LỊCH SỬ ĐẢNG BỘ TỈNH NAM ĐỊNH
[links()]
(Tiếp theo)
Tỉnh uỷ đã có Chỉ thị bổ khuyết kịp thời cho các cấp, các ngành, phê phán tư tưởng dè dặt, ỷ lại trông chờ vào bộ đội chủ lực; xác định tinh thần chủ động, tranh thủ thời cơ đẩy mạnh các mặt hoạt động. Lực lượng vũ trang địa phương phải tập trung đánh địch, phá tề ác, tề vũ trang, nhằm phục hồi và đẩy mạnh cơ sở.
Tới đợt 2 của Chiến dịch Hoà Bình (từ 10-12-1951 đến 31-1-1952) trên mặt trận chính, địch bị tiêu diệt, tiêu hao nhiều sinh lực và lâm vào thế nguy khốn. Thực hiện chủ trương của Trung ương, nhiều tỉnh địch hậu của Liên khu III hoạt động mạnh, mở được nhiều khu căn cứ rộng lớn.
Thực hiện chủ trương đó, đêm 19-12-1951, sau khi diệt một số vị trí và mở khu du kích tỉnh Hà Nam thắng lợi, Trung đoàn 64 đã chuyển vào ba huyện phía bắc tỉnh Nam Định hoạt động. Đảng uỷ Mặt trận nhận định: các vị trí giặc ở đây đều tương đối kiên cố, quân ta tuy đang trên đà thắng lợi, bộ đội phấn khởi, tin tưởng, hăng hái lập công nhưng nếu đánh theo chiến thuật công kiên sẽ mau bị giảm sức chiến đấu, ảnh hưởng đến tác chiến liên tục và lâu dài, do đó đi đến quyết định trước mắt tập trung vào việc phá tề, diệt dõng, chống càn quét là chính rồi mới đẩy mạnh tác chiến tuỳ theo điều kiện cụ thể. Mở đầu cho đợt hoạt động này là trận đánh nội ứng trại Tế Bần.
Ở thành phố Nam Định, đêm 6-1-1952, Trung đoàn 64 do Trung đoàn trưởng Lê Ngọc Hiền chỉ huy đã cùng với các lực lượng địa phương đột nhập vào thành phố; dùng lực lượng nội công ngoại kích tiến công trại, nơi có đội Commăngđô đầu hổ chiếm đóng. Đây là đội biệt kích đầu tiên của địch ở phân khu nam đồng bằng Bắc Bộ do tên đại uý Văngđenbe chỉ huy.
Để chuẩn bị cho trận đánh này, Thành đội Nam Định đã xây dựng được nhân mối nội ứng. Được lực lượng địa phương và cơ sở phối hợp chặt chẽ, lúc 23 giờ 15 phút quân ta làm chủ tình hình và nổ súng tiêu diệt Văngđenbe. Trận đánh giành thắng lợi giòn giã. Ta bắt gọn hơn 100 tên địch, thu 180 tiểu liên, 16 trung liên, 30 súng ngắn và 2 súng cối. Phối hợp nhịp nhàng với cuộc tấn công vào trại Tế Bần, quân ta vừa dùng loa địch vận vừa ném lựu đạn uy hiếp tinh thần ở nhiều nơi trong thành phố, làm cho chúng hoang mang không xác định rõ mục tiêu chủ yếu đành bó tay. Trận trại Tế Bần là sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa bộ đội chủ lực và quân dân thành phố Nam Định. Thắng lợi này cổ vũ tinh thần kháng chiến của nhân dân toàn tỉnh trong tình hình địch còn tạm chiếm khiến cho hoạt động của bộ đội địa phương và dân quân du kích được đẩy mạnh, cùng bộ đội chủ lực đánh đồn, tiêu hao sinh lực địch, trừ gian, phá tề tiến tới mở rộng khu du kích và căn cứ du kích trên địa bàn toàn tỉnh.
Ở phía nam tỉnh, đêm 28-12-1951, Trung đoàn 52 từ Ninh Bình hành quân qua Nam Định cùng quân dân địa phương tiến công ba vị trí địch ở Hải Lạng, Phù Sa (huyện Nghĩa Hưng), Nam Trực (huyện Nam Trực). Tiểu đoàn 66 đánh bốt Ngoại Đê (Nam Trực) nhưng nắm tình hình địch không chắc, chuẩn bị không kỹ càng nên không tiêu diệt được bốt theo ý đồ của ta mà bộ đội thêm khó khăn. Bộ đội địa phương Nghĩa Hưng tấn công tiêu diệt vị trí dõng vũ trang Chương Nghĩa, cùng nhân dân phá tan các ban tề ở miền trung của huyện. Đại đội 91 và Đại đội 33 tiến công bốt Ngoại Đông (28-12), đánh bốt Nam Lạng, Trực Ninh (29 và 30-12) và tấn công An Lãng (Phương Định).
Đêm 3-1-1952, Trung đoàn 9 thuộc Đại đoàn 304 đánh vị trí Ngọc Tỉnh (Nam Trực) và đêm 5-1-1952 tấn công vị trí Văn Đàn (Hải Hậu) nhưng chỉ tiêu hao được một phần sinh lực địch mà chưa tiêu diệt được hai vị trí này.
Như vậy, từ ngày 28-12-1951 đến ngày 5-1-1952, quân dân các huyện phía nam tỉnh đã tấn công gần chục vị trí, đã tiêu hao nhiều sinh lực địch. Trừ vị trí Chương Nghĩa bị tiêu diệt, các vị trí khác vẫn tồn tại. Rút kinh nghiệm, Ban chỉ đạo kịp thời thay đổi phương châm tác chiến, chuyển sang vây điểm diệt viện, phân tán một bộ phận của bộ đội chủ lực kết hợp với dân quân du kích vũ trang tuyên truyền, phá tề trừ gian. Nhờ sự chuyển hướng đúng đắn, quân dân địa phương đã liên tiếp giành thắng lợi trong nhiều trận đánh.
Nhằm tăng cường cho chiến trường vùng tạm chiếm, Trung đoàn 46 được điều về Nam Định cùng Trung đoàn 52 đẩy mạnh tác chiến đánh địch, hỗ trợ và vực phong trào diệt tề trừ gian trên địa bàn tỉnh. Được tăng cường thêm chủ lực, hoạt động quân sự ở Nam Định mạnh hẳn lên. Bộ đội chủ lực cùng quân dân địa phương tổ chức nhiều trận đánh có hiệu quả cao. Điển hình là trận phục kích trên đường 21 đầu tháng 1-1952.
(Còn nữa)