[links()]
(Tiếp theo)
Trong tình hình khó khăn, Đảng bộ Nam Định đã đi vào củng cố lực lượng vũ trang. Hướng chính là kiện toàn bộ đội huyện để có điều kiện trực tiếp dìu dắt du kích xã, để bộ đội rảnh tay cơ động. Muốn chống địch đánh phá cơ sở, lúc đầu Tỉnh uỷ chủ trương phải đẩy mạnh hoạt động quân sự, hạn chế quân địch hoành hành và bảo vệ cơ sở. Nhưng những chủ trương đó lại chưa thật phù hợp với khả năng và điều kiện của quân và dân trong tỉnh lúc này. Phát hiện được những thiếu sót đó, Liên khu uỷ và Bộ tư lệnh Liên khu đã kịp thời uốn nắn và có ý kiến chỉ đạo. Để đẩy cuộc kháng chiến lâu dài, toàn dân, toàn diện ở địa phương lên một bước mới, Tỉnh uỷ Nam Định phát động "Tháng hoạt động mạnh" với yêu cầu:
- Một số nơi phải giành được quyền chủ động hoạt động về ban đêm.
- Đẩy mạnh vũ trang tuyên truyền giáo dục, giữ vững cơ sở là chủ yếu; đồng thời phải lãnh đạo đấu tranh bảo vệ và vận chuyển thóc lúa, thu thuế nông nghiệp, đẩy mạnh hoạt động quân sự, phá tề vũ trang, xây dựng dân quân du kích, tăng cường địch vận.
Phương châm hoạt động của lực lượng vũ trang được Tỉnh uỷ đề ra là: Phân tán là chủ yếu, phân tán để vũ trang tuyên truyền gây cơ sở; khi cần thì tác chiến bảo vệ cơ sở; phân tán phải nghĩ đến tập trung, tập trung không quên phân tán.
Đối phó với chiến tranh tổng lực của địch, ta có nhiều cố gắng trên mặt trận đấu tranh kinh tế. Các tổ chức Đảng đã kết hợp nhiệm vụ khôi phục cơ sở với việc tổ chức quần chúng gặt nhanh, giấu kỹ, phân tán thóc lúa. Cán bộ tỉnh, huyện được phái về các xã giúp dân. Bộ đội, du kích canh gác, bao vây giữ chân địch cho dân gặt. Quần chúng đã phát huy nhiều sáng kiến, khắc phục khó khăn, lập tổ đổi công, chuyển gặt về đêm, ghép bè chuối thay thuyền chuyên chở... Một số nơi còn vận động nguỵ binh không bắn phá để dân yên tâm thu hoạch. Cao hơn nữa, có chi bộ đã tổ chức quần chúng đấu tranh hợp pháp đòi giặc phải ngừng hành quân càn quét để dân gặt hái, nên đã hạn chế được một phần thiệt hại, thu hoạch được phần lớn diện tích lúa đã chín.
Để chống địch bắt tập trung thóc, tổ chức đảng các cấp đã gắn việc giáo dục lòng căm thù giặc Pháp cấu kết với bọn phản động đội lốt Thiên Chúa giáo gây tội ác ở Bùi Chu với việc phát động mọi tầng lớp quần chúng giáo cũng như lương đấu tranh giành giật lại thóc lúa với giặc. Đồng bào đã nhanh chóng giúp đỡ nhau giấu thóc hoặc chuyển thóc ra những thôn xóm ở ngoài vòng kiểm soát của địch. Ngoài ra ta còn có nhiều sáng kiến đấu tranh hợp pháp như làm đơn khiếu nại, dây dưa không chịu thi hành... Cuối cùng địch phải bỏ chủ trương bắt tập trung thóc. Có nơi, địch đã tập trung rồi, phải trả lại.
Các chi bộ còn phát động quần chúng chống thuế như khất lần, dây dưa không nộp, khai lậu số thuế, vận động tề không thu, nói dối là "Việt Minh lấy mất sổ thuế", hoặc thu rồi nộp lại cho ta. Tuy nhiên kết quả chỉ làm chậm trễ và hạn chế được một phần công việc của địch. Chúng vẫn thu được 70% số thuế trong vùng chúng kiểm soát.
Đồng thời với việc bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân, một số cấp uỷ Đảng ở địa phương còn chủ động phát động nhân dân đấu tranh hợp pháp với địch, buộc chúng phải để cho nhân dân đắp những quãng đê xung yếu trên các triền sông Hồng, sông Đào, sông Ninh Cơ thuộc các địa phận Hữu Bị (Mỹ Lộc), Vị Khê, An Lá, Thi Châu (Nam Trực), Lộ Xuyên (Trực Ninh).
Thi hành lệnh tổng động viên của Đảng và Chính phủ, nông dân Nam Định thi đua đóng góp các loại thóc công thương, điền thổ, tạm cho vay và mua công trái quốc gia với trên 2.000 tấn thóc và hàng chục triệu đồng. Có thôn ngay sát vị trí địch nhưng chỉ mấy tiếng đồng hồ đã góp xong số thóc được huy động. Đến tháng 10-1951, trên 1.000 tấn thóc đã chuyển ra vùng tự do.
Mặc dù toàn tỉnh bị tạm chiếm, nhưng tổ chức Đảng các cấp, các đảng viên cơ sở nói chung vẫn vượt gian khổ bám đất, bám dân. Nguỵ quyền tuy mọc lên khắp nơi nhưng chính quyền ta vẫn tồn tại ở hầu hết các xã. Những hình thức tập hợp quần chúng rộng rãi thích hợp với điều kiện hoạt động bí mật như "ngũ gia liên bảo", "thập gia liên bảo" được phát triển ở nhiều nơi. Các cơ quan Đảng, chính quyền, các ngành, giới của tỉnh cũng tích cực tinh giảm biên chế gọn nhẹ, để chuẩn bị trở vào địch hậu. Tình hình phong trào tuy có nhiều khó khăn nhưng Đảng bộ đã bắt đầu chuyển hướng chỉ đạo, duy trì cơ sở là chủ yếu. Sau Chiến dịch Quang Trung đến trước Chiến dịch Hoà Bình, cơ quan lãnh đạo Huyện uỷ Nghĩa Hưng đã chuyển về miền trung huyện. Sáu xã miền trung huyện đã dần dần làm chủ về ban đêm. Tuy nhiên, một số chủ trương chỉ đạo khi truyền đạt xuống dưới đã bị đơn giản hoá. Một số khẩu hiệu trở nên vừa mơ hồ, cứng nhắc, vừa tiêu cực. Tư tưởng "êm ả và mềm dẻo", muốn xả hơi sau những đợt đấu tranh xuất hiện trong không ít người và biến tướng thành một thứ "phương châm" sai lầm có tác hại rất lớn. Nó hạn chế quân dân ta trong việc dùng vũ khí chống giặc khi điều kiện cho phép. Một số đơn vị bộ đội địa phương phân tán mỏng quá lâu, thủ tiêu đấu tranh vũ trang nên bị tổn thất đáng kể.
(Còn nữa)