[links()]
(Tiếp theo)
Ngày 21-5, địch tập trung trên 2.000 quân cơ động mở cuộc càn lớn vào 4 xã Yên Hồng, Yên Hưng, Yên Phương, Yên Thọ (Ý Yên) lập vành đai sông Đáy, cắt đứt đường qua lại từ Nam Định sang vùng tự do Ninh Bình. Sau đó chúng đánh tiếp điểm cao núi Bô, núi Già và xây dựng sân bay dã chiến Hoàng Đan. Chỉ tính trong vòng hai tuần lễ, địch đã mở tới 30 trận càn lớn nhỏ, liên miên, hòng làm ta không kịp trở tay đối phó rồi "cất vó" quân ta ở khu vực giáp ranh các huyện Ý Yên, Vụ Bản, Thanh Liêm, Bình Lục. Trong cuộc hành quân này, địch tàn sát, đốt phá rất tàn bạo, hòng dùng thép và lửa để đè bẹp sức đề kháng của nhân dân ta.
Bác Hồ chỉ đạo chiến dịch biên giới 1950. Ảnh: Tư Liệu |
Mặc dù bị địch điên cuồng tiến công, đánh phá, nhân dân vùng đồng chiêm trũng Ý Yên - một vùng còn đói nghèo trong tỉnh, vốn có truyền thống chống ngoại xâm lâu đời đã sẵn sàng đứng lên cầm vũ khí đánh giặc. Có chủ trương đúng đắn, lại có sự chuẩn bị chu đáo, nên quân dân ta đã giành được chủ động ngay từ đầu, giáng cho địch những đòn choáng váng. Càn quét quanh đường 10, chúng đã vấp phải mìn của du kích Cao Bồ, Cầu Cổ, Tứ Mỹ. Sục sạo vào các làng ven đường 10, chúng bị quân dân các làng chiến đấu Đô Quan, Lũ Phong, Liên Minh... đánh trả quyết liệt. Địch còn vấp phải sự chống trả mạnh mẽ của các đại đội bộ đội địa phương 33, 91, 26 vừa được tỉnh tăng cưòng. Địch âm mưu chia cắt từng vùng, càn quét dứt điểm, bao vây lực lượng của ta, thì bộ đội, cán bộ vừa đánh vừa di chuyển không cho chúng bao vây; đồng thời vẫn bám sát cơ sở, giúp dân gặt hái, cất giấu tài sản, tiến hành tuyên truyền vũ trang, đẩy mạnh chiến tranh du kích. Nhiều trận chống càn rất quyết liệt, tiêu biểu là các trận ở xã Cộng Hoà, Bảo Đài, Thọ Bằng, nhất là ở Vũ Dương. Để phá âm mưu lấn chiếm của địch, bảo vệ quê hương, chi bộ đảng và nhân dân xã Vũ Dương đã huy động gần 10 vạn cây tre, tạo ra hàng chục ngàn mét hào và hầm giao thông, dựa vào địa hình, địa vật sẵn có xây dựng một làng chiến đấu kiên cố. Ngày 17-6-1950, địch đưa một tiểu đoàn về càn quét. Lực lượng cơ sở chỉ có một tiểu đội du kích tập trung phối hợp với một bộ phận nhỏ bộ đội địa phương và một số nhân dân, đã chiến đấu rất dũng cảm. Lừa cho địch vào từng ngõ ống, chỉ với mìn, lựu đạn, gạch đá, chai lọ... quân dân Vũ Dương đã giết và làm bị thương hơn 100 tên, thu một số vũ khí, trong đó có một đại liên, hai trung liên. Đó là một thắng lợi có sức cổ vũ to lớn, củng cố niềm tin của nhân dân vào đường lối kháng chiến của Đảng.
Qua hai tháng trực tiếp đối đầu với giặc Pháp, quân dân Ý Yên đã dày dạn trong chiến đấu. Lúc đầu nhiều người còn sợ địch, sau đã dám đánh địch, góp phần làm phong trào kháng chiến toàn dân phát triển nhanh chóng. Trong mọi hoàn cảnh gay go, ác liệt, tổ chức Đảng các cấp vẫn bám dân, bám đất... Lãnh đạo chiến đấu bảo vệ dân, bảo vệ sản xuất, bảo toàn được lực lượng vũ trang; đồng thời thu hoạch tốt vụ chiêm, giữ gìn được phong trào và cơ sở mọi mặt. Tuy nhiên, do tương quan lực lượng quá chênh lệch, ta chỉ có thể làm chậm bước tiến, chứ chưa thể chặn đứng được chúng. Mặt khác, địch lại càn quét đúng lúc lúa chiêm chín rộ, một sốquần chúng có phần hoang mang muốn tạm lập tề để có điều kiện thu hoạch. Do đó, địch đã dựng được nguỵ quyền ở các thôn chúng vừa càn quét; đóng lại vị trí Âu - Phi và hai vị trí vệ sĩ. Ngày 27-6-1950, địch rút hết quân ứng chiến đi càn nơi khác. Lực lượng lưu động ở địa phương chỉ còn lại một đại đội hầu hết là nguỵ binh. Tổng số quân chiếm đóng chỉ còn ba, bốn trăm. Mùa mưa đến, đồng nước mênh mông, hoạt động của địch bị hạn chế một phần.
Sau khi chiếm được phía nam Nam Định và một phần tỉnh Ninh Bình, Bộ chỉ huy quân viễn chinh Pháp tập trung một lực lượng lớn quân cơ động hầu hết là lính Âu - Phi về Phú Xuyên, Vân Đình (Hà Đông), thị xã Ninh Bình và thành phố Nam Định, chuẩn bị mở cuộc hành binh lớn mang tên Phuđơrơ đánh chiếm tỉnh Hà Nam, tiếp tục thực hiện âm mưu đánh chiếm đồng bằng Bắc Bộ của tướng Rơve. Gần hai tháng đánh chiếm Hà Nam, địch chỉ chiếm được các thị xã, thị trấn gần đường giao thông lớn và một số cao điểm. Còn những địa bàn nằm xa đường giao thông, nằm sâu trong nội địa ven sông Hồng vẫn thuộc vùng tự do của quân dân ta.
Trong vòng 10 tháng kể từ khi cuộc hành binh Ăngtơraxit (16-10-1949) đến kết thúc cuộc hành binh Phuđơrơ (7-1950), Bộ Chỉ huy Pháp đã mở ba cuộc tiến công gồm hàng trăm trận càn lớn nhỏ, thọc sâu đánh phá, mở rộng vùng kiểm soát ra toàn tỉnh Nam Định. Với ưu thế về binh khí kỹ thuật và thủ đoạn chiến tranh nhà nghề, giặc Pháp đã tạm thòi giành được một số kết quả, thiết lập được một hệ thống chính quyền bù nhìn tay sai ở những nơi chúng chiếm đóng.
Tháng 7-1950, giữa lúc quân địch ra sức càn quét bình định, củng cố các vùng đã chiếm được trên địa bàn Nam Định, thì Liên khu uỷ III ra Chỉ thị mở cuộc vận động "Lương-giáo đoàn kết thi đua giết giặc" nhằm đẩy mạnh công tác tôn giáo vận, phá nguỵ quân nguỵ quyền, chống âm mưu lợi dụng Thiên Chúa giáo của giặc.
Thực hiện Chỉ thị của Liên khu uỷ III, Tỉnh uỷ Nam Định đề ra cuộc vận động trong vòng hai tháng "thi đua giết giặc lập công", với khẩu hiệu: "Xã nào cũng đánh giặc, giặc đi đến đâu bị đánh đến đấy" nhằm đẩy mạnh phong trào kháng chiến trong toàn tỉnh, phục hồi cơ sở, phát triển chiến tranh nhân dân, phá âm mưu chia rẽ của địch.
(Còn nữa)