[links()]
(Tiếp theo)
Ngày 20-6-1951, Chiến dịch Quang Trung kết thúc. Đầu chiến dịch, ta bỏ lỡ thời cơ; giữa chiến dịch tuy có cố gắng, song tình thế không còn thuận lợi như trước, nên chủ trương mở rộng cơ sở mối thực hiện được một chừng mực; đồng thời chưa đẩy mạnh chiến tranh du kích, "xây dựng làng chiến đấu" như Thường vụ Tỉnh ủy Nam Định đã đề ra. Tình hình trong tỉnh vẫn rất khó khăn.
Uỷ ban quân chính và hành chính thành phố Nam Định ra mắt nhân dân ngày 2-9-1954. |
Chúng ta chưa tranh thủ được thời cơ để hoàn thành nhiệm vụ vì có những khó khăn khách quan, nhưng chủ yếu là ta chưa nắm vững phương châm chỉ đạo các lực lượng vũ trang địa phương trong địch hậu là phải "Bám sát dân, chống thoát ly nhân dân"; trong khi đó, lại có chủ trương cho bộ đội tỉnh, huyện ra vùng tự do Ninh Bình, Thanh Hoá để củng cố và huấn luyện. Xa dân, xa phong trào gặp nhiều khó khăn, sức khoẻ bộ đội giảm sút, nhiều tư tưởng tiêu cực nảy sinh. Chiến dịch mở, đường về bị địch phong toả, tới giữa chiến dịch mới về được thì lại bỡ ngỡ một thời gian, nên bộ đội chưa làm được vai trò mũi nhọn và chỗ dựa cho quần chúng vùng dậy.
Mặt khác các cơ quan chỉ đạo của tỉnh và nhiều huyện, tuy có để một bộ phận trong địch hậu, nhưng lực lượng quan trọng vẫn còn ở ngoài vùng tự do Ninh Bình, Thanh Hoá và chỉ đạo thiếu kịp thời, sắc bén.
Sau Chiến dịch Quang Trung, địch ra sức tiến hành chiến tranh tổng lực, tiếp tục đánh phá ác liệt, tăng cường vơ vét kinh tế, đẩy mạnh chiến dịch đầu độc, lừa gạt nhân dân trên lĩnh vực chính trị, văn hoá.
Quân địch được điều về ứng phó Chiến dịch Quang Trung vẫn tiếp tục đóng lại trên phòng tuyến sông Đáy hàng tháng để phối hợp với quân chiếm đóng tiếp tục càn quét, đánh phá vùng tranh chấp, ở phía nam Nam Định, chúng đưa một số lính ứng chiến Âu - Phi ở các mặt trận về Bùi Chu nghỉ ngơi và hỗ trợ ngụy quân, nguỵ quyền tiếp tục âm mưu bình định. Chúng lập thêm hệ thống tề dõng ở cấp tổng, vũ trang cho nhiều ban tề xã để tăng cường kìm kẹp nhân dân ta.
Đặc biệt liên tiếp trong tháng 7, tháng 8-1951, địch càn quét dữ dội các huyện: Nam Trực, Trực Ninh nơi phong trào vừa được phục hồi khá nhất ở phía nam tỉnh. Với khẩu hiệu "càn thanh, quét cán", địch phối hợp cả quân cơ động, quân đồn trú và lực lượng biệt động bao vây chặt chẽ, lục soát kỹ càng từng thôn. Khu căn cứ kháng chiến liên hoàn "Dân Chủ - Cộng Hoà" gồm các xã Nam Minh, Nam Hoa, Nam Trung, Nam Hồng bị tàn phá. Các chi bộ bị tổn thất lớn, nhiều bí thư chi bộ hy sinh, lực lượng vũ trang bị hao hụt nhiều. Riêng ở Nam Trực, qua cuộc càn quét này, số du kích chiến đấu chỉ còn lại không được 1/3. Ở thành phố Nam Định, một số cán bộ, đoàn viên thanh niên, học sinh, công đoàn và hội liên hiệp Hoa kiều cũng bị địch bắt vì hoạt động công khai, lộ liễu, để kẻ địch lọt vào tổ chức làm nội gián phá ta.
Nhằm triệt phá kinh tế của ta, trong các trận càn quét, địch đã cho xe cóc phá nát lúa chín ngoài đồng, vứt lúa độn đường cho xe cơ giới quần nát, đổ thóc xuống sông hoặc còn đưa cả cối xay đến bắt dân làm gạo chuyển đi. Trong đó huyện Ý Yên bị thiệt hại nhiều nhất.
Ở vùng tạm chiếm sâu, ngoài việc tung tiền giả ra đong thóc, giặc đã dụ dỗ, ép buộc nhân dân tập trung thóc lên các vị trí địch đóng quân, lấy cớ là để "bảo vệ tài sản cho dân chúng", để "Việt Minh khỏi lấy mất". Đồng thời chúng tiến hành vơ vét bằng thuế má rất nặng nề. Ngoài thuế ruộng, thuế môn bài, thuế thuyền chài, thuế muối.... Chúng còn đặt ta nhiều thứ thuế vô lý như thuế lập tỉnh Bùi Chu bổ vào từng thôn bên lương và mỗi giáo dân, thuế nuôi dưõng, đánh vào những người dân từ 16 đến 60 tuổi, không kể trai hay gái.
Một mặt cướp phá, vơ vét, một mặt chúng đầu độc lừa bịp quần chúng, cho lưu hành nhiều loại sách báo phản động, đồi truỵ, mở lại một số trưòng học truyền bá nền giáo dục thực dân.
Chiến tranh tổng lực của địch gây rất nhiều khó khăn cho ta. Tính đến tháng 10-1951, trong số trên 700 thôn trong tỉnh chỉ còn ba thôn ở Ý Yên và một thôn ngoại thành Nam Định là không có tề. Một lần nữa Nam Định lại bị địch tạm chiếm hoàn toàn.
(Còn nữa)