Chống địch mở rộng chiếm đóng trên địa bàn toàn tỉnh, phát triển chiến tranh du kích (Kỳ 11)

06:04, 16/04/2015

[links()]

(Tiếp theo)

    Khi địch mở các cuộc hành quân đánh phá dữ dội các làng kháng chiến và căn cứ du kích của ta, cấp uỷ ở các địa phương đã lãnh đạo nhân dân cùng lực lượng vũ trang đã kiên trì bám trụ, dũng cảm, linh hoạt chiến đấu, gây cho chúng nhiều thiệt hại. Địch âm mưu chia cắt từng vùng, càn quét dứt điểm, bao vây cất vó ta, thì bộ đội, du kích vừa đánh, vừa di chuyển không cho chúng bao vây. Địch đánh nơi này, ta nhằm sơ hở tiến công chúng nơi khác. Quân địch rút, lập tức cán bộ hướng dẫn nhân dân nhanh chóng trở về khôi phục nhà cửa, gặt hái, cất giấu tài sản; đồng thời tiến hành vũ trang tuyên truyền đẩy mạnh chiến tranh du kích; trong đó có nhiều trận chống càn đạt hiệu suất chiến đấu cao. Điển hình là nhân dân và du kích Hợp Cường (Ý Yên) chỉ với vũ khí thô sơ đã chiến đấu ròng rã ba ngày dưới bom đạn của giặc, đánh bật hàng chục đợt xung phong, làm 115 tên chết và bị thương. Trận Trại Kiếu (Ý Yên) chỉ có sáu du kích, một cụ già, một em nhỏ liên lạc đã chặn đánh sáu đợt xung phong của giặc có máy bay và pháo lớn yểm trợ. Đến tối, địch phải tháo lui. Trong trận Bắc Sơn - Đồng Nguyên tháng 3-1951, 10 cây súng của bộ đội đã đương đầu với 2.000 quân địch, có máy bay, tàu chiến yểm trợ, có đại bác tập trung bắn hàng ngàn quả đạn. Sau nhiều lần xung phong, bị thiệt hại nặng, địch mới vào được làng. Chiến thắng Bắc Sơn - Đồng Nguyên có một ý nghĩa rất lớn. Nó chỉ ra khả năng một số đơn vị nhỏ lực lượng vũ trang địa phương, dựa vào làng chiến đấu có thể đánh bại cuộc tiến công với lực lượng lớn quân địch.

    Tuy nhiên trong chỉ đạo, chúng ta đã mắc một số thiếu sót, Đảng bộ chưa uốn nắn kịp thời những tư tưởng chủ quan, lạc quan "tếu", biểu hiện rõ rệt nhất ở những hoạt động công khai, phô trương lộ liễu... nảy sinh từ những thắng lợi vừa đạt được.

    Một số cấp uỷ còn phạm sai lầm "tả khuynh" như ở Xuân Trường, Trực Ninh. Trong khi địch đang tập trung lực lượng đánh phá, cơ sở kháng chiến vừa được phục hồi nhưng chưa được củng cố thì một số đồng chí trong Huyện uỷ áp dụng máy móc kinh nghiệm của Ý Yên, đã phát động quần chúng nổi dậy phá tề, rào làng chiến đấu trong toàn huyện Xuân Trường và một phần huyện Trực Ninh. Tuy Xuân Trường đã phá được bộ máy nguỵ quyền địch trong nửa số thôn xã toàn huyện. Nhân dân trại My (Trực Ninh) đã ngoan cường chiến đấu với địch, nhưng do chưa được chuẩn bị chu đáo mọi mặt nên cuộc nổi dậy này đã nhanh chóng bị địch dập tắt. Đêm 4- 4-1951, phong trào vừa phát động thì sáng 5-1-1951 địch đem quân về khủng bố, đàn áp khốc liệt. Nhiều cán bộ, đảng viên chiến đấu rất dũng cảm, nhưng trong tác chiến lại nặng về cố thủ trong làng chiến đấu, quyết đánh đến cùng, nên khi từng làng chiến đấu đơn độc thì không thể ngăn cản được lực lượng áp đảo của địch. Tuy tiêu diệt được 70 tên địch, bắt 75 tề nguỵ nhưng ta bị thiệt hại nặng: 122 người hy sinh, trong đó có 37 bộ đội, du kích, 8 cán bộ huyện, 18 chi uỷ viên xã, trên 100 người bị thương, 600 người bị bắt, 300 nóc nhà bị đốt. Phong trào bị tổn thất lớn.

    Qua chiến đấu, chi bộ xã Trung Nghĩa (Ý Yên) đã có kinh nghiệm là khi gặp địch đánh mạnh, biết chiến đấu đến mức nào đó rồi tạm thời luồn địch, chuyển hướng hoạt động bí mật duy trì cơ sở, ngăn chặn tề "mọc lên", chuẩn bị trở lại đấu tranh vũ trang khi có điều kiện. Nhưng những kinh nghiệm đó chưa được ứng dụng và phát huy rộng rãi.

    Phong trào kháng chiến Nam Định từ đây lại gặp khó khăn. Cơ sở đảng, chính quyền, tổ chức quần chúng ở những nơi địch đánh phá bị đảo lộn. Hầu hết bộ đội địa phương, dân quân du kích bị bật ra ngoài. Nguỵ quyền mọc lên ở hầu hết các huyện, xã. Toàn tỉnh Nam Định lại trở thành vùng địch tạm chiếm.

    Thời gian đầu thực hiện kế hoạch Đòlát Đò Tátxinhi ở đồng bằng Bắc Bộ, với những trận càn quét khốc liệt của chúng, nhiều cơ sở ở trong vùng sau lưng địch bị tổn thất. Cuộc đấu tranh của nhân dân ta trong vùng địch tạm chiếm có phần bị giảm sút... "Tuy không thể giành lại được thế chủ động tiến công, nhưng thực dân Pháp đã giữ được thế phòng ngự ở đồng bằng Bắc Bộ". Thực tế đó đã đặt vùng đồng bằng Bắc Bộ nói chung và quân dân Nam Định nói riêng trước những khó khăn phức tạp mới.

    Song kế hoạch Đờlát Đò Tátxinhi được đề ra khi thực dân Pháp bị thất bại nặng ở biên giới, quyền chủ động tiến công trên chiến trường đã nghiêng về phía quân và dân ta. Quân đội viễn chinh Pháp ngày càng lún sâu vào thế phòng ngự, bị động cho nên thực chất đó là một kế hoạch "chữa cháy" cho quân đội thực dân.

    Mặc dù phải trải qua muôn vàn khó khăn, thử thách, Đảng bộ và quân dân trong tỉnh vẫn kiên trì đường lối kháng chiến lâu dài, toàn dân, toàn diện do Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động. Trong gian khổ hy sinh, nhiều cán bộ, đảng viên vẫn nêu cao tinh thần cách mạng, kiên trì bám đất, bám dân.

    Một số cấp uỷ thuộc các ban Huyện uỷ lúc đầu tạm thời bật ra ngoài, sau đó đã về cùng cán bộ cơ sở bí mật xây dựng lại phong trào. Trong vùng kìm kẹp, khủng bố dã man của kẻ thù, nhân dân vẫn một lòng tin tưởng ở đường lối kháng chiến do Đảng và Bác Hồ lãnh đạo, hết lòng ủng hộ, nuôi giấu, bảo vệ cán bộ, bộ đội. Vì vậy, ở một số xã, lực lượng của ta vẫn trụ lại được. Những nơi bị tàn phá nặng nề nhân dân vẫn âm ỉ nuôi giữ ngọn lửa kháng chiến để khi có điều kiện lại bùng lên áp đảo quân thù.

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com