" lấn chiếm khu căn cứ du kích bước đầu bị phá sản. Với những thành tích đó, quân và dân Nam Định đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh biểu dương và được Chính phủ tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Ba.

    Để phát huy thắng lợi, Tỉnh uỷ Nam Định chủ trương đẩy mạnh công tác tư tưởng, chống các biểu hiện chủ quan khinh địch, lơ là cảnh giác; đồng thòi chỉ đạo chặt chẽ việc chuẩn bị ứng phó với mọi tình thế chiến sự ác liệt. Một lần nữa, Tỉnh uỷ lại mở hội nghị học tập, quán triệt nghị quyết của Trung ương về công tác vùng địch, phổ biến kinh nghiệm đối phó với địch cho cán bộ các ngành, các cấp.

    Cuối tháng 11-1953, thực dân Pháp lại đưa về bốn binh đoàn cơ động, bốn tiểu đoàn "khinh quân", trên 300 xe cơ giới cùng với lực lượng "khinh quân" ở địa phương, mở cuộc càn Bidông từ ngày 21 đến ngày 27 trên địa bàn bốn huyện: Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Nam Trực, Trực Ninh.

(Còn nữa)

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com