[links()]
(Tiếp theo)
Sáng ngày 10-1-1952, quân ta bố trí trận địa phục kích ở xóm Thượng sát phía tây đường 21. Đúng như dự đoán, vào lúc 13 giờ 20 phút đội hình hành quân của giặc lọt vào trận địa phục kích. Các mũi tiến công của quân ta nhanh chóng làm chủ tình thế trận địa. Phối hợp với bộ đội, quân và dân các xóm vùng lân cận đã tiến hành truy bắt tù binh, thu dọn chiến trường. Trận đánh kết thúc thắng lợi, Đại đội 15 thuộc trung đoàn Âu - Phi số 2 của địch bị tiêu diệt, 46 tên bị bắt, 5 xe vận tải quân sự bị phá huỷ. Ta thu hơn 200 súng, toàn bộ quân trang, quân dụng và một hòm tiền 50.000đ Đông Dương.
Ngày 21-1-1952, bộ đội chủ lực có sự phối hợp của quân dân huyện Trực Ninh, phục kích trên đường 21 đoạn Thần Lộ - Trực Ninh, phá huỷ 18 xe cơ giới, diệt 200 tên địch. Tiếp đó, ta vừa đánh địch vừa địch vận diệt bốt Đại Tám, bao vây bức rút bốt Liễu Đề (Nghĩa Hưng), bốt Thạch Bi (Nam Trực) làm cho địch choáng váng, hốt hoảng.
Khi tiếng súng tiến công của bộ đội chủ lực cùng quân dân Nghĩa Hưng, Trực Ninh bùng nổ thì Đảng bộ Xuân Trưòng, Giao Thuỷ đã kịp thời lãnh đạo quần chúng nổi dậy, có sự phối hợp của bộ đội chủ lực, phá tan từng mảng lớn nguỵ quyền, phục hồi cơ sở của ta, đưa chính quyền nhân dân hoạt động công khai. Bọn nguỵ quân, nguỵ quyền phần lớn nộp sổ sách, súng ống. Bộ đội và du kích Giao Thuỷ bao vây, bức rút bốt dõng Quất Lâm và tiêu hao quân địch ở bốt Đại Đồng.
Dưới sự lãnh đạo của các cấp uỷ địa phương, bộ đội chủ lực phân tán một bộ phận, phối hợp với bộ đội địa phương, dân quân du kích làm nhiệm vụ tuyên truyền vũ trang, phá tề, diệt dõng, phục hồi xây dựng cơ sở, đưa chính quyền ra hoạt động công khai. Trước uy thế vũ bão đó, hàng mảng nguỵ quân, nguỵ quyền tan rã. Phần lớn nộp sổ sách, súng ống về nhà làm ăn. Một số chạy theo giặc vào Bùi Chu hoặc lên thành phố Nam Định, cả một khu vực rộng lớn bao gồm Hải Hậu, miền trung và miền hạ Nghĩa Hưng, một phần Giao Thuỷ, Trực Ninh và toàn khu vực đường 10 thuộc Ý Yên, Vụ Bản đã được giải phóng.
Khu du kích và căn cứ du kích mở đến đâu được củng cố đến đó. Hội nghị Tỉnh uỷ họp từ ngày 23 đến ngày 25-10- 1952 đã đề ra năm nhiệm vụ cấp bách và khẩn trương chỉ đạo các cấp thực hiện.
Sau Hội nghị, công việc bổ sung, kiện toàn bộ đội địa phương huyện và dân quân du kích ở cơ sở được tiến hành khẩn trương. Chỉ trong thời gian ngắn, các huyện (trừ Mỹ Lộc và Nam Trực) đều xây dựng đủ ba trung đội. Phần lớn các xã đã phục hồi được các đội du kích, có đội quân số lên tới 200 đội viên và được bổ sung thêm nhiều vũ khí.
Công tác giáo vận cũng gây được phong trào lương, giáo thân thiện nhằm đả phá thành kiến của cán bộ, nhân dân bên lương đối với đồng bào công giáo, tổ chức những đội xây dựng cơ sở trong giáo dân, tích cực tuyên truyền đường lối chính sách của Đảng, tách quần chúng giáo dân khỏi sự ảnh hưởng của bọn phản động.
Trong khi bọn tề, dõng đang tan rã và hoang mang cực độ, Tỉnh uỷ đã kịp thời đặt vấn đề đẩy mạnh công tác địch vận, tăng cường cán bộ, phương tiện và huy động khả năng của mọi ngành và toàn dân tham gia công tác địch vận nhằm thúc đẩy thêm quá trình tan rã của địch. Mặt khác, đối với số tề, dõng đã trở về, các cấp từ tỉnh đến xã đã mở những lớp cải tạo ổn định tư tưởng để họ nhận rõ con đường chính nghĩa.
Trước chiến thắng liên tiếp và dồn dập, có một số cán bộ quần chúng chưa thật tin vào thắng lợi đã nảy sinh nhiều tư tưỏng sai lệch. Tỉnh uỷ đã đặt nhiệm vụ cho các cấp uỷ phải triển khai rộng khắp công tác tư tưỏng. Việc tổ chức ăn mừng chiến thắng, những cuộc học tập tình hình nhiệm vụ, những đợt chỉnh huấn ngắn ngày đã được mở liên tục nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho đảng viên, quần chúng, động viên tinh thần hăng hái tham gia kháng chiến, chống những biểu hiện nghi ngờ chủ trương của cấp trên, chống tư tưởng lo địch càn quét khủng bố, không tin ở lực lượng của mình khi chủ lực rút đi...
Vùng giải phóng được mở rộng, Tỉnh uỷ đã quyết định đưa các cơ quan tỉnh trở về địa phương, tổ chức lại bộ máy và lề lối làm việc cho thích hợp với hoàn cảnh mới, đảm bảo sự chỉ đạo có hiệu lực, kịp thời ứng phó với mọi diễn biến của tình hình.
Phong trào chiến tranh nhân dân như trào dâng sóng dậy đã cuốn trôi đi phần lớn tổ chức hạ tầng của địch, làm cho nhiều vị trí quan trọng của chúng chơ vơ, cô lập trong khu du kích, tạo điều kiện cho bộ đội bao vây tiêu diệt.
(Còn nữa)