[links()]
(Tiếp theo)
Sau hai tháng liên tục chiến đấu, quân và dân ta đã xoay chuyển tình thế, từ chỗ bị tiến công sang phản công quân địch, phá vỡ từng mảng lớn nguỵ quân, nguỵ quyền, phục hồi cơ sở, tạo ra một khí thế đấu tranh mới trong nhân dân. Cùng với thắng lợi quân sự, bước đầu ta đã làm phá sản âm mưu chia rẽ lương-giáo của địch, củng cố thêm khối đoàn kết toàn dân.
Chiến đấu chống địch càn quét tại xã Xuân An, huyện Xuân Trường, năm 1952. |
Trong đợt hoạt động: "Lương-giáo đoàn kết", "Thi đua giết giặc" do Tỉnh uỷ Nam Định phát động, Huyện uỷ Ý Yên đã phát huy thắng lợi, động viên toàn Đảng bộ và nhân dân xây dựng và mở rộng khu du kích trong lòng địch.
Bộ đội địa phương huyện trước đây phân tán để dìu dắt dân quân, du kích, nay được tập trung làm mũi nhọn xung kích. Không khí thi đua đánh giặc, diệt tề bừng bừng khắp nơi trong huyện. Chỉ một thời gian ngắn, hầu hết các ban tề địch vừa lập đã bị phá tan, hai vị trí vệ sĩ bị tiêu diệt. Các vị trí Âu - Phi bị bao vây chặt chẽ. Địch bị dồn vào thế khốn quẫn, tinh thần hoang mang dao động.
Trên đà thắng lợi, quần chúng nhân dân không những tham gia ủng hộ bộ đội, du kích về mọi mặt mà còn hăng hái tự động đánh giặc. Ở Văn Xá, chú bé chăn vịt cũng đuổi bắt nguỵ binh. Tại thôn Nguyễn, cụ già và phụ nữ cũng vác gậy đánh giặc, còn ở Tứ Mỹ có em bé liên lạc một mình dùng lựu đạn phục kích địch trên đường 10 và ở Dưỡng Chính, nhân dân tự gài mìn, đào hố bẫy giặc...
Thông qua lãnh đạo chiến đấu, Đảng bộ Ý Yên thực sự là hạt nhân của phong trào chiến tranh nhân dân. Nhiều đảng viên có tinh thần hy sinh chiến đấu được khen thưởng đề bạt. Trên 200 quần chúng được thử thách trong chiến đấu đã được kết nạp vào Đảng. Các tổ chức quần chúng, khi địch càn quét tạm ngừng hoạt động, nay trở lại sinh hoạt và phát triển thêm hàng ngàn hội viên.
Những thắng lợi to lớn trên đây là do Đảng bộ Ý Yên đã nghiêm chỉnh chấp hành chủ trương của Tỉnh uỷ trong việc chuẩn bị mọi mặt chống địch lấn chiếm, chủ động đối phó với địch ngay từ đầu. Đảng bộ Ý Yên còn hết sức quan tâm đến công tác giáo dục tư tưởng, khơi gợi lòng yêu nước căm thù giặc, phát động được ý chí quyết tâm giết giặc giữ làng cho đảng viên và quần chúng và kiên quyết đấu tranh với những tư tưởng hữu khuynh, cầu an. Trong chỉ đạo chiến đấu, Đảng bộ Ý Yên đã vận dụng đúng đắn đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng, phát huy nhiều sáng tạo, tận dụng được mọi khả năng của quần chúng, phát động được toàn dân hăng hái cầm vũ khí đánh giặc. Ngoài ra, Đảng bộ Ý Yên còn biết chỉ đạo toàn diện các mặt hoạt động khác, phục vụ cho nhiệm vụ trung tâm lúc đó là chiến đấu chống giặc và lấy nhiệm vụ trung tâm là hòn đá thử vàng để củng cố phát triển tổ chức, làm cho trong chiến đấu lực lượng của ta ít tiêu hao mà còn phát triển các mặt hoạt động phong phú hơn lên.
Thắng lợi của Đảng bộ và nhân dân Ý Yên đã có sức cổ vũ to lớn cho quân dân toàn tỉnh, củng cố thêm niềm tin cho mọi người vào đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng, góp thêm những kinh nghiệm tốt về chiến tranh nhân dân trong toàn Liên khu.
Ở các địa phương khác trong tỉnh, giữa hàng trăm đồn bốt giặc dày đặc, tổ chức Đảng ở các cấp đã tổ chức được nhiều cuộc tuyên truyền vũ trang, mít tinh, tuần hành, thị uy, có cuộc tới hàng nghìn người tham dự. Trong khi đó, bộ đội, du kích đã phối hợp bao vây, quấy rối nhiều vị trí địch, làm chúng hoảng hốt mất ăn, mất ngủ và tiêu diệt được hàng chục đồn vệ sĩ. Các đường giao thông lớn trong tỉnh như đường 10, 12, 21, 38, 56, 57... đều bị phá nghiêm trọng, xe cơ giới địch không hoạt động được. Nhiều trận đánh địa lôi diệt địch, đánh quân địch đi càn, đi tiếp viện đã diễn ra khắp nơi. Huyện Nghĩa Hưng, nơi phong trào trước đây kém đã đánh 40 trận phục kích chống càn trong tháng "Thi đua giết giặc".
Nhiều huyện đã xây dựng những làng chiến đấu kiên cố như An Cổ (Mỹ Lộc), Đào Thôn, Bàn Kết (Vụ Bản), Quần Lạc (Trực Ninh). Đặc biệt khu làng chiến đấu liên hoàn Bắc Sơn - Đồng Nguyên (Nam Trực - Nghĩa Hưng) đã trở thành khu căn cứ của huyện Nam Trực, đứng vững trong lòng địch suốt tám tháng trời ỏ mối giao thông giữa hai đầu nam, bắc tỉnh; là mũi nhọn lợi hại chặn hai con đường thuỷ bộ của địch (sông Đào và đường 55) và mở tuyến giao thông của ta sang tả ngạn sông Hồng.
Phối hợp chiến đấu với quân dân các địa phương, ngay trong thành phố - trung tâm kinh tế và bộ máy thống trị của thực dân Pháp, Đảng bộ Nam Định đã lãnh đạo cuộc đánh phá kinh tế của địch.
Ngày 1-10-1950, dưới sự lãnh đạo của Chi bộ Nhà máy sợi, công nhân đốt cháy gần 50 vạn mét vải, hàng kho sợi và nhiều máy móc, gây thiệt hại cho địch tới hàng trăm triệu đồng Đông Dương. Hoạt động của công nhân không những gây tổn thất cho địch về mặt kinh tế mà còn gây tổn hại đáng kể về thông tin liên lạc của chúng. Để đánh đòn tâm lý, gây hoang mang trong binh lính và nguỵ quyền, công an nội thành đã gây nổ ở một cửa hàng giải khát giết một số sĩ quan và binh lính Âu - Phi.
(Còn nữa)