Chống địch mở rộng chiếm đóng trên địa bàn toàn tỉnh, phát triển chiến tranh du kích (Kỳ 9)

06:04, 09/04/2015

[links()]

(Tiếp theo)

    Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy, các chi bộ đảng và chính quyền đã tổ chức cho cán bộ, đảng viên giúp đỡ, thăm hỏi bà con giáo dân, phổ biến chủ trương đoàn kết lương, giáo của Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh; vạch rõ âm mưu, thủ đoạn thâm độc chia rẽ lương-giáo của giặc Pháp và bè lũ phản động, đồng thời nêu bật những gương tiêu biểu của những linh mục và giáo dân đã hết lòng kính chúa, yêu nước, phụng sự kháng chiến. Nhiều cán bộ, đảng viên do thấm nhuần chủ trương của Đảng, đã kiên trì gian khổ, thâm nhập quần chúng giáo dân, giác ngộ họ, tổ chức họ vùng dậy đấu tranh. Vì vậy, chỉ trong vòng nửa năm đã có hàng vạn giáo dân tham gia các đoàn thể kháng chiến. Giáo dân một số nơi đã vùng dậy chống bọn phản động đội lốt thầy tu, bảo vệ quyền lợi chính đáng hoặc tố cáo tội ác của chúng, buộc một số tên phải đổi đi nơi khác. Nhân dân Hải Hậu đấu tranh không cho Vũ Đức Khâm về xứ Hai Giáp (Hải Hậu). Nhân dân Văn Lý (Hải Hậu), Kiên Bình (Giao Thuỷ) đòi bọn "quân chính" phải trả lại vùng cá, bãi cói. Đồng bào ở Báo Đáp (Nam Trực) không cho địch phá nhà, bán ruộng lập thị trấn. Đặc biệt, hàng ngàn nông dân lương, giáo phối hợp đấu tranh buộc bọn địa chủ nhà Chung Ninh Cường phải cho xẻ đập Cau, do chúng đắp lại vì quyền lợi riêng của nhà Chung làm úng hàng ngàn mẫu ruộng của nông dân. Cuộc bãi thị của giáo dân Liên Hoành (Giao Thuỷ) chống bọn tu sĩ phản động thu và xé tiền Việt Nam, không những bảo vệ quyền lợi kinh tế mà còn có ý nghĩa chính trị rất lớn.

    Để tăng cường sức chiến đấu cho các tổ chức đảng, Tỉnh uỷ Nam Định chủ trương "xây dựng chi bộ bí mật và chiến đấu để lãnh đạo chiến tranh nhân dân", thông qua việc thực hiện nhiệm vụ chính trị từng thời kỳ và lãnh đạo chiến đấu đẩy mạnh phê bình và tự phê bình, thường xuyên tổ chức học tập đường lối, chính sách cho các đảng viên, trong đó đợt "kiểm thảo, sửa đổi nền nếp vận động nhân dân" theo Thư gửi đồng bào Liên khu III của Chủ tịch Hồ Chí Minh được tiến hành rất sâu rộng.

    Trong điều kiện vô cùng khó khăn ở vùng địch hậu, các Huyện uỷ mở được gần 100 lớp bồi dưỡng chính trị cho trên 2.000 cán bộ, đảng viên. Qua thực tế rèn luyện, trưởng thành đã xuất hiện những tập thể chi bộ giỏi trong việc phục hồi cơ sở và kiên quyết phát động chiến tranh nhân dân chống địch như các chi bộ Đồng Nguyên (Nghĩa Hưng); Bắc Sơn, Đồng Lạc (Nam Trực); Đỉnh Tân (Trực Ninh); Liên Phương (Hải Hậu); Liên Minh, Khánh Lão (Vụ Bản); khu phố Tống Văn Trân (thành phố Nam Định); Vũ Dương, Hợp Cường, Tứ Mỹ (Ý Yên)... rất nhiều đảng viên đã gan dạ giữ vững tinh thần cách mạng trước quân thù và anh dũng hy sinh. Đồng chí Trần Văn Chử quê xã Hải Trung, uỷ viên Thường vụ Huyện uỷ Hải Hậu, được huyện phân công trực tiếp lãnh đạo chỉ huy Đội Tuyên truyền vũ trang đã cùng đội ngày đêm len lỏi tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng đến với từng xóm đạo, thấu suốt đến từng người dân, chắp nối cơ sở, phục hồi phong trào. Trong một trận chiến đấu, bị sa vào tay giặc, địch ra sức mua chuộc và tra tấn cực hình, đồng chí vẫn giữ vững ý chí chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Đồng chí Trần Văn Thảo, Bí thư chi bộ Vũ Dương (Ý Yên) trong chiến đấu bị thương song không chịu về tuyến sau, tiếp tục ở lại trận địa cùng đồng đội chiến đấu đến lúc hy sinh.

    Đến cuối năm 1950, toàn Đảng bộ có 9.987 đảng viên với 257 chi bộ, trong đó 21 chi bộ (có 14 chi bộ ở Giao Thuỷ) trong vùng tạm bị chiếm sâu là chưa nối được liên lạc. Sau một năm vật lộn với địch, toàn tỉnh giảm 2.341 đảng viên (một số đảng viên hy sinh trong chiến đấu, một số qua thử thách bị rơi rụng, trong đó có 261 đảng viên bị thi hành kỷ luật). Qua thử thách, chiến đấu, các tổ chức đảng đã được củng cố, kiện toàn và tăng cưòng sức chiến đấu.

    Tháng 9-1950, Trung ương Đảng quyết định mở Chiến dịch Biên giới nhằm tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch; củng cố mở rộng căn cứ địa Việt Bắc; nối liền nưóc ta với các nước trong hệ thống xã hội chủ nghĩa; giải phóng một phần đất đai, tiến tới giành quyền chủ động chiến lược trên chiến trường chính.

    Thắng lợi ở Chiến dịch Biên giới là một đòn giáng mạnh vào khả năng và ý đồ xâm lược lâu dài Việt Nam của thực dân Pháp. Sau thắng lợi này, quyền chủ động tiến công trên chiến trường đã nghiêng về phía quân và dân ta. Căn cứ địa Việt Bắc được mở rộng và củng cố. Việt Bắc được nối liền với các chiến trường khác trong nước. Vòng vây của chủ nghĩa đế quốc với nước ta đã bị chọc thủng.

    Thắng lợi của Chiến dịch Biên giói đã đánh dấu bước trưỏng thành lớn của Đảng ta trong việc lãnh đạo và chỉ đạo chiến tranh, củng cố lòng tin của nhân dân cả nước vào thắng lợi cuối cùng của cuộc kháng chiến. Thắng lợi đó cũng thúc đẩy mạnh mẽ phong trào chống cuộc chiến tranh bẩn thỉu của thực dân Pháp ở Đông Dương của các tầng lớp nhân dân Pháp. Nhân dân các nước Angiêri, Marốc, Tuynidi đã lên tiếng đòi quân viễn chinh Pháp ra khỏi Việt Nam. Nhiều nghị sĩ Quốc hội Pháp lên tiếng đòi Chính phủ Pháp đàm phán với Chính phủ Hồ Chí Minh. Trong giới cầm quyền Pháp cũng nảy sinh nhiều mâu thuẫn và những chính kiến trái ngược nhau về cuộc chiến tranh mà họ đang tiến hành ở Đông Dương.

(Còn nữa)

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com