[links()]
Bước vào năm 1951, trong khi nhân dân Nam Định đang vượt qua nhiều thử thách gay gắt, kiên cường chiến đấu chống giặc Pháp thì một sự kiện chính trị trọng đại diễn ra trên đất nước ta. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng được tổ chức từ ngày 11 đến ngày 19-2-1951. Đại hội đã tổng kết những kinh nghiệm đấu tranh của Đảng và đề ra chủ trương đưa cuộc kháng chiến của nhân dân ta đến toàn thắng; quyết định đưa Đảng ra công khai và lấy tên là Đảng Lao động Việt Nam. Sau đó Liên khu uỷ III mở Hội nghị cán bộ Liên khu (từ ngày 6 đến ngày 13-3-1951) để quán triệt Nghị quyết Đại hội Đảng, đề ra nhiệm vụ trung tâm cho toàn Liên khu là: Phát động chiến tranh du kích đến cao độ; mở rộng và mở thêm những khu du kích trong lòng địch. Nhiệm vụ tăng gia sản xuất, bảo vệ thóc lúa được đề ra sau nhiệm vụ kháng chiến nhằm động viên sức của cho kháng chiến, chống âm mưu "lấy chiến tranh nuôi chiến tranh" của địch.
Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ II, diễn ra từ ngày 11-19/2/1951 tại xã Vinh Quang, Chiêm Hóa, Tuyên Quang. |
Quán triệt chủ trương của Trung ương, của Liên khu uỷ III, từ ngày 20-3 đến ngày 3-4-1951, tại một địa điểm thuộc huyện Yên Định tỉnh Thanh Hoá, Đảng bộ Nam Định đã họp Hội nghị đại biểu toàn tỉnh đề ra nhiệm vụ bao trùm cho toàn tỉnh trong năm 1951: "Quyết tâm vượt mọi khó khăn, tích cực xây dựng cơ sở mọi mặt, thực hiện góp công, góp của để đánh thắng". Hội nghị đề ra chủ trương và biện pháp khôi phục, phát triển các làng chiến đấu, chuẩn bị tiến tới xây dựng những khu du kích, phát động quần chúng đấu tranh với giặc từ thấp lên cao; từng bước đòi quyền lợi thiết thân, tiến lên đấu tranh quân sự với địch. Một nhiệm vụ cấp thiết trước mắt được đề ra là: Gấp rút chuẩn bị chiến trường, chuẩn bị tiếp thu vùng mới giải phóng khi quân ta mở chiến dịch đánh lớn ở chiến trường đồng bằng. Hội nghị còn nêu vấn để học tập lý luận, đào tạo cán bộ, tự phê bình và phê bình, mở rộng dân chủ trong Đảng.
Lúc này địch dồn mọi nỗ lực để bình định bằng được vùng tạm chiếm. Chúng ra sức củng cố nguỵ quyền theo hướng thống nhất, tập trung quyền lực chỉ huy của Pháp và gạt ra dần những thế lực thân Mỹ. Cái chiêu bài "Công giáo tự trị" bị xoá bỏ. "Khu Công giáo tự trị Bùi Chu" trở thành "Tỉnh Bùi Chu", sáp nhập vào Bắc phần thuộc hệ thống nguỵ quyền Bảo Đại. Tiểu đoàn "Tự lực 2" Bùi Chu nay thành tiểu đoàn nguỵ 16 BVN của Pháp. Ở các cấp nguỵ quyền, các đảng phái thân Mỹ như "Đại Việt Duy dân", "Liên hiệp Dân chúng"... đều bị gạt ra và thay bằng những tên thân Pháp.
Đề phòng ta mở chiến dịch, địch tung lực lượng ứng chiến, đóng thêm vị trí ở Cổ Đam, Kinh Thanh, cầu Bo, Phố Cháy (Ý Yên); sửa chữa đường sá, tăng cường kiểm soát các đưòng giao thông. Chúng còn mở nhiều cuộc càn quét cướp phá thóc lúa và thuyền bè, tre, luồng làm cầu... mà ta chuẩn bị cho chiến dịch.
Về phía ta, phần lớn các đơn vị bộ đội địa phương tỉnh, huyện đều rút ra vùng tự do Ninh Bình, Thanh Hoá để củng cố. Các xã phía bắc tỉnh, nhất là huyện Ý Yên, bị địch chà đi xát lại rất ác liệt. Phần lớn nhân dân phải tản cư ra vùng tự do, một số chạy vào vùng tạm chiếm. Bộ máy lãnh đạo xã lại có hiện tượng xáo trộn, rời rạc, có những bộ phận bị "bật đất". Do đó việc chuẩn bị của địa phương cho chiến dịch gặp nhiều khó khăn.
Trước tình hình ấy, Thường vụ Tỉnh uỷ Nam Định đã có kế hoạch bổ khuyết, đề ra phương hướng chuẩn bị chiến trường cho địa phương: Phục vụ và phối hợp với bộ đội chủ lực, tận dụng thời cơ chiến dịch, địch đang lúng túng mà tranh thủ nhân dân, mở rộng cơ sở, đẩy mạnh chiến tranh du kích, xây dựng làng chiến đấu và mở rộng hình thức "Thôn trang chiến". Thường vụ Tỉnh uỷ còn đề ra một số công tác cụ thể như lãnh đạo nhân dân bảo vệ mùa màng, chống địch thu thuế và phá thóc lúa; đẩy mạnh công tác nguỵ vận làm tan rã hàng ngũ địch; tập trung lực lượng phá tề vũ trang. Về công tác tư tưởng, Thường vụ chỉ rõ cần phải chống những tư tưởng sai lệch như cầu an, không dám vùng dậy đấu tranh, hoặc quá ỷ lại, trông chờ bộ đội chủ lực; đồng thời cũng phải tránh lạc quan "tếu" làm lộ bí mật hoặc để "tiêu binh" lực lượng.
Vào những ngày cuối tháng 4-1951, tại căn cứ địa Việt Bắc, theo chủ trương của Đảng, Bộ tổng tư lệnh mở hội nghị tổng kết kinh nghiệm chiến dịch Hoàng Hoa Thám và ra quyết định mở Chiến dịch Quang Trung (tức Chiến dịch Hà Nam Ninh) nhằm tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực của địch, phá một mảng nguỵ quân, nguỵ quyền, tạo điều kiện cho việc phục hồi cơ sở, phát triển du kích chiến tranh và bảo vệ tính mạng, tài sản, mùa màng cho nhân dân.
Đảng uỷ mặt trận và bộ chỉ huy chiến dịch đã xác định hướng chiến dịch và phân công các đơn vị chủ lực như sau:
Hướng chính là Ninh Bình do hai Đại đoàn 304 và 308 đảm nhận. Hướng quan trọng là Hà Nam do Đại đoàn 320 đảm nhiệm. Hướng hoạt động phối hợp là Nam Định.
(Còn nữa)