[links()]
(Tiếp theo)
Đêm 19-2-1952, Trung đoàn 46 tiến vào nhổ bốt Ninh Cường và Thái Lãng (Trực Ninh), sau đó nhổ nốt vị trí Văn Đàn (Hải Hậu). Ngày 24-2-1952, tại Liêu Đông (Xuân Trường) quân địch từ trong đồn kéo ra lùng sục, càn quét. Chi bộ Đảng đã kịp thời lãnh đạo dân quân, du kích chặn đánh. Địch hoảng sợ bỏ chạy, quân ta bao vây chặn lối về đồn, vừa uy hiếp tinh thần, vừa kêu gọi binh lính địch đầu hàng về với nhân dân. Chính quyền địch sụp đổ. Chính quyền kháng chiến hoạt động công khai, quản lý một vùng rộng lớn từ Cát Xuyên đến Ngô Đồng. Cũng thời gian này, quân dân Xuân Trường phối hợp với bộ đội chủ lực tiêu diệt vị trí Lạc Quần, đánh sâu vào Bùi Chu, phá trại giam Lục Thuỷ, giải thoát nhiều cán bộ, bộ đội bị giam cầm ở đây.
Được bộ đội chủ lực dìu dắt, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Khu uỷ và Tỉnh uỷ, lực lượng vũ trang địa phương Nam Định ngày càng trưởng thành và lớn mạnh; từ ba đại đội đã phát triển lên thành Tiểu đoàn 66 bao gồm bốn đại đội (C91, C77, C33 và C21). Từ khi ra đời, Tiểu đoàn 66 được nhân dân che chở đùm bọc, phối hợp tiến công địch, mở khu du kích hành lang qua địa bàn, nối vùng tự do Ninh Bình, Thanh Hoá với khu tả ngạn sông Hồng, bảo đảm cho bộ đội chủ lực phát huy khả năng tác chiến ngày một lớn hơn.
Bộ đội xung kích đột phá khẩu trong chiến dịch Tây Bắc, năm 1952. |
Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Khu uỷ, bằng sự phấn đấu nỗ lực vượt bậc của quân và dân địa phương, ta đã mở được khu du kích và khu căn cứ du kích rộng lớn nối liền khu A, B Mỹ Lộc, Vụ Bản và bắc Ý Yên xuống Nam Trực, Trực Ninh, qua miền trung, miền hạ Nghĩa Hưng, đến Hải Hậu, nam Xuân Trường và Giao Thuỷ. Cả chủ lực và quân dân địa phương đã diệt và bức rút 40 vị trí Âu - Phi và bảo chính đoàn, 87 bốt dõng vũ trang (trong số 103 bốt toàn tỉnh). Riêng bộ đội địa phương và dân quân du kích đã diệt gần 800 tên, thu 236 súng trường, 15 tiểu liên, 6 trung liên, 1 đại liên, ngót 4 tấn đạn dược và một số quân trang, quân dụng. Vùng tạm chiếm của địch bị thu hẹp lại xung quanh thành phố Nam Định và thị xã Bùi Chu với bán kính từ 5 đến l0km; một phần ven sông Đáy và ven một số đường giao thông huyết mạch số 10, 21. Kể từ đây đã chấm dứt thời kỳ đen tối "Hai năm bốn tháng" (10-1949 đến 2-1952). Đó là một thắng lợi to lớn của quân dân Nam Định.
Vượt qua được thời kỳ "Hai năm bốn tháng", mỗi cán bộ, đảng viên và quần chúng cách mạng đã phải chịu đựng muôn vàn gian khổ, hy sinh, kiên trì giữ vững cơ sở ngay trong lòng địch, khi có điều kiện thì sẵn sàng chiến đấu chống lại kẻ thù. Những hành động cách mạng đó đã nói lên niềm tin sắt đá của nhân dân vào sự nghiệp kháng chiến do Đảng lãnh đạo, đồng thời khẳng định tinh thần quật khởi của quần chúng giáo cũng như lương trước hành động dã man, tàn bạo của bọn cướp nước và bè lũ tay sai bán nước. Thắng lợi đó là thành công của việc kết hợp nhuần nhuyễn giữa ba thứ quân dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ với phong trào nổi dậy của quần chúng, làm tan rã từng mảng hệ thống chiếm đóng, bình định của địch.
Như vậy, ngay từ khi địch mở Chiến dịch Hoà Bình, thực hiện Chỉ thị của Trung ương và của Tỉnh uỷ, quân và dân Nam Định được sự hỗ trợ của bộ đội chủ lực đã đẩy mạnh cuộc kháng chiến, phá tung ách kìm kẹp của địch. Ở khắp các mặt trận trên địa bàn của tỉnh, cả ba thứ quân đã phối hợp chặt chẽ, đánh địch ở mọi nơi, trong đó có những trận thắng lớn ở các vị trí ngay sát cơ quan đầu não của địch, tạo ra thế và lực mới có lợi cho ta cả về quân sự và chính trị. Mở rộng được khu du kích và căn cứ du kích, quân dân trong tỉnh đã căn bản phá võ âm mưu bình định, chiếm đóng rộng của địch. Ta đã giành được thế chủ động, tiến công liên tục, đẩy địch lún sâu hơn vào thế bị bao vây, uy hiếp. Những thắng lợi đó cũng đã góp phần cùng với các địa phương trong cả nước thực hiện chủ trương phối hợp với Chiến dịch Hoà Bình, căng địch ra khắp nơi mà đánh, làm cho chúng hết sức bị động, phân tán, tạo điều kiện cho chiến trường chính đánh to, thắng lớn.