Hồi tưởng lại những năm tháng gian khổ, ác liệt nhưng rất hào hùng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông Hoàng Đình Kha, nguyên Giám đốc Sở Xây dựng cho biết: Năm 1965, khi giặc Mỹ leo thang ra bắn phá ra miền Bắc, ngành Xây dựng cùng với nhân dân trong tỉnh bước vào một trận tuyến mới với nhiệm vụ chiến lược: Vừa chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, vừa củng cố hậu phương lớn miền Bắc, chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam, góp phần đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Trong những năm tháng ấy, ngành Xây dựng đã tập trung cho các nhiệm vụ chính trị như: Xây hầm đảm bảo nơi làm việc an toàn cho Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, Hầm chỉ huy của Thành ủy Nam Định, Khu chỉ huy Nhà máy Liên hợp Dệt Nam Định, Cửa hàng cắt tóc dưới hầm, Cửa hàng ăn uống dưới hầm và các cơ quan của tỉnh ở nơi sơ tán; cùng với quân dân thành phố triển khai phương án bảo vệ Nhà máy Liên hợp Dệt Nam Định chống phá hoại của máy bay Mỹ ném bom bằng các bức tường bê tông đá hộc bao quanh, bảo vệ và xây dựng cơ sở mới nơi sơ tán để tiếp tục duy trì sản xuất. Nhiều công trình xây dựng tại thành phố, nơi sơ tán và vùng nông thôn, bất chấp bom đạn và bao khó khăn thời chiến vẫn bảo đảm chất lượng kỹ, mỹ thuật, đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương như: Xí nghiệp vôi Lạc Quần với hệ thống lò liên hoàn công suất lớn, Nhà máy ươm tơ sông Ninh… Hàng trăm công trình xây dựng được mọc lên, trong đó có hàng chục công trình hầm hào, lán trại sơ tán cho Tỉnh uỷ, UBND tỉnh và các ban, ngành của tỉnh. Hòa trong không khí quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược của cả nước, trong những năm tháng ấy đã có nhiều cán bộ, công nhân ngành Xây dựng tỉnh nhập ngũ ra tiền tuyền đánh giặc.
Một góc Thành Nam hôm nay. |
Ở hậu phương, thực hiện khẩu hiệu “tay bay, tay súng”, giữa khói lửa bom đạn kẻ thù đã xuất hiện những đơn vị anh hùng. Tiêu biểu là Cty Cấp nước Nam Định (nay là Cty TNHH một thành viên Kinh doanh nước sạch Nam Định) đã được trao tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Một cán bộ lão thành của Cty cho biết: Trong những năm chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ra miền Bắc, Cty đã thành lập trung đội tự vệ gồm 36 đồng chí, chia làm 3 tiểu đội duy trì sản xuất, chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Cán bộ, CNV và lực lượng tự vệ Nhà máy Nước Nam Định đã không quản ngại hy sinh gian khổ, dũng cảm, sáng tạo, khắc phục hậu quả chiến tranh, giữ vững dòng nước phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh trong điều kiện máy bay Mỹ đánh phá ác liệt. Xác định: “Máy bay Mỹ đánh bất cứ nơi nào trong thành phố là đánh vào Nhà máy”, cán bộ, CNV nhà máy đã anh dũng kiên cường vượt qua hơn 500 trận ném bom của giặc Mỹ trên địa bàn tỉnh, đảm bảo “Dòng nước cấp cho thành phố như dòng máu trong cơ thể của mình, không được ngừng chảy”; đào đắp hơn 3.500m3 đất đá; thay thế sửa chữa lắp đặt hơn 10km đường ống cấp nước, tham gia hàng nghìn ngày công cùng các lực lượng xây dựng của thành phố đào đắp hàng trăm hố cá nhân, hàng nghìn mét giao thông hào, khắc phục hậu quả do bom Mỹ gây ra, vận chuyển súng đạn, thương binh; góp phần cùng lực lượng vũ trang toàn tỉnh bắn rơi 120 máy bay, tiêu diệt và bắt sống nhiều giặc lái Mỹ. Được sự chỉ đạo của Sở Xây dựng, Nhà máy nước Nam Định đã xây dựng thêm một trạm bơm ở góc tây nam hồ Vị Xuyên công suất 250m3/h; tự tổ chức dây chuyền sản xuất hóa chất từ cao lanh tại chỗ phục vụ cho sản xuất nước sạch; xây dựng bể chứa nước 2.000m3 tại Nhà máy, đảm bảo cung cấp nước phục vụ cho 10 vạn dân và các nhà máy, cơ sở sản xuất trên địa bàn Thành phố Nam Định.
Ngày 30-4-1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất. Trong niềm vui chung của quân và dân cả nước, ngành Xây dựng tỉnh phấn khởi tự hào vì đã tích cực góp phần vào thắng lợi chung của cả dân tộc. Thực hiện lời dạy của Bác Hồ “Xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”, trong những năm thực hiện công cuộc đổi mới, được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, ngành Xây dựng tỉnh tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang, ghi dấu ấn bằng việc quy hoạch xây dựng Thành phố Nam Định thành đô thị loại I trực thuộc tỉnh và tiến tới trở thành Trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng trong tương lai. Bộ mặt đô thị trong tỉnh đổi thay rõ rệt, theo hướng phát triển bền vững, đồng bộ, hiện đại, mở rộng về quy mô, xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật - xã hội phù hợp; chất lượng đô thị ngày càng được nâng cao. Ngành Xây dựng tỉnh đã có bước phát triển theo hướng hiện đại, cả trong lĩnh vực xây dựng công trình, vật liệu xây dựng, kiến trúc và quy hoạch xây dựng, phát triển đô thị và nhà ở. Năng lực xây dựng công trình có nhiều tiến bộ, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu về xây dựng, kể cả những công trình quy mô lớn, đòi hỏi chất lượng cao, công nghệ hiện đại ở trong và ngoài tỉnh, góp phần xứng đáng trong công cuộc đổi mới đất nước./.
Bài và ảnh: Đức Toàn