Chống càn, giữ vững khu du kích, bồi dưỡng sức dân (Kỳ 2)

07:05, 26/05/2015

[links()]

(Tiếp theo)

    Trong không khí hồ hởi phấn khởi, các tầng lớp nhân dân hăng hái tham gia các đoàn thể kháng chiến. Các tổ chức Liên Việt, Thanh niên, Phụ nữ, Nông hội ở những nơi bấy lâu còn yếu, nay cũng được củng cố. Thời gian này các cấp uỷ đảng rất quan tâm tới việc giác ngộ, tuyên truyền chính sách tôn giáo với đồng bào có đạo, nhất là vùng có đông đồng bào theo đạo Thiên Chúa. Để chống lại âm mưu của bọn phản động đội lốt tôn giáo xuyên tạc chính sách tôn giáo và chủ trương đoàn kết lương giáo của Đảng ta, trung tuần tháng 2- 1952 tỉnh Nam Định đã tổ chức hội nghị "Những ngưòi công giáo kháng chiến địa phận Bùi Chu". Trong số 300 đại biểu tới dự có 6 vị linh mục. Đồng chí Chủ tịch uỷ ban kháng chiến tỉnh đã đến dự khai mạc. Hội nghị đã thảo luận các vấn đề: âm mưu thâm độc lợi dụng Thiên Chúa giáo của thực dân Pháp, tội ác của chúng đối với nhân dân vùng tạm bị chiếm; chính sách tự do tín ngưỡng của Chính phủ; lượng khoan hồng của Chính phủ và Hồ Chủ tịch đối với những người lầm đường. Hội nghị có nhiều đại biểu là những ngưòi bị mất chồng, mất con vì giặc Pháp và bọn tay sai. Hội nghị ra lời kêu gọi đồng bào theo đạo Thiên Chúa trong toàn tỉnh hãy tham gia tích cực hơn nữa vào sự nghiệp kháng chiến, làm tròn bổn phận của người giáo dân "yêu nước, kính Chúa". Đồng thời Hội nghị biểu thị lòng tin tưởng sắt đá vào Chính phủ kháng chiến do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo.

    Sau Hội nghị công giáo, Tỉnh uỷ đề ra "ba tháng vận động lương - giáo đoàn kết", đưa cán bộ xuống từng họ, xứ đạo làm công tác vận động giáo dân, thực hiện "cải giáo hoàn lương" - đưa đồng bào bên lương trước đây bị bọn phản động cưỡng ép tòng giáo trở lại, đưa các tượng Phật trở về các chùa cũ; tổ chức cho đồng bào công giáo tố cáo tội ác của giặc Pháp và tay sai. Chính quyền nhân dân đã kiên quyết bắt một số tên phản động đầu sỏ như: Lương Huy Hân, tên Vinh, tên Đức và gọi lên răn đe một số tên khác, làm cho chúng phải chùn lại không dám chống phá trắng trợn như trước. Những việc làm đó đã giúp đồng bào giáo hữu hiểu rõ hơn âm mưu thâm độc của bọn phản động, bước đầu tách quần chúng giáo dân khỏi ảnh hưởng của bọn phản động khoác áo thầy tu. Việc thực hiện những chính sách đem lại quyền lợi thiết thực cho nông dân lao động đã làm cho đồng bào giáo dân ngày càng hiểu rõ hơn mục tiêu của cuộc kháng chiến và phần đông đã bước đầu ổn định về tư tưởng. Vấn đề hận thù giáo - lương giảm dần, bà con giáo cũng như lương đoàn kết bên nhau đẩy mạnh sản xuất, ổn định đời sống. Do vậy, ở vùng tập trung đồng bào theo đạo Thiên Chúa, các tổ chức quần chúng đã có bước phát triển khá nhanh.

    Sau mùa nước lũ, ở nhiều xã ven sông, nhân dân đã đắp bồi lại những quãng đê sạt lở và đấu tranh buộc địch phải cho lấp nhiều hố công sự do chúng đào từ trước ở phần đê. Nhân dân xã Mỹ Phúc, Mỹ Trung (huyện Mỹ Lộc, Nam Định) phối hợp với các xã Nhân Hoà, Nhân Hậu (huyện Lý Nhân, Hà Nam) đòi địch phải cho đắp lại đoạn đê Hữu Bị, là đoạn đê rất xung yếu đối với một vùng rộng lớn ở hai huyện. Lúc đầu địch khăng khăng không chịu, song trước sức đấu tranh mạnh mẽ của nhân dân, chúng buộc phải để cho ta đắp lại đoạn đê và phải trả công cho dân công đào đắp.

    Mấy năm chiến tranh lan rộng, phần lớn các vùng nông thôn trong tỉnh bị tàn phá nặng nề, nhiều ruộng vườn bị hoang hoá. Sau khi ta mở khu du kích, mùa màng vẫn bị thiệt hại do bão, lụt và hạn hán. Trước tình hình đó, Đảng bộ kịp thời có nhiều biện pháp đẩy mạnh sản xuất. Nhân dân tích cực tăng diện tích trồng trọt, phục hồi canh tác những vùng đất trắng mới giành lại được, phục hoá hàng nghìn mẫu ruộng bị bỏ hoang nhiều vụ, đắp và sửa chữa gần 200km đê, sửa và xây lại hàng chục cống, đắp thêm nhiều đập và đường "khuyến nông". Tỉnh đã chủ động tìm nguồn đưa nhiều trâu, bò về cung cấp thêm sức kéo cho nông dân. Phong trào chăn nuôi tăng gia sản xuất và tiết kiệm phát triển ở khắp nơi. Các cơ quan, trường học cũng hưởng ứng tăng gia sản xuất. Các lĩnh vực kinh tế khác cũng được đẩy mạnh. Sau khi thành lập khối kinh tế, tài chính ở Nam Định một số cơ sở của ngành mậu dịch quốc doanh bắt đầu được xây dựng. Các mặt hàng như muối, chiếu cói, hàng thủ công truyền thống được khơi luồng đưa ra vùng tự do hoặc chuyển vào vùng địch tạm chiếm. Do đó, giá cả dần dần ổn định hơn. Tiền Việt Nam trước đây mới chiếm lĩnh 50% thị trường trong tỉnh, nay lên tới 90%, đẩy lùi tiền địch một bước đáng kể.

    Để bồi dưỡng lực lượng kháng chiến hơn nữa, trong năm 1952 các địa phương trong tỉnh đã tiến hành cấp lại công điền cho cả nam, nữ; tạm giao công thổ cho bần cố nông, duyệt lại những ruộng bán công, bán tư. Trong quá trình thực hiện chính sách ruộng đất, chính quyền đã có sự ưu đãi đối với gia đình bộ đội, thương binh, liệt sĩ, nhằm động viên tinh thần kháng chiến của nhân dân. Ta còn chia "treo giò" cho nguỵ quân đang trong hàng ngũ địch nhằm lôi kéo những phần tử lầm đường quay về với Tổ quốc. Chính quyền nhân dân còn tạm giao, tạm cấp hàng vạn mẫu ruộng của địa chủ nhà chung vắng chủ cho nông dân nghèo; thực hiện giảm tô hàng vạn mẫu ruộng của địa chủ phát canh cho tá điền.

(Còn nữa)

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com