Trong dịp kỷ niệm 40 năm Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, chúng tôi có dịp gặp gỡ và nghe các CCB kể nhiều câu chuyện về các trận chiến đấu cam go, ác liệt góp phần làm nên những kỳ tích trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Niềm vui của ông Nguyễn Cao Đà và gia đình trong những ngày kỷ niệm Chiến thắng 30-4. |
Trong câu chuyện với chúng tôi, CCB Nguyễn Cao Đà, ở xóm 2, Nghĩa Xá, xã Xuân Ninh (Xuân Trường), nguyên là Đại đội phó kỹ thuật, Tiểu đoàn 21, Trung đoàn 26, Bộ Tư lệnh Thiết giáp miền Đông Nam Bộ nhớ lại một thời hào hùng, quân và dân cả nước dốc sức, dồn lực quyết đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Mặc dù đã 40 năm trôi qua nhưng ký ức về những năm tháng chiến đấu kiên cường, anh dũng vẫn còn in đậm trong tâm trí người cựu binh Thiết giáp năm xưa. Trước khi bước vào Chiến dịch Hồ Chí Minh, Tiểu đoàn 21 và 52, Trung đoàn 26, Bộ Tư lệnh Thiết giáp miền Đông Nam Bộ đã đánh căn cứ của địch ở huyện Di Linh (Lâm Đồng). Trong trận chiến này, 2 xe thiết giáp của 2 tiểu đoàn bị trúng đạn chống tăng của địch khiến đầu nòng pháo bị hỏng. Một trong 2 chiếc đó do ông chỉ huy. Quả đạn chống tăng ấy đã khiến ông mất đi một đồng đội là đồng chí pháo thủ số 2. Với nhiệm vụ được giao phụ trách kỹ thuật, trước tình huống khẩn cấp, để kịp cho thời gian hành quân vào chiến dịch, ông đã đề nghị cấp trên cho sửa nòng pháo để tiếp tục chiến đấu. Đầu tiên, ông và đồng đội cắt ngắn nòng pháo đi khoảng 1 mét, nhưng khi chạy thử thì xe không cân, đầu pháo giật. Đơn vị đã nghĩ ra biện pháp là dùng xích sắt xe tăng để bó đầu nòng lại và mang xe ra bắn thử để kiểm tra độ an toàn của nòng pháo. Ông Đà nhớ lại: “Chúng tôi đã thử pháo bằng cách buộc dây vào cò giật, tiếp đạn và ròng dây ra ngoài xa nhưng bắn không được. Đến lúc này phải có một người chấp nhận hy sinh để vào khoang lái điều khiển. Tôi suy nghĩ và quyết định bắt tay đồng đội rồi bước vào trong”. Nhưng may mắn cho ông là sau quả đạn đầu tiên, không thấy có hiện tượng gì lạ. Bắn tiếp quả thứ 2, ông biết mình đã thành công. Sau khi chuẩn bị xe pháo, khí tài, chiều ngày 8-4-1975, đơn vị của ông được lệnh tiến vào đánh tuyến Xuân Lộc (Đồng Nai). Thị xã Xuân Lộc là một khu vực phòng thủ trọng yếu của địch, bọn chúng bố trí ở đây một lực lượng rất mạnh. Cuộc chiến đấu diễn ra rất ác liệt, quân ta phải vừa đánh vừa kéo giãn đội hình địch, buộc chúng phải phân tán lực lượng. Sau nhiều ngày đêm chiến đấu, ngày 21-4, địch rút chạy. Phòng tuyến Xuân Lộc của địch bị phá vỡ, quân ta nhanh chóng đánh chiếm các vị trí trọng yếu. Sau trận chiến này, đơn vị của ông còn tiếp tục tiến đánh Dầu Giây, Ông Đồn, Trảng Bom, đánh vào trọng điểm Hố Nai, theo trục Quốc lộ 1 qua ngã tư Suối Máu vào sân bay Biên Hòa. Một bộ phận đơn vị được lệnh ở lại chốt giữ sân bay Biên Hòa. Còn chiếc xe tăng cưa nòng tiếp tục theo đoàn quân tiến sâu vào giải phóng Sài Gòn.
Trong ký ức của CCB Đặng Xuân Khu, xóm 15, xã Giao Yến (Giao Thủy), nguyên là chính trị viên Đại đội 1, Tiểu đoàn 32, Trung đoàn 4, Sư đoàn 10, Quân đoàn 3 thì trận đánh nhớ nhất trong cuộc đời quân ngũ của ông là những trận đánh bảo vệ các cây cầu thuộc phía bắc và tây bắc thành phố, tạo đà cho các cánh quân tiến vào giải phóng Sài Gòn. Ông Khu nhớ lại: Sau khi tiêu diệt Lữ đoàn lính dù số 3 ngụy án ngữ đèo Phượng Hoàng, giải phóng quận lỵ Khánh Dương (Khánh Hòa), các đơn vị của Sư đoàn 10 tiếp tục hành quân thần tốc tiến về Sài Gòn theo chỉ thị của Bộ Chỉ huy chiến dịch. Trên đường hành quân tiến theo hướng bắc và tây bắc vào thành phố có nhiều cầu lớn như: cầu Sáng, cầu Bông, cầu Bình Phước, cầu Ghềnh và 2 cầu xa lộ qua sông Đồng Nai và sông Sài Gòn… Ở các cầu quan trọng này, đơn vị của ông nhận được tin báo địch đã đặt mìn, sẵn sàng đánh sập cầu để ngăn bước tiến của quân ta. Nếu không chiếm được các cầu quan trọng này trước khi địch phá thì bộ đội, xe tăng, pháo binh và các khí tài kỹ thuật nặng của quân ta tiến vào Sài Gòn sẽ rất khó khăn. Đơn vị của ông được lệnh phải bảo vệ cầu Bông, cầu Sáng. Với sự phối hợp của Trung đoàn 198 đặc công, bộ đội đã kịp thời cắt dây mìn, tháo kíp nổ. Trung đoàn 24, Sư đoàn 10 của ông phối hợp với Lữ đoàn 273 xe tăng, vừa bảo vệ cầu, vừa đánh địch, kiên quyết không để địch phá cầu. Trong trận chiến đấu này, quân ta đã tiêu diệt 2 máy bay địch, nhiều xe M41, M48 của địch bị đánh dạt xuống ruộng. Sau nhiều ngày bị quân ta pháo kích, địch không còn tinh thần chiến đấu, rút chạy tán loạn. Đơn vị được lệnh tiếp tục tiến công vào sân bay Tân Sơn Nhất và Bộ Tổng tham mưu ngụy. Các cánh quân của ta xốc tới tiến công với thế mạnh như vũ bão. Dứt tiếng pháo, quân ta đánh chiếm Ngã tư Bảy Hiền. Địch ngoan cố chống cự nhưng vô vọng. Khoảng 9 giờ 30 phút ngày 30-4-1975, quân ta chiếm được cổng sân bay. Hai trung đoàn khác của Sư đoàn 10 bắt đầu đánh thẳng vào cổng chính của Bộ Tổng tham mưu ngụy. Trưa cùng ngày, đơn vị ông nhận được tin Sài Gòn toàn thắng.
Ông Phạm Ngọc Bảng kể lại kỷ niệm chiến trường cho thế hệ trẻ. |
Đối với ông Phạm Ngọc Bảng ở xóm 4, xã Hải Hà (Hải Hậu), nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 4, Lữ đoàn 203 xe tăng, Quân đoàn 2, những chiến công “bách chiến, bách thắng” của đơn vị ông là những trận đánh làm địch phải lui bước. Lữ đoàn 203 xe tăng, Quân đoàn 2 (Binh đoàn Hương Giang) là một trong những đơn vị chủ lực với bề dày chiến công lịch sử từ thời kỳ chống Pháp. Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đơn vị của ông được lệnh tiến vào trung tâm Sài Gòn. Ngay sau khi Quân ủy Trung ương ra lời hiệu triệu: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa; táo bạo, táo bạo hơn nữa; tranh thủ từng giờ, từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam…”, cán bộ, chiến sĩ đơn vị Lữ đoàn 203 rất phấn chấn, khí thế hào hùng, sục sôi, quên hết mệt mỏi sau nhiều ngày đêm hành quân vất vả. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ chọc thủng tuyến phòng ngự Phan Rang, cùng với các cánh quân của Quân đoàn 2, Lữ đoàn 203 chia làm 2 mũi đột kích; mũi thứ nhất do đồng chí Ngô Văn Nhỡ, Tiểu đoàn 1 chỉ huy; mũi thứ 2 do ông chỉ huy thần tốc tiến về hướng cầu Sài Gòn. Đây là một trong những điểm trọng yếu để vượt sông tiến vào nội đô. Chính vì vậy, ở cầu Sài Gòn, địch đã bố trí một lực lượng rất mạnh gồm: bộ binh ngụy, Lữ đoàn Tăng thiết giáp loại M41, M48. Trên sông Đồng Nai, địch bố trí 7 tàu tuần tra, canh gác nghiêm ngặt. Chúng bố trí các chốt từ ngã ba đường 15 đến cầu Sài Gòn. Đây cũng là phòng tuyến cố thủ cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn. Trong suốt 3 ngày đêm (từ 28-4 đến sáng 30-4) đã diễn ra cuộc giao tranh dữ dội giữa ta và địch. Cuộc chiến diễn ra hết sức cam go, quyết liệt. Được sự hỗ trợ của Lữ đoàn 164 pháo tầm xa, Lữ đoàn 673 pháo cao xạ và 2 tiểu đoàn công binh của Lữ đoàn 219, Lữ đoàn 203 xe tăng từng bước chiếm lĩnh trận địa, đẩy lui địch sang phía bên kia cầu Sài Gòn. Ta muốn chiếm giữ cầu để vượt sông, địch lo phòng thủ nên điên cuồng chống trả. Chúng có ý định dồn Quân đoàn 2 tại cầu Sài Gòn hòng làm chậm bước tiến của quân ta nên bố trí 2 xe tăng M41 chấn giữ giữa cầu Sài Gòn. Trên không, chúng dùng máy bay, cắt bom hòng phá hủy cây cầu. Pháo cao xạ của ta đã bắn trả quyết liệt khiến máy bay địch không dám tiếp cận. Với sự mưu trí, anh dũng chiến đấu và sự phối hợp nhịp nhàng của các đơn vị, Lữ đoàn 203 đã chiếm được cầu Sài Gòn, tiếp tục tiến đánh cầu Rạch Chiếc, tiến về xa lộ Sài Gòn, đập tan cụm phòng ngự của bộ binh, cơ giới địch ở đây, tiến thẳng vào nội đô. Cùng với các cánh quân, đơn vị Lữ đoàn 203 đã tiến thẳng vào Dinh Độc Lập, bắt toàn bộ ngụy quyền, buộc chúng tuyên bố đầu hàng không điều kiện.
Năm tháng qua đi nhưng Chiến thắng 30-4 mãi mãi đi vào lịch sử dân tộc như một mốc son chói lọi, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Ký ức hào hùng ấy sẽ còn mãi trong lòng những CCB - những người đã vinh dự có mặt ở thời khắc lịch sử của dân tộc./.
Bài và ảnh: Hoàng Tuấn