Tiếp tục củng cố và mở rộng khu du kích, căn cứ du kích, đẩy mạnh đấu tranh trong vùng tạm bị chiếm (Kỳ 1)

06:05, 12/05/2015

LỊCH SỬ ĐẢNG BỘ TỈNH NAM ĐỊNH

[links()]

Theo phương hướng chiến lược được đề ra từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II, Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ hai (27-9 đến 5-10-1951) đã đề ra ba nhiệm vụ lớn để tiếp tục đưa cuộc kháng chiến kiến quốc đến thắng lợi:

    - Tiêu diệt nhiều sinh lực địch, tiến tới giành ưu thế quân sự, phá kế hoạch phòng ngự của địch ở trung du Bắc Bộ.

    - Phá tan kế hoạch "Dùng người Việt đánh người Việt, lấy chiến tranh nuôi chiến tranh" của địch.

    - Củng cố và phát triển khối đại đoàn kết toàn dân, giáo dục tư tưởng kháng chiến lâu dài, gian khổ nhưng nhất định thắng lợi, bồi dưỡng lực lượng của nhân dân bằng chăm lo cải thiện đời sống, xây dựng căn cứ địa và củng cố hậu phương để phục vụ tiền tuyến, phục vụ kháng chiến.

Giải phóng Đông Biên huyện Hải Hậu, ngày 4 tháng 6 năm 1954.
Giải phóng Đông Biên huyện Hải Hậu, ngày 4 tháng 6 năm 1954.

    Hội nghị còn ra Quyết nghị về "Nhiệm vụ và phương châm công tác trong vùng tạm bị chiếm và vùng du kích".

    Hội nghị chỉ rõ: Tuỳ theo so sánh lực lượng giữa ta và địch, tuỳ theo hoàn cảnh từng nơi, từng lúc, cân nhắc lợi ích trước mắt và lợi ích lâu dài mà lãnh đạo nhân dân dùng mọi hình thức đấu tranh thích hợp từ thấp lên cao, hợp pháp hay không hợp pháp, chính trị, kinh tế và vũ trang chống lại giặc Pháp, can thiệp Mỹ và tay sai. Nghị quyết còn đề ra phương châm, nhiệm vụ cụ thể cho từng vùng: Vùng tạm chiếm thì xây dựng và phát triển cơ sở đấu tranh chính trị và kinh tế là nội dung chính; tích cực chuẩn bị lực lượng đón thời cơ; khi có điều kiện thì lãnh đạo nhân dân chuyển lên đấu tranh vũ trang. Ở vùng du kích thì đấu tranh vũ trang là chính, kết hợp đấu tranh vũ trang với đấu tranh chính trị và kinh tế; dùng mọi hình thức để lãnh đạo nhân dân đấu tranh với địch, tiến tới mở rộng vùng du kích và xây dựng căn cứ du kích.

    Nghị quyết về nhiệm vụ và phương châm công tác trong vùng tạm bị chiếm và vùng du kích là sự đúc kết một cách sâu sắc những kinh nghiệm xương máu đấu tranh trong vùng địch hậu và chỉ ra phương hướng đấu tranh linh hoạt, đúng đắn cho các địa phương.

    Ngày 9-11-1951, Đờlát Đờ Tátxinhi tập trung 20 tiểu đoàn bộ binh cơ động chiến lược, có đủ cơ giới, pháo binh, máy bay mở chiến dịch đánh chiếm Hoà Bình. Đây là cố gắng lớn của địch từ sau thất bại của chúng ở Chiến dịch Biên giới. Âm mưu của địch là kéo bộ đội ta ra nơi chúng đã chuẩn bị sẵn để tiêu diệt, nhằm giành lại quyền chủ động đã mất trên chiến trường Bắc Bộ; chặn đường tiếp tế vận chuyển của ta giữa Việt Bắc và Trung Bộ; đồng thời gây một tiếng vang để tranh thủ thêm viện trợ Mỹ và củng cố thêm tinh thần quân đội chúng.

    Trung ương Đảng ta nhận định đây là cơ hội tốt để tiêu diệt sinh lực địch và chủ trương tranh thủ tiêu diệt địch trên mặt trận Hoà Bình; đồng thời nhân sơ hở, đưa bộ đội chủ lực vào vùng địch hậu phối hợp với quân dân các địa phương mở rộng các khu du kích và căn cứ du kích.

    Cũng trong thời gian này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư kêu gọi toàn thể cán bộ, chiến sĩ, bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích phối hợp với nhau chặt chẽ để đánh bại kế hoạch Thu - Đông của giặc Pháp. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói:

"Trước kia, ta phải lừa địch ra mà đánh.
Nay địch tự ra cho ta đánh. Đó là cơ hội rất tốt cho ta".

    Thực hiện chủ trương đó, Tỉnh uỷ Nam Định quyết định khẩn trương đẩy mạnh hoạt động quân sự, tích cực phá tề, phục hồi và phát triển cơ sở mọi mặt, mở khu du kích và căn cứ du kích.

    Đúng với dự đoán tình hình, địch phải thu gom lực lượng ứng chiến tung ra chiến trường Hoà Bình, nên quân chiếm đóng trên địa bàn Nam Định cũng bị dàn mỏng, sô lính Âu - Phi còn lại rất ít. Những cuộc càn quét của địch giảm hẳn. Bên cạnh những thuận lợi đó, chúng ta cũng còn những khó khăn lớn: ở một số nơi bị địch chiếm đóng lâu, cơ sở chính trị của ta yếu, công tác tư tưởng và tổ chức gặp không ít trở ngại, phức tạp. Đặc biệt là với sáu huyện phía nam của tỉnh, qua hơn hai năm phải chịu hậu quả của những cuộc khủng bô', tàn sát đẫm máu của địch. Một bộ phận nhân dân còn đang hoang mang, lực lượng vũ trang tỉnh, huyện, xã bị tổn thất hao mòn. Đại đội 91, đơn vị chủ công của tỉnh chỉ còn 50 người, hầu hết là chiến sĩ mới. Trong khi đó bộ đội chủ lực còn đang tập trung đánh địch ở Hà Nam chưa về hỗ trợ được. Nhưng đáng lưu ý hơn là những vấn đề về tư tưởng. Một số cán bộ, đảng viên chưa nhận thức rõ thời cơ chung, còn tư tưởng ỷ lại, chờ đợi hoạt động của bộ đội chủ lực, thiếu chủ động tiến công địch; một số vẫn bị phương châm "êm ả, mềm dẻo", chi phối và giữ thái độ dè dặt, không dám hoạt động mạnh, thậm chí còn ngại đấu tranh vũ trang. Do đó suốt từ trung tuần tháng 11 đến trung tuần tháng 12-1951, nhiều địa bàn vẫn chưa đẩy mạnh được hoạt động, khôi phục cơ sở và phong trào như chủ trương tỉnh đề ra.

 (Còn nữa)

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com