Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cùng với các địa phương trong tỉnh, lực lượng tự vệ và bộ đội chủ lực tại Thành phố Nam Định đã chiến đấu oanh liệt bắn trả máy bay địch, chia lửa với chiến trường miền Nam.
Ngược dòng lịch sử cách đây tròn 50 năm thực hiện trận đầu tiên đánh trả máy bay Mỹ xâm lược trên vùng trời tỉnh Nam Hà (2-7-1965), Thiếu tá Mai Minh Lý, nguyên trợ lý tác chiến Trung đoàn 250 say sưa kể lại: Đầu năm 1965, cách mạng miền Nam chuyển sang thế tiến công và liên tiếp giành được những thắng lợi to lớn. Chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ bị thất bại nặng nề. Ngụy quân, ngụy quyền Sài Gòn tan rã từng mảng và đang trên đà suy sụp. Để cứu vãn thất bại ở miền Nam, Tổng thống Giôn-xơn và tập đoàn cầm quyền Mỹ quyết định đưa một bộ phận quân Mỹ vào miền Nam và tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân đối với miền Bắc. Do ta đánh lớn ở Plây-cu, Kon Tum, Quy Nhơn, ngày 7-2-1965 địch mở chiến dịch tiến quân bằng không quân mang tên “Mũi đao lửa”, bắt đầu cuộc chiến tranh leo thang phá hoại miền Bắc. Do nằm ở vị trí trung chuyển hàng hóa để chi viện cho miền Nam nên Thành phố Nam Định là mục tiêu số một trong chiến dịch “Mũi đao lửa” của đế quốc Mỹ. Đội hình chiến đấu của Trung đoàn 250 được bố trí xung quanh Thành phố Nam Định gồm 10 đại đội ở các vị trí trọng yếu như: Tỉnh Đội, Phù Long, Nam Vân, Vị Dương, Phù Nghĩa, Mỹ Xá, Năng Tĩnh, Đò Bái, Chùa Cuối, Nam Phong. Nhiệm vụ của Trung đoàn là bảo vệ Thành phố Nam Định, chủ yếu là Nhà máy Liên hợp Dệt, Ga Nam Định và các mục tiêu trọng yếu của thành phố. Trận đánh máy bay Mỹ đầu tiên của bộ đội chủ lực và quân, dân thành phố diễn ra lúc 11 giờ 55 phút ngày 2-7-1965. Khi ấy 12 chiếc máy bay Mỹ gồm 4 chiếc A-4D, 4 chiếc F-4H, 2 chiếc F-8U và 2 chiếc RB-57 chia làm nhiều đợt oanh tạc vào các mục tiêu kho xăng và Nhà máy Liên hợp Dệt Nam Định. Hai tốp lao vào ném 8 quả bom xuống khu vực kho than và khu dân cư phía tây nam thành phố. Cùng lúc ấy, một tốp khác từ bến phà Tân Đệ quay lại ném 6 quả bom xuống khu gia đình công nhân Nhà máy Liên hợp Dệt, phố Hàng Nâu, Nhà hát 3-2; sau đó chúng bắn như vãi đạn xuống nhiều khu phố khác.
Tự vệ HTX Dệt 19 tháng 5 tham gia bắn máy bay Mỹ năm 1965. Ảnh: TL |
Với tinh thần cảnh giác cao, Trung đoàn 250 đã phối hợp với lực lượng vũ trang thành phố đánh trả liên tục máy bay địch. Mặc cho mưa bom, bão đạn, tinh thần chiến đấu của lực lượng vũ trang thành phố và Trung đoàn 250 hết sức kiên cường, bám chắc vị trí chiến đấu. Một số đồng chí đã hy sinh ngay trên mâm pháo, được bổ sung ngay đồng chí khác đối mặt với bom đạn đánh trả quân thù; nhiều đồng chí bị thương vẫn tiếp tục bám trận địa chiến đấu. Điển hình như tổ quan sát trên đỉnh Cột cờ cao 25m, các chiến sĩ La, Minh, Hà là tự vệ Nhà máy Liên hợp Dệt Nam Định vẫn hiên ngang làm nhiệm vụ bám trụ, giữ vững vị trí trinh sát, thông báo nhanh chóng các điểm địch đánh phá cho các đơn vị chiến đấu. Hay tại trận địa tự vệ khu phố 1 và Máy Tơ, các đồng chí Phạm Văn Cường, Đinh Kim Long đã lấy thân mình làm giá súng cho đồng đội bắn trả máy bay địch. Sau gần một giờ chiến đấu, lực lượng vũ trang thành phố và Trung đoàn 250 đã bắn rơi 4 máy bay Mỹ và làm bị thương nhiều chiếc khác. Ngày 2-7-1965 trở thành ngày chiến thắng đầu tiên trong cuộc chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ tại Thành phố Dệt. Với thắng lợi to lớn trong trận đầu đã tiếp thêm sức mạnh cho bộ đội và lực lượng tự vệ thành phố tiếp tục chiến đấu những trận tiếp theo.
Chia tay Thiếu tá Mai Minh Lý chúng tôi tìm gặp pháo thủ Trần Văn Bằng, nguyên pháo thủ Đại đội tự vệ pháo cao xạ 100 ly của Nhà máy Liên hợp Dệt Nam Định trong những năm chống Mỹ, cứu nước, được nghe kể về những ngày tháng hào hùng trên mâm pháo canh giữ bầu trời Thành phố Dệt. Từ tháng 5 đến tháng 9-1972, máy bay Mỹ tiếp tục ném bom đánh phá Thành phố Nam Định lần thứ hai. Khác với lần trước, lần này, chúng tổ chức đánh lớn, liên tục nhiều ngày đêm và sử dụng nhiều phương tiện kỹ thuật mới và số lượng lớn bom đạn. Để có thể đánh địch trong mọi điều kiện, Tỉnh ủy và Bộ CHQS tỉnh đã quyết định trang bị cho lực lượng dân quân tự vệ thành phố pháo 100 ly và 57 ly. Chỉ trong một thời gian ngắn, lực lượng tự vệ Nhà máy Liên hợp Dệt, Nhà máy Tơ, Xí nghiệp Cơ khí C50, Cơ khí Nam Hà… đã nắm chắc được trang bị kỹ thuật mới và bố trí trận địa tại Phù Nghĩa (xã Lộc Hạ), Tức Mặc (xã Lộc Vượng), Vỵ Dương (xã Mỹ Xá) và xã Nam Phong (trước đây thuộc huyện Nam Ninh)… để đón lõng, đánh địch. Nhiều trận đánh của Đại đội tự vệ pháo cao xạ Nhà máy Liên hợp Dệt Nam Định kéo dài tới hai, ba giờ. Nhiều chiến sĩ bị thương nhưng vẫn kiên cường bám sát trận địa tiếp tục chiến đấu đến hơi thở cuối cùng ngay trên trận địa như đảng viên Nguyễn Thị Minh Nguyệt. Trong trận đánh ngày 22-7-1972, Đại đội đã lập công xuất sắc bắn rơi tại chỗ 1 máy bay F4, bắt sống giặc lái Mỹ; phối hợp các đơn vị bạn bắn rơi hai chiếc máy bay khác… Với sự chuẩn bị chu đáo, tinh thần cảnh giác cao và cách đánh mưu trí sáng tạo, nên chỉ trong hơn 3 tháng (từ ngày 6-5 đến ngày 10-9-1972), dân quân tự vệ thành phố và các lực lượng vũ trang bảo vệ thành phố đã lập công xuất sắc, bắn rơi 18 máy bay Mỹ, diệt và bắt sống nhiều giặc lái ngay trên địa bàn Thành phố Nam Định.
Trong 2 đợt đánh phá Thành phố Nam Định, giặc Mỹ đã huy động 1.051 lần máy bay ném xuống 528 mục tiêu với hơn 745 nghìn 112 tấn bom đạn, phá hủy 86.410m2 nhà cửa, làm 909 người chết và 1.279 người bị thương. Nhưng với tinh thần chiến đấu ngoan cường, sáng tạo, hiệp đồng chặt chẽ giữa các lực lượng, quân dân Thành phố Nam Định đã lập công xuất sắc: bắn rơi 54 máy bay Mỹ. Với những thành tích đặc biệt xuất sắc trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu, năm 1978, nhân dân và lực lượng vũ trang Thành phố Nam Định và 4 cá nhân tiêu biểu đã vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước./.
Trần Văn Trọng