Chống càn, giữ vững khu du kích, bồi dưỡng sức dân (Kỳ 1)

06:05, 21/05/2015

[links()]

    Ngày 23-2-1952, địch bỏ Hoà Bình rút chạy. Cùng với thất bại ở Hoà Bình, việc bình định của địch trong năm 1951 bị phá võ. Âm mưu của tướng Đờlát Đồ Tátxinhi định giành lại thế chủ động tiến công trên chiến trường Bắc Bộ, lập phòng tuyến Boongke để ngăn chặn quân ta tiến vào đồng bằng, lập "xứ Mưòng tự trị" và lấy lại lòng tin cho quân đội xâm lược đang thất bại. Ở mặt sau lưng địch, từng mảng lớn hệ thống đồn bốt bị phá vỡ. Hệ thống nguỵ quân, nguỵ quyền ở nhiều địa phương bị suy yếu, đứng trước nguy cơ sụp đổ.

    Tình thế đó buộc địch phải làm lại công việc "bình định" mà chúng đã thực hiện một phần trong năm 1951. Chúng lại mang quân chủ lực về càn quét đồng bằng, tìm diệt bộ đội chủ lực của ta, khủng bố nhân dân, vơ vét tài sản, bắt thanh niên bổ sung quân số thiếu hụt, dựng lại bộ máy nguỵ quyền.

Bộ đội ta hành quân tiến vào Tây bắc năm 1952. Ảnh tư liệu.
Bộ đội ta hành quân tiến vào Tây bắc năm 1952. Ảnh tư liệu.

    Ngay trước khi Chiến dịch Hoà Bình kết thúc, Trung ương Đảng và Bộ Tổng tư lệnh đã ra Chỉ thị vạch rõ: "Giặc Pháp đang lúng túng to, nhưng sức địch còn mạnh", cần phải "sẵn sàng chống lại tất cả cuộc càn quét lớn nhỏ của địch mà bất cứ lúc nào cũng có thể xảy ra". Liên khu uỷ III cũng có chỉ thị cho các tỉnh tích cực chuẩn bị đối phó với hành động trả đũa của địch.

    Thi hành chỉ thị của Trung ương và của Liên Khu uỷ III, Tỉnh uỷ đã Chỉ thị cho các địa phương phải tăng cường đấu tranh mọi mặt với địch; tích cực chuẩn bị chống càn quét, giữ vững khu du kích. Trên cơ sở đó củng cố Đảng bộ về mọi mặt, phục hồi và phát triển các đoàn thể quần chúng, nhất là ở nơi tập trung giáo dân. Các cấp uỷ đảng đã tích cực giáo dục, tuyên truyền để cán bộ, đảng viên và nhân dân thấy rõ tư tưởng chỉ đạo của Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh là: Phải thấy rõ âm mưu địch, không được chủ quan; giữ vững thế tiến công để củng cố, phát triển chiến tranh du kích và phong trào đấu tranh của nhân dân vùng địch hậu; phải đề phòng địch phản ứng quyết liệt để giành lại những vùng chúng mất quyền kiểm soát.

    Thực hiện sự chỉ đạo của Tỉnh uỷ, các ban Huyện uỷ khẩn trương xúc tiến hoạt động mọi mặt để ứng phó kịp thời và có hiệu quả với âm mưu càn quét mở rộng vùng chiếm đóng của địch.

    Đúng như nhận định của Trung ương, sau thất bại ở Hoà Bình, Salăng vội vã đem đội quân thua trận quay về càn quét vùng đồng bằng, nhằm đẩy bộ đội chủ lực của ta ra khỏi các địa bàn đang đứng chân; phá khu du kích hòng tiêu diệt lực lượng vũ trang của ta ở các địa phương. Đó là cách chúng gỡ thế bị bao vây, củng cố thế chiếm đóng, bình định, trấn an tinh thần binh lính đang sa sút; tiếp tục vơ vét của cải, càn bắt thanh niên để bổ sung quân số đang thiếu hụt.

Thu - Đông năm 1952, địch tăng cường hoạt động trên sông Đáy nhằm ngăn cản chủ lực thâm nhập địch hậu, ra sức củng cố vị trí, tăng cường tuần tiễu, sục sạo các đường 10, 21 để bảo vệ việc vận chuyển. Song, một số vị trí tiếp giáp khu du kích vẫn bị ta bao vây uy hiếp. Địch phải đưa ba tiểu đoàn cơ động về càn quét chớp nhoáng một phần huyện Nam Trực, Trực Ninh.

    Tại Xuân Trường, ngày 24-8-1952, du kích phối hợp chặt chẽ với Tiểu đoàn 706 thuộc Trung đoàn 64, Đại đoàn 320 đã độn thổ phục kích tiểu đoàn chủ lực nguỵ BVN3 ở đường 51 thuộc khu Bích Câu, Hội Khê, Trà Thượng (nay thuộc xã Xuân Hùng). Sau một ngày kiên trì phục kích các thôn Bích Câu, Hội Khê, Trà Thượng ta đã xoá sổ 2 đại đội chủ lực nguỵ thuộc Tiểu đoàn số 3, diệt 80 tên, bắt sống 89 tên địch trong đó có viên Tiểu đoàn trưởng và thu hồi toàn bộ vũ khí. Từ khi mở khu du kích, ta có sự phối hợp nhịp nhàng giữa bộ đội chủ lực và dân quân du kích địa phương. Chiến thắng Bích Câu đã cổ vũ mạnh mẽ tinh thần kháng chiến của quân dân trong tỉnh khi quân địch đang tập trung mọi nỗ lực để càn quét đánh phá khu du kích và căn cứ du kích.

    Để đối phó với những âm mưu, thủ đoạn mới của thực dân Pháp, cùng với việc tổ chức lực lượng, đề ra phương án tác chiến, sẵn sàng chống các cuộc càn lớn, nhỏ của địch và thường xuyên bao vây uy hiếp tiêu diệt địch ngay ở các đồn bốt của chúng, Tỉnh uỷ còn quan tâm chỉ đạo toàn diện hoạt động trên các lĩnh vực chính trị, tư tưởng, kinh tế - xã hội. Thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ ba (4- 1952) và chủ trương chỉnh Đảng của Trung ương, Tỉnh uỷ Nam Định mở nhiều lớp chỉnh huấn "rèn cán" cho cán bộ, học tập kiểm thảo theo Điều lệ Đảng và "bình công phân loại" đảng viên. Đợt chỉnh Đảng nhằm làm cho cán bộ, đảng viên thông suốt quan điểm kháng chiến lâu dài và tự lực cánh sinh, khắc phục tư tưởng hữu khuynh trong công tác mặt trận, chính quyền và trong việc thực hiện chính sách ruộng đất; nâng cao tinh thần tự phê bình và phê bình, tăng cường đoàn kết và nhất trí trong Đảng về tư tưởng và hành động, sửa đổi tác phong công tác. Những lớp chỉnh huấn, học tập cho cán bộ, đảng viên được tổ chức và trở thành đợt sinh hoạt chính trị rộng lớn, có ý nghĩa thiết thực. Tuy cách làm còn có chỗ máy móc, thiếu toàn diện, nhưng những đợt chỉnh huấn học tập này thực sự đã góp phần nâng cao nhận thức cách mạng, củng cố quan điểm kháng chiến trường kỳ, gian khổ, tự lực cánh sinh; khắc phục tư tưởng hữu khuynh trong việc thi hành các chính sách về ruộng đất, thuế nông nghiệp, chính sách tôn giáo, củng cố đoàn kết nội bộ, đẩy mạnh tinh thần công tác, chiến đấu cho toàn thể cán bộ, đảng viên. Đây là lần đầu tiên, các Đảng bộ tiến hành rộng rãi, quy mô, có hệ thống công tác xây dựng Đảng về mặt tư tưởng.

 (Còn nữa)

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com