Chống càn, giữ vững khu du kích, bồi dưỡng sức dân (Kỳ 3)

06:05, 28/05/2015

[links()]

(Tiếp theo)

    Đấu tranh giảm tô, giảm tức nhằm bảo đảm quyền lợi cho nông dân, bồi dưỡng sức dân trong điều kiện đất nước còn chiến tranh, nhiều ruộng đất còn nằm trong tay địa chủ là vấn đề hết sức gay go, phức tạp. Vì vậy, ngay sau khi mở khu du kích, Tỉnh uỷ đã đẩy mạnh việc thực hiện chính sách giảm tô, giảm tức trong khu du kích và căn cứ du kích. Từ tình hình cụ thể ở địa phương, ngày 3-11-1952, Tỉnh uỷ Nam Định lại ra Chỉ thị số 13/CT-TU, hướng dẫn và quy định "Hướng lãnh đạo giảm tô, giảm tức nhằm vào vùng du kích và căn cứ du kích, chú trọng nơi có đồng bào theo đạo Thiên Chúa. Còn ở vùng tạm bị chiếm thì tiến hành tuỳ điều kiện có thể, nhưng thuyết phục chủ điền để họ giảm là chính và phải nắm vững phương châm bảo toàn cơ sở, không bộc lộ lực lượng". Chỉ thị còn quy định: "Toàn Đảng bộ phải lãnh đạo quần chúng đấu tranh giảm tô, giảm tức... không được khoán trắng cho chính quyền hoặc Nông hội; phải huy động toàn thể lực lượng quân, chính, dân, Đảng; lãnh đạo giảm tô là công việc của phụ nữ, của thanh niên, của uỷ ban, của huyện đội, xã đội, của hết thảy mọi ngành". Bản chỉ thị còn đề ra một số phương châm và biện pháp tiến hành như: tổ chức học tập chính sách ruộng đất trong toàn Đảng bộ, trong chính quyền và nhân dân; tiến hành kiểm điểm trong cán bộ các ngành, các giới về việc lãnh đạo thi hành giảm tô, giảm tức trước đây; phát động quần chúng đấu tranh kết hợp với những biện pháp chính quyền; kết hợp việc lãnh đạo đấu tranh với việc củng cố Nông hội, nhất là ở vùng có đồng bào theo đạo Thiên Chúa.

    Những chủ trương đúng đắn, tích cực và kịp thời đó của Tỉnh uỷ đã góp phần đẩy mạnh việc thực hiện chính sách ruộng đất của Đảng, Chính phủ, đem lại những quyền lợi thiết thân cho nông dân trong giai đoạn này và làm tiền đề cho việc thực hiện những chính sách về kinh tế - xã hội trong các thời kỳ tiếp theo. Năm 1952, mặc dù chiến tranh còn ác liệt, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, nhưng nhân dân ở các địa phương đã cố gắng ổn định đời sống và tích cực đóng góp nghĩa vụ thuế nông nghiệp với Nhà nước.

    Công tác y tế, giáo dục cũng được các cấp uỷ đảng hết sức quan tâm. Nhiều lớp bồi dưỡng, đào tạo cán bộ y tế được tổ chức bổ sung cho ngành và cơ sở. Các địa phương đều chú ý phòng bệnh, chữa bệnh cho nhân dân; mở thêm các nhà hộ sinh, tổ chức phát thuốc, tiêm phòng dịch nên đã kịp thời dập tắt được bệnh đậu mùa đang đe doạ tính mạng nhiều trẻ em và phòng ngừa được một số nạn dịch khác.

    Công tác giáo dục phổ thông và xoá nạn mù chữ được đẩy mạnh ở các địa phương. Mặc dù ở nhiều nơi địch vẫn mở những đợt hành quân càn quét, máy bay địch vẫn bắn phá và còn rất thiếu về trường lớp, sách vở, giáo viên... Cán bộ ngành giáo dục vẫn vượt mọi khó khăn để tổ chức các lớp học phổ thông và các lớp học bổ túc cho các em và cán bộ, nhân dân.

    Ở một số nơi sát đồn bốt địch, có khó khăn, phức tạp hơn về mở trường lớp, nhưng chính quyền vẫn tìm mọi cách khắc phục để tồn tại và duy trì chương trình học tập cho học sinh. Sau khai giảng năm học mới (9-1951), các trường phổ thông quốc lập đã có: 1 trường phổ thông cấp II (ở Ninh Cường), 125 trường cấp I. Các trường dân lập và tư thục gồm có 2 trường cấp II và 213 trường cấp I. Các trường phổ thông có 712 giáo viên và 24.379 học sinh. Trường cấp II Ninh Cường là trường phổ thông cấp II đầu tiên do tỉnh mở. Trường thu hút cả học sinh ở thành phố Nam Định về học. Nhiều thanh niên, học sinh trong vùng bị địch chiếm đã ra theo học ở khu căn cứ. Các lớp bình dân học vụ mở rộng trong toàn tỉnh. Với đội ngũ giáo viên ở cơ sở làm nòng cốt, sự tham gia nhiệt tình của cán bộ, thanh niên có học vấn nhất định, các lớp bình dân học vụ đã len lỏi vào khắp các thôn xóm với quy mô và hình thức tổ chức linh hoạt, sáng tạo, thu hút hàng vạn người tham gia học tập. Việc thực hiện nền giáo dục dân chủ nhân dân góp phần nâng cao dân trí cho thanh thiếu niên, đồng thời tham gia xoá bỏ các tàn tích văn hoá, giáo dục nô dịch của thực dân Pháp.

    Phong trào văn nghệ quần chúng với những hình thức gọn nhẹ thích hợp như: thơ, ca, hò, vè, kịch ngắn, các điệu múa, phát triển rộng rãi góp phần xây dựng nếp sống lành mạnh, vui tươi trong các vùng căn cứ du kích.

    Thời gian này, phong trào đấu tranh của các tầng lớp nhân dân ở thành thị cũng phát triển mạnh, ở thành phố Nam Định, công nhân một số xí nghiệp đấu tranh chống dãn thợ, phạt thợ, đòi tăng lương vì phải làm thêm giờ và giá cả sinh hoạt cao. Những người thợ đạp xích lô đấu tranh chống nộp thuế "quốc phòng" của nguỵ quyền. Tiểu thương chợ Rồng chống địch bắt dỡ cửa hàng, chống tăng thuế chợ. Học sinh có phong trào chống bắt lính. Một số nam học sinh đã trốn ra vùng tự do; nữ sinh chống lệnh bắt cắt tóc ngắn, mặc váy đầm...

(Còn nữa)

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com